Huyện Đan Phượng, Hà Nội: Cần đồng hành, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại xã Tân Lập 

27/02/2020 13:20

Thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước về việc chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch và sử dụng đất dẫn đến tình trạng  lãng phí gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, thậm chí nhiều địa phương còn để đất bỏ hoang hóa cỏ mọc um tùm gây ô nhiễm môi trường và diễn ra tình trạng lấn chiếm trái phép. Trong khi đó người dân thiếu đất sản xuất và kinh doanh. 

Đây là bài toán mà các địa phương cần quan tâm và có lời giải, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. 

Báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được đơn thư của ông Nguyễn Đăng Thịnh (địa chỉ xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh về việc mong muốn được tiếp tục thuê và sử dụng nguồn đất hoang hoá tại cụm 12, 13 lòng hồ Cầu Xây để làm nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng. 

 Đơn đề nghị xin cải tạo và thuê mặt bằng của ông Nguyễn Đăng Thịnh

Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Đăng Thịnh - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và sản xuất thương mại Hoàng Trung cho biết: “Năm 2014, tôi được UBND huyện Đan Phượng giao cho thi công tuyến đường và rãnh thoát nước từ trạm y tế xã đi Cầu Xây, trong quá trình thi công tôi nhận thấy có nhiều diện tích đất công bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm do một số hộ dân trước khai hoang nhưng nay đã bỏ không làm nữa. Qua khảo sát diện tích đất bỏ hoang này khoảng hơn 5000 m2.

Tháng 1/2014 công ty chúng tôi làm tờ trình số 74 để xin phép cải tạo trên khu đất trên và làm thủ tục xin thuê đất để công ty cải tạo làm lán trại và bãi chứa thiết bị thi công nhằm thu ngân sách cho Nhà nước. 

Ngày 09/07/2014, UBND xã Tân Lập đã mời tôi lên nhận ranh giới thực địa khu hồ Cầu Xây do UBND xã quản lý và yêu cầu công ty hỗ trợ tiền đền bù hoa màu cho các hộ dân. Tổng số tiền là 83.239.000 đồng (Tám mươi ba triệu hai trăm ba mươi chín nghìn đồng). Bản thân tôi cũng vận động và đưa một số hộ dân lên nhận tiền đền bù hoa màu theo quy định. 

UBND xã Tân Lập đã giao đất cho tôi kèm theo trích lục bản đồ lần 1. Tôi đã cho đắp bờ xung quanh song do lâu ngày không ai quản lý nên địa chính xã đã nhầm lẫn với một số diện tích đất khoán 1 và đất 5% của dân. 

Xuất phát từ những lý do trên để phát huy được tính hiệu quả từ đất, khai thác sử dụng tăng ngân sách địa phương, chúng tôi nhận thấy diện tích bỏ hoang là quá lớn, nên công ty chúng tôi đã làm tờ trình xin phép UBND xã Tân Lập được thuê lại diện tích trên nhằm mục đích chống tái lấn chiếm và giúp doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nếu được chấp thuận chúng tôi xin hứa sẽ nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định của Nhà nước. Khi có dự án của Nhà nước, Nhà nước thu hồi yêu cầu tháo dỡ trả lại mặt bằng chúng tôi xin tháo dỡ ngay để trả lại mặt bằng mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì”. 

Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội về vấn đề nêu trên. Ông Học cho biết: 

Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng trong buổi làm việc với phóng viên.

“Ông Nguyễn Đăng Thịnh đã được UBND xã giao cho diện tích đất để tạm thời quản lý từ năm 2014, diện tích đó trước kia là cái ngòi nên UBND xã cũng giao cho ông Thịnh thực hiện xây dựng dự án để nhằm mục đích đắp bờ, thả cá. Do khu vực đất đó bị ô nhiễm cộng với việc người dân đổ nhiều rác thải ra khu vực ấy nên ông Thịnh không thể tiến hành nuôi trồng thuỷ sản theo dự định. Diện tích này UBND xã chỉ bàn giao cho ông Thịnh sử dụng tạm thời do phần đất thuộc vào dự án làm đường. Về vấn đề đơn đề nghị của ông Thịnh đề cập đến việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ban đầu để sang làm kho chứa vật liệu xây dựng, vấn đề này chúng tôi đang xem xét hồ sơ. Về hồ sơ trước đó của ông Thịnh được giao chưa được đầy đủ, tôi cũng có giao lại cho đồng chí Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã nghiên cứu và có những giải pháp để báo cáo lên Ban Thường vụ và xin ý kiến của huyện để tìm biện pháp tháo gỡ cho phù hợp”. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận điều mong mỏi của các đơn vị doanh nghiệp xã Tân Lập là các cấp chính quyền, các ngành chức năng huyện Đan Phượng cần xem xét lại cho thấu tình đạt lý. Mong muốn lớn nhất của họ là được đơn vị có thẩm quyền tạo điều kiện được tiếp tục thuê đất để họ ổn định sản xuất kinh tế. Trước mắt, các cấp chính quyền địa phương cần nên tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế; đồng thời gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp để đưa ra biện pháp giải quyết hợp lý, hợp tình. Tránh việc làm nóng vội, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Đề nghị UBND T.P Hà Nội, Sở TN&MT TP Hà Nội, Huyện uỷ - UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Tân Lập xem xét và giải quyết đề nghị của doanh nghiệp. 
                                                                                 

Chủ doanh nghiệp bỏ đi, ban lãnh đạo mới lại 'biến mất' không rõ lý do Chủ doanh nghiệp bỏ đi, ban lãnh đạo mới lại 'biến mất' không rõ lý do

Vừa vào tiếp quản Công ty TNHH KaiYang được khoản 1 tuần, ban lãnh đạo mới của doanh nghiệp nước ngoài này lại bỏ đi khiến hàng nghìn công nhân lao đao.

  Lê Tuấn – Ngô Huy
Nguồn KD&PL

Bạn đang đọc bài viết "Huyện Đan Phượng, Hà Nội: Cần đồng hành, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại xã Tân Lập " tại chuyên mục TRUYỀN THÔNG.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.