Những cửa hàng kinh doanh không thiết yếu chỉ được phép mở cửa bán hàng sau 9 giờ sáng. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều cửa hàng tuân thủ quy định
Khảo sát của phóng viên Kinh tế&Đô thị cho thấy, sau 4 ngày thực hiện quy định mới, hầu hết các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu như thời trang, sắt thép, máy tính, đồ gỗ trên các tuyến phố Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn, Chùa Bộc, Đê La Thành, Cát Linh... không mở cửa bán hàng trước 9 giờ. Bà Vũ Thị Mơ, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, trước khi có dịch Covid-19, các cửa hàng kinh doanh thời trang thường 8 - 9 giờ mới mở cửa bán hàng, bởi đầu giờ sáng không nhiều người mua sắm mặt hàng này. Nhưng nếu TP cho mở cửa muộn và không giới hạn thời gian đóng cửa sẽ tạo thuận lợi cho cửa hàng tăng doanh thu vì mùa hè nắng nóng, người tiêu dùng thường sầm tối mới đi mua sắm.
Đồng tình với ý kiến này, song nhiều chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu trên phố Chùa Bộc cũng cho biết, việc UBND TP quy định sau 9 giờ mới được mở cửa bán hàng có ảnh hưởng nhất định đến doanh số bán hàng. Nguyên nhân là do cửa hàng chỉ đông khách vào đầu giờ sáng hoặc chiều nên thường phải tranh thủ mở cửa bán sớm, nếu khống chế thời gian mở cửa sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, để bù đắp doanh số, đa phần các cửa hàng đẩy mạnh quảng cáo, bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... hoặc các sàn thương mại điện tử như Lazara, Tiki, Sendo.... “Mặc dù các đơn hàng online không thể nhiều bằng bán trực tiếp nhưng cũng bù đắp phần nào lượng doanh số giảm sút ” - chị Nguyễn Kim Liên, kinh doanh thời trang trên phố Chùa Bộc nói.
Điều chỉnh thời gian là cần thiết
Thực tế, bên cạnh các cửa hàng tuân thủ quy định vẫn có một số cửa hàng mở cửa kinh doanh từ 7 - 8 giờ sáng. Chủ những cửa hàng này lý giải, “cửa hàng cũng là nhà riêng nên phải mở cửa từ sáng sớm”. Chị Nguyễn Diệu Thúy, kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xuân chia sẻ, Đồng Xuân là chợ đầu mối mặt hàng quần áo, vải, đồ khô… nên chủ yếu bán buôn cho bạn hàng các tỉnh, thành, vì vậy buổi sáng thường đông khách mua hàng để vận chuyển trong ngày. Phản ánh của những hộ kinh doanh cho thấy, đây là “vướng mắc” mà cơ quan chức năng cần tìm giải pháp khắc phục.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu, các siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu như Vinmart, Hapro, Big C, thậm chí siêu thị điện máy như Media Mart, Pico, HC... phải 8 giờ 30 - 9 giờ mới mở cửa bán hàng và 21 giờ đóng cửa, dừng kinh doanh. Đây là mô hình mà các tiểu thương cần học tập để điều chỉnh thời gian bán hàng phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh nên tìm cho mình giải pháp kinh doanh phù hợp, chẳng hạn tăng cường bán hàng online thông qua mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử. Cách phương thức kinh doanh này đã được nhiều tiểu thương, cửa hàng áp dụng trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội và được người tiêu dùng hưởng ứng, thu được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, bán lẻ cũng kiến nghị, trong thời gian tới, UBND TP và các ngành chức năng nên nghiên cứu, đánh giá để có thể điều chỉnh phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, bởi đây mới chỉ là bước đầu thực hiện quy định hoàn toàn mới. Quan trọng hơn là chính các hộ kinh doanh, người dân đồng thuận thực hiện chỉ đạo của TP, qua đó vừa ngăn chặn dịch Covid-19 lại bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định đời sống.
Quy định này chỉ là giải pháp tạm thời của TP Hà Nội trong việc thực hiện ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thay vì thực hiện giãn cách xã hội. Có thể nói, giải pháp này cho phép từng bước đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Theo KTĐT