Có nên bãi bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy?

27/05/2020 09:50

Bảo hiểm xe máy bắt buộc là vấn đề tranh cãi suốt thời gian qua. Nhiều ý kiến người dân cho rằng bảo hiểm xe máy là không cần thiết, nhưng theo Ủy ban ATGT Quốc gia đây là quy định đúng đắn, nhân văn.

Từ ngày 15/5 đến 14/6, chỉ đến khi lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm, trong đó kiểm tra đủ 4 loại giấy tờ đối với người đi xe máy (đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) và giấy tờ tuỳ thân) thì giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự mới được người dân quan tâm, lo lắng vì chưa kịp trang bị.

Mua bảo hiểm xe máy bắt buộc là việc từ trước đến nay đã có và những quy định về việc mua bảo hiểm xe máy bắt buộc cũng được pháp luật quy định rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề này được xã hội quan tâm nhiều hơn khi từ ngày 15/5, cảnh sát giao thông toàn quốc tổng kiểm soát, dừng các phương tiện để kiểm tra giấy tờ trên toàn quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe máy không đảm bảo được mục đích đề ra, nguy cơ dẫn đến sai phạm, trục lợi bảo hiểm.

Vậy, vấn đề đặt ra là có nên bỏ luôn bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe máy?

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định vô cùng rõ ràng về những giấy tờ bắt buộc phải mang theo, cụ thể tại khoản 2 Điều 58 quy định:

Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới có quy định về nguyên tắc tham gia bảo hiểm như sau: “Chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Nghị định này và Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính quy định”.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có quy định như sau: Chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp người chủ xe máy, nếu bị kiểm tra hành chính mà không có hoặc không xuất trình được Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, theo đó, nếu không mang theo Bảo hiểm TNDS hay không xuất trình được thì chủ phương tiện sẽ bị phạt hành chính từ 100.000 đồng – 200.000 đồng.

Theo quy định, bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới được áp dụng đối với chủ xe cơ giới, phạm vi bảo hiểm gồm: Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.

Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. 

Như vậy, việc bắt buộc mua bảo hiểm TNDS đối với xe máy là vô cùng cần thiết vì khi xảy ra tai nạn giao thông việc giải quyết hậu quả là vô cùng phức tạp cũng như mất nhiều thời gian nhưng lý do chủ yếu đến từ việc người gây tai nạn không có đủ khả năng tài chính để đền bù cho nạn nhân dẫn đến nhiều hậu quả sau đó như là người gây tai nạn bỏ trốn vì lo sợ không có đủ tiền bồi thường hay là việc người bị tai nạn cũng trong hoàn cảnh khó khăn tuy nhiên việc bồi thường lại kéo dài hay khó để yêu cầu chi trả từ phía người gây tai nạn.

Điều này khiến cho việc quản lý và giải quyết những rủi ro từ tai nạn giao thông trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế, để được bồi thường, người dân cần phải trải qua một loạt các thủ tục mới có thể hoàn tất một bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường với “hàng tá” loại giấy tờ như: Tờ khai thông báo tai nạn (theo mẫu); Bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, CMND; Tài liệu chứng minh thiệt hại về người tùy theo mức độ thiệt hại; Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản,...

Việc giải quyết bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm còn chậm trễ, hồ sơ phức tạp; không có quy định rõ về phân định lỗi trong giải quyết bồi thường gây khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay một số quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. 

Ví dụ như: theo quy định thì thời hạn bảo hiểm 01 năm cho tất cả các phương tiện xe cơ giới là khá ngắn nên chưa tạo điều kiện cho việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy; hay những quy định về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường cũng không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện chủ trương trên; …

Do đó, việc triển khai thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và một số quy định hiện hành còn tồn tại vướng mắc.

Theo đó, thiết nghĩ, để bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe máy, xe cơ giới đảm bảo được mục đích đề ra, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ban hành văn bản sửa đổi/thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và một số quy định hiện hành cho phù hợp.

Cụ thể là quy định linh hoạt hơn về thời hạn bảo hiểm, theo hướng cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài hơn 1 năm đối với các loại xe mô tô, xe máy sẽ thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tăng mức bồi thường trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về bên thứ ba.

Đồng thời, cần quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng – làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất một người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên bảo đảm việc tạm ứng bồi thường được triển khai thuận lợi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, phải đơn giản hóa nhiều thủ tục bồi thường, rút ngắn được thời gian giải quyết bồi thường, mức tiền được giải quyết bồi thường thương tật để giúp cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới và nạn nhân thực hiện được dễ dàng hơn.

 Theo Enternews

Giải pháp nào chặn vi phạm trong bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới? Giải pháp nào chặn vi phạm trong bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới?

Các doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý...

Dân bán bảo hiểm xe máy, ô tô thắng lớn, phát tài sau một đêm Dân bán bảo hiểm xe máy, ô tô thắng lớn, phát tài sau một đêm

Bảo hiểm xe máy, ô tô đang trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua, săn lùng ráo riết trước thông tin CSGT đồng loạt ra quân kiểm tra các phương tiện không cần lỗi ban đầu.

Nguồn Link bài gốc https://enternews.vn/co-nen-bai-bo-bao-hiem-bat-buoc-trach-nhiem-dan-su-doi-voi-xe-may-174006.html

Bạn đang đọc bài viết "Có nên bãi bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy?" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.