Là bệnh viện đi đầu tại tỉnh Đồng Nai và là bệnh viện thứ 4 của toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh được xem là bước đột phá của ngành Y tế trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh, phục vụ người dân. Từ những bước thành công trên, trong năm 2020 Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sẽ là những bệnh viện tiếp theo triển khai bệnh án điện tử.
Người nhà bệnh nhân tặng hoa bác sĩ CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh vì đã trực tiếp phẫu thuật, cứu được người thân của họ qua cơn nguy kịch (ảnh: Báo Đồng Nai)
Trước đó vào sáng ngày 20/2, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại BVĐK khu vực Long Khánh. Tham dự hội nghị có PGS.TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế cùng đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, tập đoàn Vmed Group, các sở, ban, ngành…
Thông qua báo cáo đánh giá kết quả, đại diện bệnh viện cho biết: Được sự cho phép của cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế, BVĐK Long Khánh là đơn vị đầu tiên thí điểm triển khai bệnh án điện tử tại tỉnh Đồng Nai. Từ tháng 8/2019 đến nay, bên cạnh hồ sơ giấy, bệnh viện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở tất cả các khoa, phòng nội trú, ngoại trú, đồng thời lưu trữ thông tin khám, chữa bệnh của bệnh nhân trên cả hệ thống bệnh án giấy và điện tử.
Theo đó, Hội đồng thẩm định bệnh án điện tử đã thẩm định kết quả thực hiện bệnh án điện tử của bệnh viện. Theo đánh giá của Hội đồng, các hệ thống phần mềm: HIS, LIS, PACS… HIS (Hệ thống quản lý bệnh viện), LIS (Hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm), PACS (Hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh), tất cả trang thiết bị, vật tư trên đều đáp ứng được yêu cầu, phát triển có lộ trình phù hợp.
Phòng điều hành bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh
Đặc biệt, bệnh viện có hệ thống máy chủ với phòng điều hành riêng. Tuy nhiên, bệnh viện phải nâng cấp đường truyền, mua thêm module. Sau đó, giám đốc bệnh viện phải ra quyết định chính thức triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy để được cơ quan Bảo hiểm xã hội công nhận.
Ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, sự quyết tâm của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế. Việc triển khai bệnh án điện tử bước đầu đã có những thành công. Từ đó Sở sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá cơ sở hạ tầng để xin chủ trương của tỉnh triển khai nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Theo bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, từ tháng 8/2019 đến nay, hơn 700 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện đã nỗ lực để sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy; lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy như trước đây. Đồng thời chú trọng nâng cao việc đào tạo, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ tại các khoa, đến nay tất cả 17 khoa, phòng của bệnh viện đã đưa vào sử dụng bệnh án điện tử.
Hiện tại về cơ bản đã đạt được các tiêu chí và yêu cầu của bệnh án điện tử được quy định tại Thông tư 46/2018/TT – BYT và Thông tư 54/2017/TT-BYT. Ngoài ra, bệnh viện sẽ tiến hành nâng cấp 3 phần mềm này, đầu tư thêm hạ tầng công nghệ thông tin như: hệ thống máy chủ, Wi-Fi, máy tính bảng… để các phần mềm vận hành trơn tru.
Đồng thời đề ra giải pháp để khắc phục các sự cố (nếu có) xảy ra trong quá trình thực hiện bệnh án điện tử tại bệnh viện. Kết quả bước đầu cho thấy, từ khi triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện đã tiết kiệm được 2/3 thời gian ghi chép hồ sơ bệnh án, đồng thời thông tin, chữ viết trong bệnh án điện tử rõ ràng, rành mạch, tránh được sự nhầm lẫn trong việc thực hiện y lệnh của bác sĩ để từ đó nâng cao hiệu quả dịch vụ.
Để triển khai bệnh án điện tử thành công, mỗi nhân viên y tế trong bệnh viện được cấp một user để truy cập bệnh án điện tử và được phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ riêng. Mục đích nhằm đảm bảo tính bảo mật, thông tin bệnh án điện tử chỉ được chia sẻ với những cá nhân có liên quan. Ngoài ra BVĐK khu vực Long Khánh cũng đã ban hành quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số trong hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ tham gia chuyên môn được phép dùng chữ ký điện tử; giám đốc, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp và trưởng các khoa, phòng, bác sĩ cận lâm sàng thực hiện ký số để xác nhận chữ ký điện tử.
PGD-TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) khẳng định, BVĐK khu vực Long Khánh về cơ bản đã đáp ứng những yêu cầu của Bộ Y tế về việc thực hiện triển khai bệnh án điện tử
Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại BVĐK khu vực Long Khánh, sau khi đi tham quan thực tế quy trình làm bệnh án điện tử thực tế tại Bệnh viện, PGD-TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế) khẳng định, BVĐK khu vực Long Khánh về cơ bản đã đáp ứng những yêu cầu của Bộ Y tế về việc thực hiện triển khai Bệnh án điện tử. Bệnh viện đã có phòng máy chủ, phòng điều hành tập trung, hệ thống công nghệ thông tin bài bản. Trong thời gian tới, bệnh viện cần lưu ý đầu tư hơn nữa về hạ tầng, tốc độ đường truyền, đồng bộ, kết nối hai chiều 2 phần mềm HIS và PACS để đạt hiệu quả cao nhất khi triển khai bệnh án điện tử. Cục CNTT hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ bệnh viện tháo gỡ các khó khăn.
Bệnh án điện tử CLAS Healthcare được cung cấp bởi Công ty cổ phần INFOMED – Tập đoàn VMED (VMED Group) có vai trò to lớn trong việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Sản phẩm là một giải pháp độc lập, có thể triển khai, tích hợp với bất kỳ hệ thống quản lý Bệnh viện HIS nào; giao diện màn hình các phiếu, biểu mẫu được thiết kế và cấu hình giống hệt với các biểu mẫu trong bệnh án giấy, không làm thay đổi bất kỳ quy trình làm việc nào của viện, mang đến trải nghiệm phần mềm thân thiện. Bên cạnh đó, giải pháp được ứng dụng công nghệ Blockchain và tích hợp với chữ ký số để xác thực bệnh án; có thể kết nối trực tiếp với dữ liệu tương tác cảnh báo Dược tin cậy. |