Trong dòng chảy văn hóa lịch sử Việt Nam có những dấu ấn của một số nhà khoa học phương Tây mà những nghiên cứu về Việt Nam – Đất Nước – Con người của họ đã đóng góp vào hệ tri thức chung của nhân loại.
Khi truyền đạo cho người Việt Nam, những khó khăn đầu tiên mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Ý, Pháp vấp phải là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự. Bởi vậy, họ đã dùng bộ chữ cái Latinh thêm các dấu phụ để ghi âm tiếng Việt, tạo nên chữ Quốc ngữ với công đầu thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660). Cũng từ đây, lớp văn hóa chịu ảnh hưởng của phương Tây đã được hình thành qua các lĩnh vực văn tự – ngôn ngữ, báo chí, văn học – nghệ thuật, giáo dục – khoa học…Đây cũng là quá trình tiếp biến văn hóa có chọn lọc, mà đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng tìm hiểu, chắt lọc cái hay của văn minh phương Tây để giải phóng dân tộc là Nguyễn Ái Quốc.
Tác phẩm của nhà truyền giáo Joannis de Loureiro
Có thể nói từ những truyền thống đạo học với lối tư duy tổng hợp phương Đông nay được bổ sung thêm kiểu tư duy phân tích phương Tây. Nó được rèn luyện qua báo chí, giáo dục và hoạt động của những cơ quan khoa học như Trường Viễn Đông Pháp, Viện Vi trùng học, Thảo Cẩm viên Sài Gòn, Vườn Bách thảo Hà Nội…gắn với tên tuổi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu danh tiếng đã góp phần biến một phần giá trị về Việt Nam – Đất Nước – Con người đóng góp vào hệ tri thức chung của nhân loại. Chỉ xem xét một lĩnh vực chuyên ngành hẹp như bảo tồn các loài hoa lan Việt Nam dưới đây cũng đã thấy rõ hơn những nhận định đó.
Joannis de Loureiro là giáo sĩ nổi tiếng người Bồ Đào Nha. Ông tới Việt Nam vào năm 1743 trong vài trò chính là người truyền giáo. Trong suốt 36 năm ở Việt Nam ông khảo cứu thực vật và địa dư. Năm 1782, ông trở về Lisboa và đến năm 1790 thì xuất bản cuốn sách “Cây cỏ tại Nam kỳ” (Flora Cochinchinensis). Trong đó, ông có mô tả một số loài lan Aerides (Giáng xuân hay Giáng hương) như cây Aerides odorata và Thrixspermum centipeda (Mao tử).
George Finlayson là một nhà thiên nhiên học người Scotland. Vào khoảng năm 1821 – 1822, ông tới Nam Kỳ với tư cách là nhà tự nhiên học và trở về Calcutta vào năm 1823. Với những đóng góp cho tự nhiên học, bên canh một loài chim phình cổ họng có sọc (Pycnonotus Finlaysonni) thì một loài lan kiếm của Huế là Cymbidium finlaysonianum được đặt tên riêng của ông.
Gaudichard Geaupré là một dược sĩ và thảo mộc gia người Pháp. Năm 1936, ông thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ 3 để nghiên cứu về cây cỏ và đến Đà Nẵng vào mùa Xuân năm 1837. Trong chuyến đi này, ông có mang về vườn Thảo mộc Paris một số cây lan chưa xác định được tên.
Clovis Thorel là một nhà thực vật học, nhà thám hiểm và bác sĩ người Pháp. Năm 1861, ông đến Nam Kỳ làm việc chính tại một bệnh viện tại Sài Gòn và tranh thủ nghiên cứu thế hệ thực vật tại đây. Năm 1866 – 1868, ông tham gia đoàn thám hiểm dọc sông Mê Kong. Trong hành trình đó, ông đã khám phá ra rất nhiều loại thực vật và mang về Paris một số hoa lan, cùng một số cây cỏ, trong đó có cây bắt ruồi Nepenthes thorelii mọc tại Tây Ninh, Lái Thiêu, Dầu Tiếng (Ti Tinh, Lo Thieu, Guia Toan).
Jean Baptiste Louis Pierre là một nhà thực vật học người Pháp. Từ năm 1864 – 1877 làm quản lý tại Thảo Cầm viên Sài Gòn, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về hoa lan tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Những kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này được ông mô tả trong cuốn “Hoa cỏ tổng quát ở Đông Dương” (Flore genérale de l'Indochine).
Eugène Poilane đến Nam Kỳ năm 1909 với vai trò là một pháo binh. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông làm việc với Viện Thảo mộc và năm 1922, ông trở thành nhân viên Nha Kiểm Lâm. Ông lập đồn điền cà phê tại Khe Sanh vào năm 1926 và đi khắp Đông Dương thu lượm hoa cỏ gửi về Bảo tàng viện Saigon. Tới năm 1947, tính ra ông đã tìm được 36,000 mẫu thực vật trong đó có một số hoa lan. Ông là người có công mang các giống cây từ Pháp, Nhật và các quốc gia khác đến Việt Nam.
