Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần mạnh tay chỉ định, thậm chí can thiệp để các TCTD tích cực triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp như định hướng.
Do chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, tại Jetstar Pacifc, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Tổng giám đốc tự nguyện giảm 40% lương, các Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng giảm 30% lương chức danh...
Từ “bàn tay hữu hình”
Vẫn còn nhiều việc cần làm mạnh hơn để gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng thực sự “cứu” được nhiều doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh cho rằng, ngoài Thông tư 01/TT-NHNN, cần có quy định cụ thể “giao thẳng trách nhiệm” giải ngân theo “hạn mức” tương ứng “sức khỏe” của các TCTD, cụ thể như quy mô tổng tài sản, dư nợ tín dụng, lợi nhuận đạt được những năm vừa qua… “Việc giải ngân sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, nhưng giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, có tần suất rà soát kết quả thì mới có “đích” cụ thể để đối chiếu, đánh giá, điều hướng phù hợp”, ông Minh nhấn mạnh.
Động thái trên cần sớm được đưa ra ngay sau khi NHNN đã giảm một loạt lãi suất điều hành nhằm phù hợp diễn biến kinh tế.
“Trong một số tình huống, Nhà nước cần mạnh tay chỉ định, thậm chí can thiệp để các TCTD tích cực triển khai hỗ trợ như định hướng. Đây không phải là can thiệp phá vỡ cơ chế thị trường bởi ngân hàng vẫn là lĩnh vực kinh doanh, quản lý đặc biệt, và hơn nữa trong tình huống dịch bệnh đặc biệt, cứu doanh nghiệp cũng chính là cứu bản thân các TCTD. Chỉ có như vậy, thì 250.000 tỷ đồng hay thậm chí nếu cần nhiều hơn, gấp 2, 3 lần… ngân hàng vẫn mạnh dạn mở van, với liều lượng nhanh, chủ động đóng góp vai trò của mình để doanh nghiệp “hồi pin”, để nền kinh tế có thể vững vàng thoát qua đại dịch lần này”, ông Minh nói.
Đến “hướng đích” của các ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Bước đầu, các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng…
Ngay sau NHNN ban hành các quyết định điều chỉnh loạt lãi suất điều hành hiệu lực từ 17/3, nhiều TCTD cũng đã công bố giảm lãi suất huy động. Điều này cho thấy, can thiệp hạ lãi suất của NHNN đã thực sự tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ lãi suất đầu vào, tạo vốn giá rẻ khi cho vay.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay xuống mức khá thấp so với mặt bằng lãi vay đã duy trì trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn mong đợi và cho rằng điều cần nhất bây giờ là các ngân hàng nên ban hành bộ tiêu chí thống nhất trong từng hệ thống, công khai, minh bạch theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi và khoanh nợ mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định để sớm thực hiện. Ngoài ra, trong khi nỗ lực thúc đẩy bơm vốn cho vay mới, ngân hàng cũng cần xét miễn, giảm lãi trực tiếp trên dư nợ hiện hữu, với tốc độ nhanh nhất có thể.