Công tác quản lý đê điều được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, được lãnh đạo hết sức quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện và đạt được kết quả những kết quả tích cực. Trước mắt, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Hà Nội đề nghị các đơn vị địa phương rà soát, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã; lập kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tại văn phòng thường trực các cấp. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư các phương tiện, thiết bị tại văn phòng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng phòng họp trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo…
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai khắc phục mọi vấn đề do thiên tai gây ra bảo vệ đê điều
Năm 2019 hệ thống đê điều thành phố Hà Nội đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, cụ thể như sau: Cứng hóa mặt đê 10,232 km, kinh phí 28,197 tỷ đồng; Tu sửa, nâng cấp và xây mới kè bảo vệ bờ sông, mái đê 1,790km với kinh phí 67,592 tỷ đồng; Làm đường hành lang chân đê 7,565km với kinh phí 32,97 tỷ đồng; Khoan phụt vữa, xử lý ẩn họa thân đê 40,073 km với kinh phí 12,434 tỷ đồng; Nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị quản lý (trang thiết bị, điếm canh đê, trụ sở Hạt, kho vật tư…) với kinh phí 34,269 tỷ đồng; Thay thế cọc Km, Hm; nạo vét, sửa chữa giếng giảm áp; cải tạo, mở rộng cửa khẩu; chỉnh trang mái đê với kinh phí 6,286 tỷ; Xây dựng và cải tạo 15 dốc lên đê với kinh phí 6,002 tỷ. Đồng thời, UBND Thành phố đang cho phép triển khai thực hiện 41 dự án xử lý cấp bách, trong đó: 28 dự án đang triển khai thi công, 13 dự án đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt phương án xử lý cấp bách. Khắc phục kịp thời hiệu quả thiệt hại do thiên tai, sớm khôi phục hoạt động bình thường cho nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp.
Năm 2018, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, trong đó các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức phải tổ chức huy động lực lượng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, cụ thể: Quyết định số 6887/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc trích Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố chi hỗ trợ một số nội dung trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2018. Văn bản số 243/UBND-KT ngày 17/01/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc xử lý khắc phục sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi do các cơn bão số 3, số 4 năm 2018 trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai. Văn bản số 1417/UBND-KT ngày 09/4/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc xử lý khắc phục thiệt hại do các cơn bão số 3, số 4 năm 2018 gây ra trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai. Văn bản số 2776/UBND-KT ngày 04/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc khắc phục thiệt hại các công trình giao thông, văn hóa, giáo dục, trụ sở do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 năm 2018 trên địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai. Đặc biệt, đơn vị cũng đã thành lập, thu và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai. UBND thành phố Hà Nội giao Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội là Cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai Thành phố.
Ngày 07/6/2019, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch thu, chi Quỹ phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội năm 2019. Tính đến tháng 12/2019, tổng số thu Quỹ nộp về tài khoản Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội là 85,024 tỉ đồng (năm 2016 + năm 2017: 17,301 tỉ đồng, năm 2018: 47,038 tỉ đồng, năm 2019: 20,685 tỉ đồng). Năm 2019, Quỹ Phòng, chống thiên tai được chi cho các hoạt động phòng, chống thiên tai với tổng số tiền là 1.500.000.000 đồng bao gồm: Các hoạt động phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống thiên tai (công tác tập huấn , tổ chức thực hiện thông tin tuyên truyền qua nhiều hình thức). Bên cạnh đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được phân công phụ trách địa bàn, thường xuyên xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý. Đôn đốc xử lý vi phạm, kịp thời ngăn chặn xe quá tải đi trên đê thành lập Tổ Công tác kiểm tra, ngăn chặn xử lý xe quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đê huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên; tuyến đê tả Đáy huyện Hoài Đức; tuyến đê tả Hồng, tả Đuống huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và trồng rau trên mái đê, tình trạng trồng rau màu trên mái đê đã giảm thiểu đáng kể. Các công trình, dự án được giao thực hiện trong năm, đều hoàn thành kịp tiến độ, thực hiện trình tự xây dựng cơ bản, các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công đã nỗ lực thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết và đúng thiết kế bản vẽ thi công công trình. Trong công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động của đơn vị trên các lĩnh vực công tác quản lý đê điều, công tác phòng, chống thiên tai và công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và một số nhiệm vụ đột xuất khác luôn có sự thống nhất giữa các ban ngành và lãnh đạo Ban, đảm bảo đúng quy định, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, kế hoạch đề ra.
Dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2019, những mặt đã làm được và những mặt còn tồn tại, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội tiếp tục lập kế hoạch phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2019.
Theo Kinh doanh và Pháp luật