Đây là con số khá khiêm tốn so với các tỉnh thành cả nước nên ngay từ đầu năm 2020, chính quyền tỉnh đã quyết tâm xây dựng một chương trình lớn cho xúc tiến đầu tư, xem đây là mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban quản lý các KCN Hậu Giang đã chia sẻ cùng bạn đọc xung quanh chương trình này.
Ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban quản lý các KCN Hậu Giang. |
Phóng viên: Kể từ khi tách tỉnh, Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp địa phương có vẻ chưa được lạc quan lắm. Vậy, nguyên nhân vì đâu?
Ông Nguyễn Phong Minh: Hậu Giang là tỉnh ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên một số Nhà đầu tư chưa biết đến, đồng thời các khu công nghiệp của tỉnh chưa được đăng tải nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chưa có trên trang website của khu công nghiệp VN nên thông tin chưa đầy đủ để Nhà đầu tư tìm thấy.
Hậu Giang là tỉnh mới được chia tách nên còn nhiều Nhà đầu tư, đặc biệt là Nhà đầu tư nước ngoài chưa biết đến. Nhân lực còn hạn chế kinh nghiệm do mang tính phụ trách chứ không chuyên trách, còn bị động; kinh phí xúc tiến đầu tư còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng cho công tác xúc tiến đầu tư, nhất là công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, việc tổ chức các buổi Hội nghị còn mang tính chung chung, chưa mang lại các thông tin cụ thể để đáp ứng cho doanh nghiệp có nhu cầu, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp để tham gia tìm hiểu và phát triển mở rộng.
Phóng viên: Với quyết tâm mới, Ban quản lý các KCN đã làm được gì và sắp tới sẽ làm như thế nào để đẩy “mũi nhọn” xúc tiến đầu tư tiến tới nhanh nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Phong Minh: Trong năm 2019, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tiếp và làm việc với 39 Nhà đầu tư mới, trong đó có Nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các ngành nghề chủ yếu như: nhà máy chế biến nông sản, bao bì, nhựa sinh học, giày gia công, nhà máy may quần Jean, nhà máy phân vi sinh, khí công nghiệp, sản xuất các loại xe ô tô, xe tải điện, linh kiện điện tử, lốp xe tải, nhà máy khí công nghiệp, …
Qua đó đã được UBND tỉnh cho chủ trương thống nhất thu hút mới 03 dự án gồm: Dự án chế biến nông sản và cho thuê kho tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 1, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành do Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại KCN Tân Phú Thạnh của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủ công Mỹ nghệ Kim Hưng; Dự án “Nhà xưởng sản xuất sản phẩm nhựa sinh học Hậu Giang” của Công ty TNHH MTV Nhựa sinh học Hậu Giang; dự án chuyển đổi công năng 01 dây chuyền nghiền xi măng thành nghiền xỉ và bổ sung đầu tư dây chuyền sản xuất ngói.
Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp cung cấp thông tin đến Cục Xúc tiến thương mại, các trang thông tin KCN Việt Nam, Đầu tư công nghiệp Việt Nam để tạo cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư, cập nhật thông tin cụ thể về vị trí, diện tích, ngành nghề thu hút, … kịp thời đáp ứng khi các Nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu về các KCN Hậu Giang.
Tỉnh sẽ hoàn thiện, bổ sung trong việc xây dựng các Danh mục dự án ưu tiên kêu gọi trọng điểm, phù hợp với quy hoạch ngành nghề; riêng đối với các dự án đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng cần xây dựng bảng tóm tắt dự án, trong đó nêu rõ các thông tin cụ thể về mục tiêu, địa điểm, tổng vốn đầu tư, công suất để làm cơ sở cho NĐT nước ngoài tiếp cận và quyết định đầu tư nhanh hơn.
Nhanh chóng đổi mới và cập nhật các ấn phẩm, quyển tiềm năng giới thiệu về các KCN, CCNTT bằng các thứ tiếng gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn đính kèm danh mục dự án kêu gọi dự án FDI, cập nhật thông tin cần thiết liên quan đến đầu tư trên website Ban Quản lý một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu nhằm cung cấp thông tin cơ bản và sức hấp dẫn ban đầu cho Nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tham gia tích cực các hội thảo xúc tiến đầu tư do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ở các lĩnh vực, tham dự các buổi hội thảo xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, các buổi triển lãm hội chợ do địa phương tổ chức, ngày Hội Doanh nhân, ngày Cà phê Doanh nhân,… để giới thiệu, cung cấp thông tin nhằm tạo sự quan tâm chú ý từ các nhà đầu tư có uy tín và các tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu đầu tư vào KCN, CCNTT của tỉnh. Tham gia cùng Ban vận động Xúc tiến đầu tư của tỉnh gặp gỡ các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế của nước ngoài để tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đặc biệt là cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư nhằm hỗ trợ Nhà đầu tư thuận lợi trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án cũng như các thủ tục về quy hoạch xây dựng, môi trường để triển khai dự án đúng tiến độ và đúng quy định. Xây dựng kế hoạch thăm và làm việc với doanh nghiệp và thường xuyên tổ chức định kỳ các buổi đối thoại doanh nghiệp vừa giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối, gặp gỡ, có cơ hội để hợp tác với nhau và cùng nhau phát triển.
Phóng viên: Để thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư hoành tráng này, BQL các KCN đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Phong Minh: Tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức xúc tiến: Jetro, Kotra, Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, các tham tán đầu tư và thương mại Việt Nam ở các nước, trong đó trọng tâm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong, Singapore... để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư; tập trung xúc tiến, kêu gọi các Nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực, các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, có tính chủ đạo để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; các dự án chế biến từ nguyên liệu cát, gỗ, nông, thủy sản, sản xuất sợi, cơ khí và các dự án công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường. ...
BQL sẽ chuẩn bị các điều kiện về đất đai như tiến hành đền bù, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mặt bằng sạch, đầu tư hạ tầng để rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai của Nhà đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và hấp dẫn Nhà đầu tư, nhất là đối với các Nhà đầu tư có nhu cầu triển khai ngay dự án.
Thường xuyên kết nối, gặp gỡ với các doanh nghiệp thông qua các Hội nghị, các ngày hội doanh nhân, các buổi đối thoại và đăng thông tin trên các báo, tạp chí kinh tế, công thương, các trang web đầu tư có uy tín. Chuẩn bị tài liệu, nội dung ấn phẩm, quyển tiềm năng thu hút đầu tư với các nội dung cụ thể, sinh động, dễ hiểu.
Xây dựng và vận hành website, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý; Xây dựng sổ tay về môi trường và thủ tục đầu tư tại các khu công nghiệp tỉnh. Song song đó, rà soát, cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, xây dựng chi tiết các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Ân (Thực hiện)