Giá vàng quốc tế đã giảm xuống 1.450USD/oz trong tuần này.
Sau khi FED cắt giảm lãi suất xuống 0- 0,25%, giá vàng quốc tế đã tăng lên mức 1.575USD/oz, nhưng sau đó áp lực bán tháo tăng mạnh, khiến giá vàng giảm mạnh xuống tới 1.450USD/oz, giảm khoảng 8%. Sở dĩ giá vàng giảm mạnh do các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư bán vàng để bổ sung tiền ký quỹ trên thị trường chứng khoán, do thị trường này tiếp tục “lao dốc” mạnh bất chấp các biện pháp nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế từ nhiều quốc gia. Điều này đã đẩy chỉ số USD tăng lên mức cao kỷ lục 103,6 điểm.
Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất giảm mạnh khi kinh tế nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc đang điêu đứng vì dịch bệnh, cũng tác động tiêu cực đến giá vàng ngắn hạn.
Theo đó, giá vàng miếng SJC tại thị trường Việt Nam cũng giảm khá mạnh từ mức 46,9 triệu VND/lượng xuống tới 45,9 triệu VND/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng quốc tế tới hơn 5 triệu VND/lượng- mức chênh lệch lớn nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua, do các doanh nghiệp giữ giá cao để phòng ngừa rủi ro giá vàng phục hồi trở lại. Nếu thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng quốc tế, thì các nhà đầu tư đã không chịu bất lợi như vậy, nếu muốn mua vào để đầu tư vàng trung và dài hạn.
Trong thời gian trước mắt, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh, thì giá vàng cũng khó tránh khỏi bị tiếp tục bán tháo, vì nhiều quỹ đầu tư vẫn muốn đánh đu với thị trường chứng khoán bằng cách bổ sung tiền ký quỹ.
Ông Daniel Ghali, Chuyên gia phân tích cao cấp của TD Securities, cho biết nhu cầu tiền USD hiện tại vô cùng lớn, trong đó một phần lớn phục vụ cho việc bổ sung ký quỹ trên thị trường tài chính, nên khả năng vàng bị bán tháo vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc FED giảm mạnh lãi suất, cam kết mua vào 700 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp, sẽ hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính, giúp thị trường chứng khoán bớt bị bán tháo, nhất là khi gói kích thích kinh tế của Mỹ trị giá 1.000 tỷ USD chính thức được thông qua. Mặc dù vậy, nếu dịch COVID-19 không sớm được kiểm soát, thì thị trường tài chính toàn cầu chưa hết “sóng gió”. “Nếu không có gì đột biến, giá vàng có thể sẽ dao động trong biên độ 1.440- 1.515USD/oz trong tuần tới”, ông Daniel Ghali nhận định.
Dù trong ngắn hạn, giá vàng vẫn có nguy cơ bị bán tháo, nhưng xét về trung và dài hạn, triển vọng giá vàng rất tích cực. Bởi vì với việc nhiều ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, thậm chí lãi suất âm, cộng với các gói kích thích kinh tế khổng lồ được tung ra, thì áp lực lạm phát sẽ tăng lên đáng kể sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Điều này sẽ khiến USD giảm mạnh và đẩy giá vàng tăng mạnh trở lại.
Trong tuần tới, các quốc gia công bố nhiều chỉ số quan trọng, trong đó Mỹ công bố chỉ số sản xuất công nghiệp PMI, doanh số bán nhà mới, đơn đặt hàng hóa bền lâu, GDP quý 1/2020 sửa đổi lần cuối, đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Theo dự kiến, các chỉ số này đều kém khả quan hơn dự kiến do tác động của dịch bệnh, nên USD sẽ chịu tác động tiêu cực, qua đó giá vàng sẽ được hỗ trợ tích cực.