Điều đó có nghĩa là tìm hiểu thông tin để có kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cho sản phẩm xuất khẩu. Thông qua đó, tránh những rủi ro đáng tiếc hay thiệt hại về kinh tế như tình trạng sản xuất đại trà, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, không xuất khẩu được và ùn ứ, tồn kho…
Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nhận thức tầm quan trọng của các chứng nhận đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, như chứng nhận CE, FDA... khi xuất khẩu để từ đó có kế hoạch, chiến lược đầu tư bài bản và đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn rút ngắn thời gian cấp chứng chỉ CE và FDA.
Không để mất “thời gian vàng”
Cho rằng cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp chứng chỉ CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ), đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế sang cả EU và Hoa Kỳ cho rằng, doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất có thể chỉ 1 tuần. Nhưng hoàn thiện thủ tục hồ sơ lại mất vài tháng, khi đó thì quá muộn và khách sẽ bỏ đi.
Trao đổi vấn đề này, bà Phạm Thùy Dung, công ty TNHH Bureau Veritas Certification Việt Nam cho biết, hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp muốn test khẩu trang để xuất khẩu, trong khi ở Việt Nam số phòng Lab chưa thể đáp ứng, mà phải sử dụng phòng Lab ở nước ngoài.
“Nếu chúng tôi có nhận được mẫu khẩu trang của doanh nghiệp thì cũng không thể trả lời chính xác thời gian là bao nhiêu lâu, vì phải gửi mẫu ra nước ngoài để test. Như vậy, thời gian test phụ thuộc vào phòng Lab ở nước ngoài. Do đó, vấn đề thời gian luôn là vấn đề khó khi cam kết với khách hàng”, bà Dung bày tỏ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng đại diện văn phòng Công ty TNHH BSI Việt Nam tại Hà Nội (BSI thuộc Viện tiêu chuẩn của Anh), trước đây thời gian xin chứng nhận CE mất từ 6 đến 8 tuần. Nhưng BSI đang cố gắng rút xuống còn khoảng 4 tuần là doanh nghiệp có thể nhận được chứng nhận. Bà Lê Thị Kim Út, công ty Wonmed Vina Việt Nam (công ty tư vấn và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp làm CE và FDA) cũng chia sẻ, công ty có thể hỗ trợ doanh nghiệp làm chứng nhận FDA từ 2 đến 3 tuần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thắng, Trung tâm quốc gia sở hữu trí tuệ hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng lại đưa ra khoảng “thời gian vàng” cho các doanh nghiệp lấy chứng nhận CE hay FDA. Nhiều doanh nghiệp đăng ký FDA qua dịch vụ môi giới trực tiếp với tổ chức nước ngoài với thời gian khoảng 10 ngày. Còn tại Trung tâm quốc gia sở hữu trí tuệ hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng, làm trực tiếp tại Việt Nam về đăng ký FDA và cấp phép, ông Thắng khẳng định, nếu doanh nghiệp thành lập lâu, không bị mất thời gian xử lý hồ sơ kỹ thuật thì chỉ cần 3 ngày sẽ có kết quả.
Doanh nghiệp sẽ được cung cấp số FDA để xuất khẩu vào Mỹ, kèm theo thư xác nhận của Phòng quản lý chất lượng FDA Hoa Kỳ trả lời. Khi nhà xuất khẩu có số của chủ nhà máy thì có thể khai báo số đó khi nhập khẩu vào Mỹ, mà chưa cần số đăng ký chính thức.
Ông Thắng đưa ra ví dụ, khi làm đăng ký FDA cho một doanh nghiệp vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, phía Mỹ có thông báo số đăng ký chính thức sẽ được cấp trong khoảng thời gian sau 30 ngày đến không quá 90 ngày. Nhưng trên thực tế, ông Thắng ghi nhận thông lệ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày nhà xuất khẩu sẽ có số của chủ nhà máy, trong khoảng 20 ngày sẽ có đăng ký chính thức, được đăng tải chính thống trên cổng thông tin điện tử của FDA.
