“Biệt đội” giải cứu nông sản mùa dịch

17/03/2021 10:22

Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân hay nhóm thiện nguyện như nhóm giải cứu nông sản của anh Đặng Đình Mạnh (Hà Nội) đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giải cứu nông sản giúp bà con nông dân Hải Dương vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những hành động mang ý nghĩa nhân văn của các cá nhân, tổ chức này đã và đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng, nhanh chóng trở thành làn sóng lan tỏa tấm lòng nhân ái, rộng khắp trong toàn xã hội.

Dù công cuộc giải cứu nông sản kết thúc chưa được bao lâu nhưng nhóm giải cứu nông sản của anh Đặng Đình Mạnh lại nhận được những lời mời từ chính quyền địa phương Hải Dương tiếp tục là kênh phân phối, cầu nối hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ lượng nông sản mang tính chất lâu dài. Thế nên, giờ đây, anh cùng các tình nguyện viên đang tất bật lên kế hoạch, chuẩn bị các khâu sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân.

 Anh Đặng Đình Mạnh (Trưởng nhóm giải cứu nông sản Hải Dương ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) cùng nhóm giải cứu ngao 2 vòi của Quảng Ninh.

Lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má, anh Đặng Đình Mạnh (Trưởng nhóm giải cứu nông sản Hải Dương ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) nở nụ cười hiền hậu chia sẻ với chúng tôi về những ngày nhóm lăn xả giải cứu nông sản.

Những ngày tháng 2, khi chứng kiến cảnh hàng nghìn tấn hoa màu của bà con Hải Dương đến vụ thu hoạch nhưng không bán được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Mạnh cùng cả nhóm quyết định vào cuộc giải cứu. “Là một người chuyên về ẩm thực, tôi thấy, mình cần phải là cầu nối để hỗ trợ phần nào khó khăn cho bà con vùng dịch. Phần vì, tôi muốn các tình nguyện viên trong nhóm có thêm những việc làm, hành động đẹp để họ cũng có những đóng góp cho xã hội”-anh Mạnh tâm sự.

Miệng nói, tay làm, sau khi cả nhóm lên ý tưởng, kế hoạch, liên hệ chính quyền, trao đổi đầu mối phối hợp, đích thân anh Mạnh “vi hành” về tận Hải Dương “mục sở thị” sản phẩm nông sản, hướng dẫn bà con nông dân cách bảo quản cũng như đóng gói nông sản được an toàn nhất. Dù tinh thần ai nấy đều sẵn sàng cho mọi tình huống thế nhưng nhóm anh Mạnh cũng không thể lường hết được những khó khăn mà cả nhóm đã vấp phải.

  Một người bạn của anh Đặng Đình Mạnh ủng hộ giải cứu ngao.

“Khó khăn nhất với chúng tôi trong những ngày giải cứu là khoảng cách đi lại. Trong khi, khâu vận chuyển rất phức tạp, nhiều xe phải kiểm định nghiêm ngặt về phòng dịch, lái xe phải được xét nghiệm Covid-19 và kết quả chỉ có hiệu lực trong vòng 3 ngày. Chưa kể, khâu vận chuyển từ Hải Dương về, nông sản có nhiều loại bị hư do đi đường dài, thời tiết thì mưa, nắng thất thường. Vả lại, trong thời điểm chống dịch, những người mua nông sản không được tập trung quá đông nên nhiều khách hàng gọi ship mang về nhà. Vì vậy, chúng tôi rất vất vả trong khâu tìm, chọn nhân sự để ship phục vụ khách”-anh Mạnh chia sẻ.

Vất vả là thế, nhưng mỗi ngày, cứ nhìn hàng tấn nông sản theo chân người dân len lỏi khắp mọi nẻo đường, tuyến phố… cả nhóm như được tiếp thêm động lực, sức mạnh để ngày mai lại tiếp tục cuộc hành trình vì cộng đồng, vì bà con vùng dịch.

Với tinh thần tương tương ái, những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều điểm hỗ trợ bà con nông dân bán nông sản. Tất cả mọi tổ chức, cá nhân đều hành động xuất phát từ tình cảm, có những địa điểm, đúng là giải cứu nông sản của Hải Dương, nhưng có những điểm sự thật không phải như vậy. Nhiều người băn khoăn không biết sản phẩm nguồn gốc từ đâu. Để bà con nông dân Hải Dương không phải ngậm ngùi, lo âu về nông sản, nhóm anh Mạnh đã làm theo cách riêng của mình. Rằng, hành động giải cứu nông sản là sự san sẻ, chia sẻ khó khăn cho nhau. Đây không phải là sự thương hại, xin - cho mà đây là cơ hội quảng bá nông sản cho người dân Hải Dương.

Thành quả từ những nỗ lực

Tuy người dân Hải Dương bị thiệt hại nhiều về nông sản nhưng không phải vì thế mà có thể đưa bất cứ sản phẩm nào lên Thủ đô để giải cứu. Bởi hàng ngày, người dân Thủ đô hay bất cứ người dân địa phương nào khác đều sử dụng những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì thế, chỉ những nông sản được kiểm dịch, kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, nhóm anh Mạnh mới đưa lên Thủ đô.  Không những vậy, khi nông sản về đến Hà Nội, khâu bảo quản được nhóm anh Mạnh kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, những ngày qua, người dân đã đến mua ủng hộ nhóm rất nhiều nên lượng nông sản tồn đọng không còn đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, sau mỗi ngày, anh Mạnh cùng cả nhóm kiểm tra lại, nếu sản phẩm nào hỏng, dập, cả nhóm bỏ luôn sản phẩm đó.

