Hội nghị gồm 3 phiên thảo luận là “Việt Nam: Cơ hội và tiềm năng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu”; “Phát triển ngành dịch vụ hậu cầu thông minh - Chìa khóa để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu” và “Hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhận định, đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Là một phần trong bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực. Việt Nam đã và sẽ làm gì để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đàu tư mới của khu vực. Đó là những vấn đề cần hội nghị tập trung làm rõ và thảo luận tích cực.
"Trước tình hình đại dịch, an ninh lương thực nổi lên là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư trong những lĩnh vực nào để phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế vốn có của mình", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Đại diện VCCI, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 ngoài những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phát triển cả trong thời đại dịch COVID-19 và sau đại dịch.
Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà lại vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế quốc gia. Do đó, cần tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế hiện đại với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, nhiều diễn giả đã bày tỏ sự quan tâm về những nội dung như: Tác động của đại dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu và triển vọng kinh tế Việt Nam; Làn sóng chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn quốc tế và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam; Việt Nam cần làm gì để đón làn sóng đầu tư mới thành công…
Hay “Ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chi phí và hiệu quả logistics”; Kinh nghiệm đầu tư vào logistics tại Việt Nam; Tìm hướng phát triển cho sản xuất nông nghiệp và Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…