Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, mục đích của chương trình nhằm kết nối, giao thương và quảng bá các sản phẩm OCOP của miền Trung và Tây nguyên, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước. Kết nối giao thương các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, đơn vị kinh doanh thực phẩm nông sản an toàn, kinh doanh thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Lễ ký kết và kết nối các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào các hệ thống phân phối lớn của Hà Nội
Theo bà Nguyễn Thị Hậu- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hội thảo được mở ra với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất của miền Trung Tây Nguyên vực lại sau thảm họa kép là Covid-19 và bão lũ: Bao gồm tư vấn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ đầu ra khi đã có sản phẩm, kể cả bao tiêu sản phẩm nếu đạt được những yêu cầu về chất lượng sản phẩm đảm bảo xuất khẩu. “Với 150 gian hàng của các nhà sản xuất trải dài trên không gian đi bộ được trưng bày hàng hóa phong phú về chủng loại mẫu mã, bao bì bắt mắt, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hấp dẫn người tiêu dùng. Đây sẽ là tiền đề để các hệ thống bán lẻ lựa chọn đưa vào phục vụ cho người tiêu dùng Thủ đô. Các sản phẩm tham gia trưng bày được công nhận từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia chương trình OCOP của các địa phương”, bà Hậu cho biết.
Trong khuôn khổ của Chương trình đã diễn ra lễ ký kết và kết nối các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào các hệ thống phân phối lớn của Hà Nội và giao thương sản phẩm của các chủ thể với người tiêu dùng Thủ đô và du khách quốc tế
Đặc biệt, với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Trung ương và thành phố Hà Nội, trong chiều nay Ban tổ chức đã tiếp tục phối hợp với các nhà hảo tâm ủng hộ vật phẩm giá trị để đấu giá gây quỹ ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Tính đến sáng ngày 30/10 đã có 44 nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ là 486,5 triệu đồng; có 5 nhà vườn hoa lan đã đấu giá đăng ký ủng hộ 149,5 triệu đồng; có 11 nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ nông sản, vật phẩm tặng nhân dân miền Trung, Ban tổ chức sẽ bố trí một gian Thiện nguyện ủng hộ miền Trung và Biển đảo để các nhà hảo tâm mua và gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung.
Gây quỹ ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt
Chương trình Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là sự kiện thứ ba trong chuỗi 4 sự kiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, lần thứ nhất, với sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, đã có 150 gian hàng, gồm trên 550 sản phẩm OCOP và trên 2.000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền của 27 tỉnh, thành trong cả nước. Lần thứ hai với sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đã có 150 gian hàng, gần 1.000 sản phẩm OCOP và trên 2.000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền của 27 tỉnh, thành trong cả nước.Trước đó, sáng 29/10, tại khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội tổ chức sự kiện “Hướng về miền Trung và biển đảo”. Tại sự kiện này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) với số tiền gần 650 triệu đồng cùng nhiều hiện vật cho quân, dân Trường Sa.