Ngày 24/4, tại Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp quản lý nhân sự trong và hậu mùa dịch" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội doanh nhân trẻ Tp. Hồ Chí Minh và nhãn hàng Tôn Colorbond của Công ty NS Bluescope Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp cho biết, dịch COVID-19 đang khiến đơn vị sản xuất, kinh doanh đứng trước khó khăn với bài toán cần có lời giải; trong đó, có thể kể đến những vấn đề vĩ mô như tái cấu trúc doanh nghiệp... cho đến những hoạt động cần xử lý ngay là cắt giảm lao động, giảm và cắt lương thưởng...
Theo các doanh nghiệp, sẽ luôn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng tới, nhưng có thể phải tái cơ cấu doanh nghiệp, cắt bớt nguồn lao động và những chính sách phúc lợi. Tuy nhiên, đối với phân khúc thị trường tuyển dụng thì thách thức đến từ cả nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lẫn nguồn cung nhân lực.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành dệt may là một trong những ngành sử dụng lao động nhiều, nên đối với diễn biến thị trường nhiều doanh nghiệp cũng lúng túng; trong đó có vấn đề lao động.
Hiện nay, có hơn 50% doanh nghiệp dệt may trong Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh chuyển sang sản xuất khẩu trang và đồ dùng y tế như giải pháp tình thế để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Còn lại 50% doanh nghiệp cân đối duy trì cho người lao động sản xuất theo số lượng ngày và giờ làm việc nhất định.
"Trong bối cảnh dịch COVID-19, không ít người lao động đã quyết định đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức sau dịch bệnh, doanh nghiệp bắt buộc phải có giải pháp giữ người lao động, chuyển đổi công năng sản xuất, tìm kiếm đơn hàng... nhằm ổn định hoạt động trong và hậu mùa dịch. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nỗ lực duy trì mức lương tối thiểu vùng cũng đang gặp khó khăn vì dịch bệnh tác động đến cả chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối, tiêu dùng", ông Phạm Văn Việt cho biết thêm.
Thống kê về phía cầu, dự báo doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoặc không tuyển một số vị trí trọng yếu do việc triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh năm 2020 có thay đổi. Ngoài ra, thêm một nguyên nhân nữa có thể kể đến là nhiều doanh nghiệp có xu hướng quyết định đầu tư vào đội ngũ nhân viên hiện tại, thay vì tuyển nhân sự mới. Còn về phía cung, người lao động sẽ cân nhắc và thận trọng hơn đối với những cơ hội việc làm mới.
Còn kết quả một khảo sát gần đây của Công ty cổ phần kết nối nhân tài (Talentnet) cho thấy, chỉ có 12% doanh nghiệp tham gia khảo sát này dự báo năm 2020 sẽ có tăng trưởng so với năm 2019. Riêng đa số số doanh nghiệp tham gia khảo sát còn lại cho rằng bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 dẫn đến doanh thu sụt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng...
Ở góc độ chuyên gia, bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Talentnet nhấn mạnh, hầu hết doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề làm sao để quản trị tốt doanh nghiệp, chi phí hoạt động hiệu quả... để bảo vệ người lao động của mình trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xây dựng văn hóa và môi trường lao động linh hoạt, bởi đây cũng là xu thế trong tương lai, giúp doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lao động và sử dụng lao động bên ngoài.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, để vượt qua thách thức hiện tại, doanh nghiệp chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Cụ thể, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ... đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Đây là xu hướng quản trị đối ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp vẫn là giải pháp quản lý rủi ro về chi phí hoạt động trong và hậu mùa dịch.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng những kịch bản chi tiết với những mức độ khác nhau, nhằm phân bổ nguồn lao động hợp lý và ưu tiên cắt giảm những chi phí nào. Trong trường hợp cắt giảm giờ làm, lương thưởng, doanh nghiệp nên cân đối tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chia sẻ câu chuyện của công ty đến đội ngũ lao động để người lao động đồng hành cùng vượt khó.
Liên quan đến vấn đề giải quyết vấn đề nguồn lao động trong và sau mùa dịch, Luật sư Trần Ngọc Thích, chuyên về vấn đề lao động cho hay, Chính phủ đang rất tập trung những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, Chính phủ đã đưa ra những mức trợ cấp cụ thể đối với những điều kiện chi tiết, đồng thời các Ban ngành đang triển khai hướng dẫn hỗ trợ nên kỳ vọng doanh nghiệp và người lao động sẽ sớm được hưởng chính sách này.
Riêng trên địa bàn thành phố, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có những giải pháp, văn bản hướng dẫn hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện tại, những giải pháp này đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh triển khai đến 24 quận - huyện, khu chế xuất - khu công nghiệp... làm đầu mối và người lao động sẽ được nhận hỗ trợ trực tiếp.
Tại tọa đàm, một số doanh nghiệp cũng cho biết, tính đến thời điểm này chưa có thị trường đầu ra nào của doanh nghiệp có dự báo là có khả năng kiểm soát được dịch COVID-19. Đơn cử, dự báo những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là thị trường Mỹ, EU... có thể có khả năng kiểm soát được dịch bệnh vào thời điểm tháng 7 đến hết năm 2020. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp sẽ từng bước trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và người lao động sẽ có công việc ổn định.
Đối với xu thế làm việc tại nhà, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trước đây văn hóa doanh nghiệp là đến công ty, tương tác và chia sẻ mới triển khai công việc hiệu quả, nhưng hiện nay và trong tương lai nhờ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì doanh nghiệp có thêm phương tiện quản trị công ty.
Đây không chỉ là giải pháp đối với tình hình thực tế trong bối cảnh dịch COVID-19, mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi những công việc không trọng yếu, không tương tác với sản xuất và khách hàng thì có thể làm việc tại nhà trên cơ sở kiểm soát đầu ra.
Theo Bnews