Một quyết định mang tính sáng tạo và kịp thời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh được các nhà nghiên cứu ghi nhận như một trong những nguyên nhân thắng lợi là sự thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Sau này, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói rằng đó là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.
“Phải chắc thắng mới đánh!”
Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) hình thành dần trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đây là chiến dịch mà cả 2 bên tham chiến đều chấp nhận và ra sức chuẩn bị, quyết tâm giành thắng lợi. Trong tình hình đó, sự bí mật, bất ngờ của điểm quyết chiến không còn nữa.
Thắng hay bại của trận đánh chủ yếu tùy thuộc vào binh lực và cách sử dụng binh lực mỗi bên. Cùng với đó là tinh thần chiến đấu của quân đội, tư tưởng và nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật, trong đó phương châm tác chiến giữ vai trò hết sức quan trọng.
Trong Báo cáo chính trị tại Hội nghị TW khóa II (1/1953) do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày với tư tưởng chỉ đạo là: “Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều nên nói chung là chỉ có thắng chứ không được bại là hết vốn”.
Đến tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc là Vi Quốc Thanh lên đường ra mặt trận, nghiên cứu tình hình và phương án tác chiến. Tối hôm đó, Đại tướng lại gặp Vi Quốc Thanh và ông tán đồng phương án đánh sớm, đánh nhanh do cán bộ tham mưu Việt Nam và Trung Quốc đề xuất.
Với tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và kinh nghiệm dày dạn, nhạy bén của một Tổng Tư lệnh, Đại tướng thấy rõ “phương án đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm” và tự xác định trách nhiệm phải thay đổi cách đánh, thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến của chiến dịch. Khó khăn và lực cản lớn nhất của Đại tướng là toàn thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Cố vấn Trung Quốc lại nhất trí với chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”.
Không những thế, trong chiến tranh, đặc biệt là trong những trận đánh lớn thì Tổng Tư lệnh có thể ra lệnh và đương nhiên, toàn quân phải tuyệt đối phục tùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ “phải chắc thắng mới đánh” cũng đề ra yêu cầu phải giữ gìn sự thống nhất trong chỉ huy: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyển. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với Cố vấn. Cứ quyết định rồi báo sau”.
“Tôi đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”
Có thể nói, đây là trường hợp chân lý không thuộc về số đông và tình trạng cô đơn của một trí tuệ và bản lĩnh hơn người. Phải làm sao chuyển hóa được nhận thức đó, phải có thời gian và thực tế để chứng minh phương án “đánh nhanh thắng nhanh” là mạo hiểm, không chắc thắng và thậm chí có thể dẫn đến tổn thất lớn và thất bại, để từ đó thay đổi cách đánh. Do đó, Đại tướng phải tạm thời chấp nhận phương án đã thống nhất trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Cố vấn Trung Quốc.
Ngày 14/1/1954, Đại tướng triệu tập hội nghị cán bộ và phổ biến mệnh lệnh chiến đấu, đôn đốc các đơn vị triển khai việc chuẩn bị, nhất là việc kéo pháo vào trận địa. Trải qua nhiều ngày khảo sát trận địa, theo dõi chặt chẽ tình hình địch với rất nhiều xe tăng, pháo, các công sự kiên cố có hàng rào dây thép gai, bãi mìn dày đặc thì công việc kéo pháo bằng tay của ta gặp nhiều khó khăn vì địa hình nhiều dốc cao, vực thẳm, lại bị máy bay và pháo địch luôn bắn phá, cản đường.
Sau 11 đêm suy tính, cân nhắc (từ ngày 14/1), nhất là đêm 25/1 hầu như không ngủ được, Đại tướng đã đi đến một quyết định táo bạo là phải kiên quyết thay đổi cách đánh, phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Vấn đề là làm sao để thực hiện được quyết đoán đó trên cơ sở tranh thủ được sự đồng tình của Cố vấn Trung Quốc và thuyết phục được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Trước đó, qua quan sát thực tế, Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh đã nhận ra nhiều khó khăn cho phương án chuẩn bị đánh nhanh. Sáng ngày 26/1, Vi Quốc Thanh đã đồng tình và chấp nhận chủ trương mới của Đại tướng. Ngay sau đó, Đại tướng đã triệu tập Đảng ủy mặt trận để thảo luận về chủ trương thay đổi phương án tác chiến.
Mỗi người mỗi ý nhưng đều muốn quyết tâm đánh nhanh vì toàn quân đã ở tư thế sẵn sàng, không muốn lui quân, kéo pháo ra và phải chuẩn bị lại từ đầu theo phương châm mới. Đại tướng đã phân tích và nhấn mạnh đến yếu tố: Yêu cầu cao nhất là đánh phải chắc thắng, vậy nếu đánh theo phương châm cũ có chắc thắng trăm phần trăm không?
Từ câu hỏi đó, mọi người mới tỉnh táo để nhận ra nhiều khó khăn chưa thể khắc phục được và đi đến sự nhất trí với phương châm mới, thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”!
Đến trưa 26/1/1954, sau khi tạo nên sự nhất trí với Cố vấn Trung Quốc, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại tướng ra lệnh hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về điểm tập kết và kéo pháo ra. Và kết quả của sự thay đổi phương châm, cách đánh táo bạo, kịp thời và hiệu quả đó là sau 55 ngày đêm chiến đấu với 3 đợt tiến công với nhiều hy sinh, mất mát, chiều ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kiên cố và mạnh nhất Đông Dương với 49 cứ điểm, 3 phân khu đã bị xóa sổ.
Thắng lợi lịch sử được tạo bởi nhiều nguyên nhân: cơ bản từ đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ, trong đó có sự đóng góp trực tiếp gắn liền với sự quyết đoán và kịp thời thay đổi cách đánh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong chỉ đạo chiến dịch, sự thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến là một nhân tố quyết định.
Bằng khả năng quan sát tinh tế và tư duy quân sự nhạy bén, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã thấy ngay tính mạo hiểm, hậu quả nguy hại của lối đánh nhanh ngay từ đầu và kiên trì chủ trương phải đánh chắc thắng. Điều quan trọng nhất là bằng tất cả tài năng của mình, ông đã làm chuyển biến từ chủ trương “đánh nhanh” được sự nhất trí của Đảng ủy mặt trận và các cố vấn Trung Quốc sang chủ trương đúng đắn của ông.
Đây không phải là sự thay đổi áp đặt từ trên xuống bằng mệnh lệnh, cũng không phải là sự tranh cãi trên lý lẽ mà là sự kiên nhẫn chờ đợi để hội đủ các căn cứ thực tế đủ sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, một sự nhất trí tự nguyện trên một chủ trương mới. Đó là một quyết định táo bạo, kịp thời thể hiện tài thao lược kiệt xuất, bản lĩnh và năng lực tổ chức tuyệt vời của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã lùi xa tròn 65 năm (1954-2019) và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng đã giã từ chúng ta gần 6 năm. Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử là nhớ đến vai trò và tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp, vị tướng của những quyết định lịch sử.
Bởi quyết định lịch sử trong giờ phút lịch sử của Đại tướng đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.