Cécil Boden Kloss đã đến Đà Lạt năm 1918 và mang về một số hoa lan cho viện Bảo tàng Anh Quốc. Tên của ông cũng được đặt cho một số động thực vật, trong đó có một loại rắn Fimbrios Klossi được phân bố ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Wilhelm Micholitz đã tới Việt Nam vào khoảng năm 1905 và thu lượm khá nhiều hoa lan. Sau này có nhiều cây mang tên ông như: Aerides micholitzii, Spathoglottis plicata var. micholitzii, Bulbophyllum micholitzii, Coelogyne micholitzii…Những cây lan do ông thu lượm đã mang về Paris, sau này được Finet, Gagnepain và Guillaumin nghiên cứu.
Archille Eugène Finet là một nhà thực vật người Pháp. Ông ấn hành một số tài liệu nói về những cây lan ở Đông Dương hiện còn lưu trữ tại Viện Thảo mộc Paris. Trong tài liệu vào năm 1910, Finet đã nghiên cứu về những cây của Việt Nam, phần lớn do Eberhardt thu lượm, một vài giống mới được mô tả trong tài liệu này và trong các tài liệu khác. Finet là một nhà khoa học đứng đắn cho nên các biên khảo của ông rất đáng tin cây cho những nhà thực vật về sau nghiên cứu.
François Gagnepain là nhà thực vật học người Pháp. Từ năm 1929 đến năm 1934, ông đã ấn hành 17 tài liệu ngắn mô tả nhưng cây lan mới của Đông Dương. Năm 1936-1967, ông viết chung với Henri Humert (1888-1967) một thảo mộc gia người Pháp trong cuốn Flore générale de l'Indochine.
André Guillaumin nghiên cứu về những cây lan hài tại Đông Dương gồm các cây Paphiopedilum gratrixianum và Paphiopedilum delenatii. Các tài liệu do Gagnepain viết chung với ông gồm 96 loài và 485 giống.
Pierre Tixier căn cứ vào tài liệu do Guillaumain biên soạn và những cây do chính tay sưu tầm, ông khởi sự việc nghiên cứu vào năm 1955. Năm 1966, ông ấn hành một cuốn sách nói về những cây phong lan ở phía nam dẫy Trường Sơn Việt Nam bao gồm về thời tiết và thổ nhưỡng. Ông thu thập một số lớn tài liệu mô tả và hình vẽ chưa từng phổ biến và trao cho Gunnar Seidenfaden.
Gunnar Seidenfaden và cộng sự đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về hoa lan của các nước Đông Nam Á, trong đó có nghiên cứu một số loài lan của Việt Nam. Trong cuốn “Hoa Lan tại Đông Dương” (The Orchid of Indochina) xuất bản vào năm 1992 bao gồm 502 trang khổ lớn trong đó có khoảng 136 loài và 720 giống của Việt Nam.
Leonid Averyanov là nhà thực vật người Nga, ông bắt đầu nghiên cứu về Lan Việt Nam từ năm 1981, với hơn 30 năm hoạt động ông đã mô tả và công bố hàng trăm loài lan và các loài khác từ Việt Nam qua các tài liệu: The Slipper Orchids of Vietnam (do ông và tiến sĩ Phillip Cribb, tiến sĩ Phan Kế Lộc, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp viết chung xuất bản năm 2003); The Orchid of Vietnam Illustrated; Updated Checklist of the Orchids of Vietnam; The Orchids of Cuc Phuong National Park illustrated guide 2013...Leonid V. Averyanov là người đã phát hiện ra một loài lan hài mới, đặc hữu của Việt Nam - Paphiopedilum Helenae (Mang tên người vợ của ông).
Karel Petrzelka là nhà ngoại giao người Tiệp Khắc, trong thời gian giữ chức vụ Tổng Lãnh sự sứ quán tại Việt Nam (1975 – 1988) đã sưu tầm được 250 cây lan và khảo cứu khoảng 84 loài với 350 giống và thu được trên 400 tấm hình hoa từ năm 1989 đến năm 1998. Ông từng có ý tưởng về lập Danh mục lan rừng Việt Nam.
Olaf Gruss là một nhà thực vật học người Đức có nhiều công trình nghiên cứu và khảo nghiệm lan hài Việt Nam. Ông cũng tích cực hỗ trợ nhiều nghệ nhân sưu tầm hoa lan của Việt Nam công bố một một loài lan hài mới tìm được như: Nghệ nhân Chu Xuân Cảnh, nghệ nhân Trần Tuấn Anh; Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn… Ông cũng đã xuất bản cuốn “Lan Hài Bạch Tạng” (Genus Paphiopedilum Albino Forms) trong số này có 16 cây của Việt Nam. Đặc biệt, một loại lan đặc hữu của Việt Nam được phát hiện vào năm 1998 ở Cao Bằng đã được GS. Olaf Gruss và Holger Perner đặt tên là lan Vietnamense. Tư năm 1999 - 2002, ông Popow người Đức đã nhân giống thành công cây lan delenatii với cây lan Vietnamense và trân trọng đăt tên là lan hài Hồ Chí Minh.