“Tôi đưa ra thời gian nhanh như vậy để doanh nghiệp xuất khẩu vào Hoa Kỳ không cảm thấy hoang mang. Khi ký kết với bất kỳ đối tác nào cũng phải yêu cầu họ cung cấp chứng chỉ FDA nhanh nhất. Không nên kéo dài hơn 10 ngày, thậm chí vài tuần”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng nhận thấy, “thời gian vàng” đối với xuất khẩu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, ông Thắng hy vọng doanh nghiệp vững tâm hơn trong việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Ông Hải ghi nhận thông tin ông Thắng đưa ra, vì nó sẽ hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU hay Hoa Kỳ.
Tài liệu phải rõ ràng
Qua câu chuyện của ông Thắng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam trước khi xuất khẩu cần tìm hiểu và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật tại các thị trường muốn xuất khẩu. Các hiệp định thương mại chủ yếu đem lại cơ hội về giảm thuế, nhưng vấn đề về kỹ thuật thì “vẫn còn nguyên ở đó”.
Nếu doanh nghiệp không tìm hiểu, tuân thủ hay tự thay đổi từ bên trong thì các lợi ích như thuế cũng sẽ sớm bị vô hiệu hóa. “Doanh nghiệp muốn xuất khẩu bền vững, lâu dài vào EU hay Hoa Kỳ thì phải quan tâm ngay đến chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa”, ông Hải nhấn mạnh.
Thắc mắc về chứng nhận CE và FDA, bà Việt Hà, Cục giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) đặt câu hỏi, khi đã đạt CE hay FDA, hải quan có yêu cầu nhà nhập khẩu trải qua thêm khâu nào nữa không? Bà Đoàn Tường Vân, Underwriters Laboratories (UL là công ty tư vấn và cấp giấy chứng nhận Hoa Kỳ) cho biết, đối với thị trường Mỹ vẫn phải có một số bài kiểm tra khác liên quan đến việc nhập khẩu. Tuy nhiên, những bài test này cũng khá đơn giản, đơn vị nhập khẩu hoàn toàn có thể tự xử lý được. Tóm lại, đơn vị nhập khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
“Nếu doanh nghiệp xuất khẩu đã đăng ký FDA thì hải quan Hoa Kỳ sẽ kiểm tra thông tin đã đăng ký về sản phẩm này. Hoa Kỳ cũng như EU, tất cả tài liệu liên quan đến CE hay FDA đều phải rõ ràng và họ sẽ kiểm tra ngay tại cửa khẩu. Khi đó, sản phẩm mới vào được thị trường Mỹ cũng như EU”, bà Vân nói.
Với sản phẩm đã đạt CE và FDA, chỉ có người xin chứng nhận mới được xuất khẩu vào EU và Mỹ, hay bất cứ nhà xuất khẩu nào có cùng sản phẩm cũng có thể xuất khẩu vào đây? Trả lời câu hỏi này, theo bà Phạm Thùy Dung, Phụ trách phòng phát triển kinh doanh phía Nam của công ty TNHH Bureau Veritas Certification Việt Nam, điều này liên quan đến từng quy định tiêu chuẩn riêng. Nếu theo đúng quy trình sẽ test theo lô hàng, không test theo một dòng sản phẩm. “Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu thông tin, nhưng hàng đã đến EU hay Mỹ nhưng chưa được công nhận CE hoặc FDA, thì có phương án nào test tại chỗ hay không? bà Hà thắc mắc.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, việc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia cũng là mục đích mà Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ đang “phấn đấu”, việc này cần có sự tham gia của các tổ chức chứng nhận tại Việt Nam. “Về phía chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước luôn mong muốn tạo ra sân chơi chung, không chỉ giữa hai quốc gia, mà còn có thể ở cấp độ toàn cầu”, ông Hải nói.
Bà Dương Phong Hiền, Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội cho hay, để được gắn dấu CE cho một sản phẩm, doanh nghiệp sẽ phải trải qua 6 bước thực hiện là xác định các chỉ thị áp dụng và tiêu chuẩn liên quan; xác minh yêu cầu cụ thể của sản phẩm (xác định cấp, đánh giá rủi ro, thiết kế sản phẩm, vật liệu chế tạo); đánh giá sự phù hợp...
Còn về chứng nhận FDA khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, quy trình đăng ký FDA cũng trải qua 5 bước cơ bản là xác định, phân loại sản phẩm; xuất trình tài liệu cần thiết; thiết lập và duy trì hệ thống tuân thủ quy định chất lượng của FDA; đăng ký số DUNS; đăng ký doanh nghiệp; đánh giá...
Theo Enternews