Dừng khuyến mại, tăng giá khi phí trước bạ giảm 50%
Ngay sau khi Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương cho giảm phí trước bạ 50%, chờ Quốc hội quyết định thời gian áp dụng, một số đại lý, doanh nghiệp xe hơi trong nước đã lập tức dừng các chương trình kích cầu mua xe. Cá biệt có đại lý dự báo, giá xe lắp ráp trong nước còn có thể tăng do doanh nghiệp lắp ráp xe phải ngừng sản xuất vì dịch, lượng xe thiếu hụt trong khi nhu cầu tăng cao.
Xe nội được ưu đãi phí trước bạ 50%, nhưng đây là biện pháp hỗ trợ, không phải miếng mồi để kiếm chác
Theo chia sẻ của anh Mạnh, một đại lý xe hơi trên đường Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên, Hà Nội, thực tế việc dừng hoặc rút ngắn thời gian khuyến mãi giảm giá xe hơi lắp ráp trong nước là có, còn xu hướng tăng giá các loại xe lắp ráp trong nước đến nay vẫn được bỏ ngỏ, mọi việc sẽ tùy theo tình hình thị trường, hoặc có hoặc không.
"Chúng tôi vận động theo quy luật thị trường, cầu tăng mà cung không tăng, giá xe có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng xe trong nước đều làm vậy. Tăng giá xe phụ thuộc vào lượng tồn kho và sản lượng lắp ráp, nếu không tìm hiểu, cứ nghĩ các doanh nghiệp lắp ráp trong nước tăng giá đồng loạt là có thể gây tiếng oan cho các doanh nghiệp, đại lý xe trong nước", anh Mạnh cho biết.
Cũng theo đại diện của doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam, các đại lý dù được thực hiện theo nguyên tắc tự chủ song về mức giá thì phải thống nhất, tăng giảm đều phải chịu sự quản lý và báo cáo với hãng.
Vị này cho biết, các đại lý giảm giá bán xe do giảm tỷ lệ chiết khấu của nhân viên bán hàng cũng phải báo lại cho hãng. Trừ trường hợp, nhân viên bán hàng chiết khấu ngoài hợp đồng cho khách hàng, các hãng không kiểm soát được.
Thực tế, việc giảm 50% phí trước bạ, nghe thì lớn, song đối với những xe có giá dưới 500 triệu đồng, mức phí trước bạ được giảm chỉ 25 triệu đồng/chiếc trở xuống. Mức phí giảm này không nhiều và trong một thị trường cạnh tranh giữa xe nhập và xe lắp ráp đang gay gắt, các mẫu xe nhập hoàn toàn có thể giảm mức giá tương ứng với phí trước bạ nêu trên để tạo ưu thế cạnh tranh và kéo khách hàng về bên mình.
Nếu dùng chiêu trò, xe nội sẽ ôm “trái đắng”
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, bản chất thị trường thời hậu Covid-19 đang là kích thích nhu cầu, chính vì vậy mọi giải pháp đều phải hướng đến tăng niềm tin mua sắm, tăng sự hấp dẫn của các loại hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc giảm khuyến mãi thậm chí tăng giá đối với bất kỳ mặt hàng không thiết yếu lúc này là bất lợi cho các hãng sản xuất bởi người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt hầu bao do thu nhập giảm, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp.
Nếu đại lý, xe trong nước dùng chiêu trò, chính sách giảm phí trước bạ sẽ mất tác dụng, xe lắp ráp mất uy tín và có thể mất luôn niềm tin khách hàng
Trên thực tế, dịch Covid-19 đã và đang làm xói mòn túi tiền của rất nhiều người, nhu cầu mua xe hoặc các loại hàng xa xỉ khác không còn là ưu tiên đối với họ. Trong khi đó, nhiều người có thu nhập cao nhưng dịch bệnh cũng khiến túi tiền của họ bị giảm mạnh. Các lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải chưa hồi phục 100% khiến khách hàng dự định mua xe chạy kinh doanh phải tạm hoãn.
Theo nhiều đại lý xe hơi, có khách hàng mua xe thời điểm này đã là tốt rồi, không ai nghĩ chuyện tăng giá bởi nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và tác động tiêu cực đối với thị trường, khách hàng.
"Tăng giá bây giờ là đối diện với nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng và phản chính sách tốt của Chính phủ", đại diện một doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Việt, đại lý bán xe lắp trong nước tại Hà Nội: "Xu hướng dừng giảm giá để kích thích tiêu dùng là có, điều này xảy ra ở đa số ở các phân khúc xe nhỏ, giá phổ thông. Nhưng, các xe sang sắp tới vẫn sẽ giảm giá để kích cầu mua sắm và chạy doanh số năm".
Thực tế, nhiều đại lý xe hơi hiểu trong bối cảnh nhu cầu mua xe xuống thấp như hiện nay nếu tăng giá dù bất kỳ lý do gì sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng về phía mình.
"Thị trường xe hơi ở phân khúc xe phổ thông khá cạnh tranh, Chính phủ giảm phí trước bạ để hỗ trợ người tiêu dùng, gián tiếp giúp doanh nghiệp trong nước vượt khó. Các doanh nghiệp lúc này phải chia sẻ với khách hàng, đừng dùng các chiêu trò, thủ thật, bấp chấp lợi nhuận để đánh mất thị trường và niềm tin khách hàng. Giảm phí trước bạ là cơ hội, doanh nghiệp và các đại lý phải biết nắm bắt, tận dụng, đừng coi đây là miếng mồi chộp giật, kiếm lợi nhuận ngắn hạn", một chuyên gia về thị trường xe hơi cho biết.
Anh Nguyễn Văn Phú, Nam Từ Liêm, Hà Nội đang tìm mua xe 7 chỗ, với việc phí trước bạ giảm 50%, có thể anh sẽ cân nhắc mua xe lắp ráp trong nước bởi điều đó đem lại khoản tiết kiệm hơn 67 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu các hãng xe trong nước tăng giá, sử dụng các chiêu trò, anh sẵn sàng bỏ tiền mua xe nhập ngay.
Theo Dân Trí