 Anh Mạnh chủ nhà hàng Mạnh Cá Lăng

“Nông sản đưa lên Hà Nội không thể tránh khỏi, có thể sản phẩm hỏng đến 10% nhưng khi bán cho người dân, chúng tôi đều cẩn thận chọn lọc những sản phẩm có chất lượng để bán cho khách. Dù giá bán nông sản có chênh lệch một chút so với Hải Dương để hỗ trợ cho các tình nguyện viên trong nhóm tuy nhiên, thực tế, những sản phẩm lọc bỏ, hao hụt khá nhiều nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng tôi và người dân Thủ đô đã chung tay ủng hộ, giải cứu nông sản, điều đó làm chúng tôi phấn khởi vô cùng. Bởi người dân đến mua nông sản một phần vì nhu cầu nhưng cao cả hơn là họ đến mua với tinh thần vì cộng đồng. Họ muốn chia sẻ khó khăn với bà con vùng dịch”- anh Mạnh cho hay.

Phấn khởi hơn khi điểm giải cứu của nhóm anh Mạnh đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Đặc biệt, tại điểm giải cứu, nhóm anh Mạnh đưa tên các cơ quan chính quyền cũng như hotline của nhóm để người dân có thể phản ánh về chất lượng sản phẩm nếu bà con không hài lòng, qua đó, nhóm phản hồi lại với bà con Hải Dương, Quảng Ninh. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, điểm giải cứu có trách nhiệm xin lỗi và đổi trả, tránh những hiểu lầm không đáng có. Và mỗi người dân đến đây dù mua ít hay nhiều nhưng họ đều được nhóm tặng những chai sát khuẩn, sản phẩm của một mạnh thường quân hỗ trợ nhóm để lan tỏa thêm tinh thần vì cộng đồng.

 Anh Đặng Đình Mạnh giải cứu nông sản

Những ngày sau giải cứu, thời điểm cả nhóm đã thấm mệt, định tạm dừng ít ngày nhưng khi nghe những lời tâm sự, chia sẻ của bà con nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh nhờ nhóm hỗ trợ giải cứu ngao 2 cùi (không xuất khẩu được do ảnh hưởng của dịch Covid-19), nhóm anh Mạnh cùng Hiệp Hội Nuôi biển Việt Nam quyết định giải cứu 4 tấn ngao cho bà con ở Đầm Hà, Quảng Ninh. “Thực sự, có những lúc, cả nhóm mệt lả, đuối sức, trong thâm tâm, chúng tôi muốn nghỉ nhưng những suy nghĩ trăn trở lại trỗi dậy, vậy còn nông sản của bà con nông dân thì sao? Thế rồi, cả nhóm lại động viên  nhau cố gắng mỗi ngày”-anh Mạnh tâm sự.

Với anh Mạnh, bao nhiêu chuyến xe nông sản rời từ Hải Dương lên Hà Nội là bấy nhiêu câu chuyện xúc động khó quên. Thật khó diễn tả cảm xúc, khi mỗi chuyến xe rời đi, là bà con nông dân lại ứa nước mắt nhìn theo. Bởi họ xúc động, hạnh phúc khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của địa phương và cộng đồng. “Họ nhắn đến chúng tôi những dòng tin nhắn thăm hỏi, chia sẻ thật chân tình, ấm áp. Đó là những lời động viên thôi  thúc chúng tôi cố gắng trong những ngày tiếp theo”-anh Mạnh tâm sự. Và thành quả từ sự nỗ lực, cố gắng ấy là trong 16 ngày giải cứu, nhóm anh Mạnh là đã “đánh bay” hơn 300 tấn nông sản củ quả của Hải Dương (trong đó, cải bắp Gia Lộc, Tứ Kỳ, riêng ổi Thanh Hà 65 tấn; su hào;  cà rốt Chí Linh);  43.000 quả trứng; hơn 1.100 con gà đồi của Chí Linh (đã làm sạch); 4 tấn ngao 2 cùi (Quảng Ninh).

 Các tình nguyện viên luôn hăng say với công việc giải cứu.

Giờ đây, có lẽ anh Mạnh cùng nhóm giải cứu cũng vơi đi phần nào nỗi lo, có thể thở phào nhẹ nhõm khi lượng nông sản của bà con nông dân đã giảm đi nhiều. Để rồi 1-2 giờ đêm, anh Mạnh và cả nhóm vẫn nhận những cuộc điện thoại “Cảm ơn các bác, các anh, cảm ơn người dân Thủ đô… May quá, hôm nay nhà tôi nhẹ nhàng rồi!… Bác ơi, hôm nay chúng tôi ăn cơm không có nước mắt nữa. Bởi 3 mẫu bắp cải được giải cứu rồi…”.  Những cảm ơn, động viên ấy như càng tiếp thêm động lực cho nhóm anh Mạnh tiếp tục lăn xả giải cứu 10 tấn ngao (Quảng Ninh), hơn 1 triệu con gà đồi Chí Linh, cá các loại (cá chép, trắm giòn, chép giòn, trắm đen…) của Hải Dương  trong những ngày sau.  

Bạn đang đọc bài viết "“Biệt đội” giải cứu nông sản mùa dịch" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.