Sản phẩm bánh phu thê Đình Bảng
Bánh được làm từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên: tinh bột gạo nếp, hoa dành dành, đu đủ, đỗ xanh, dừa, đường kính trắng, tinh dầu hoa bưởi, hạt sen. Công đoạn chế biến cầu kỳ: gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung xay trong nước chắt lấy tinh bột rồi đem phơi khô, bột trộn với nước màu chiết từ quả dành dành, sợi đu đủ xanh nạo mỏng. Nhân bánh làm từ đỗ xanh đồ trộn với đường kính trắng, dừa sợi hoặc miếng, tinh dầu hoa bưởi, vani và hạt sen. Bánh sau khi gói được đem luộc hoặc hấp, chín vớt ra, ép nước rồi buộc thành từng đôi một.
Sở dĩ bánh buộc thành cặp bởi dân gian xưa quan niệm bánh phu thê tượng trưng cho đôi lứa nên duyên vợ chồng. Màu xanh của lá bánh thể hiện sự thủy chung son sắt của người vợ. Sợi lạt đỏ buộc bánh tượng trưng cho sợi tơ hồng se duyên, gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Mỗi chiếc bánh làm ra đều chan chứa tình yêu thương, sự đằm thắm, dịu dàng của vợ hiền gửi gắm đến người chồng của mình. Cũng chính vì thế mà bánh trở thành thứ quà đặc trưng trong mỗi mâm lễ ăn hỏi của người Kinh Bắc.
Bánh phu thê được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản.
Thưởng thức một miếng nhỏ có thể cảm nhận được độ dẻo của bột nếp, giòn của đu đủ, ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, bùi của hạt sen, ngọt của đường hòa quyện thành hương vị rất riêng của “Bánh phu thê Đình Bảng”- Sản phẩm không có chất bảo quản, màu thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến.
Ngày nay, không chỉ người Kinh Bắc mà nhiều gia đình ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc khi dựng vợ gả chồng cho con thường đặt bánh phu thê làm lễ hỏi hoặc mua để dùng, làm quà rất ý nghĩa… Vì vậy, bánh phu thê Đình Bảng đã phát triển thành hàng hóa, thu hút được gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh tại địa phương, doanh thu đạt 3 -5 tỷ đồng/cơ sở/năm. Đồng thời, sản phẩm còn góp phần vào phát triển du lịch, văn hóa địa phương… Chị Nguyễn Thị Liễu ở Hà Nội cho biết: “Bánh phu thê Đình Bảng có giá thành khá rẻ, ăn lại thơm, ngon, hình thức khá bắt mắt. Mỗi khi có điều kiện qua Bắc Ninh tôi đều ghé vào Đình Bảng mua bánh về ăn và tặng bạn bè, người thân.”.
Bà Đặng Thị Thủy, khu phố Thọ Môn, phường Đình Bảng cho hay: “Trước đây, người dân trong phường thường tổ chức làm bánh vào dịp Tết Nguyên đán và ngày hội Đền Đô để tế lễ. Giờ đây sản phẩm được nhiều người biết đến và thường chọn mua ăn và làm quà biếu, tặng… nên người Đình Bảng làm bánh quanh năm, sẵn sàng phục vụ nhu cầu thị trường”
Mặc dù nghề làm bánh phu thê Đình Bảng đang phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao song cũng gặp không ít trở ngại. Do bánh không thể bảo quản được lâu (không quá 3 ngày). Vì vậy, việc đưa bánh đến khắp các vùng trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lao động trẻ ở địa phương hầu hết làm trong các khu công nghiệp, không mặn mà với nghề làm bánh, chỉ còn những người trung niên làm nghề, giữ nghề nên việc truyền nghề, phát triển nghề rất khó. Thị trường đã xuất hiện các sản phẩm cùng loại, lạm dụng danh tiếng của "Bánh phu thê Đình Bảng”...
Để bảo tồn và phát triển bền vững nghề này, chính quyền địa phương đã thường xuyên vận động người dân chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình làm bánh và tạo điều kiện cho người dân thành lập các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh với quy mô lớn để có thể mang đặc sản của người Kinh Bắc đến khắp nơi trên mọi miền đất nước. Đặc biệt, vừa qua bánh phu thê Đình Bảng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận theo Quyết định số 23551/QĐ-SHTT, ngày 25-03-2020. Đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng chống lại những biểu hiện gian lận thương mại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.