Bánh gio - món bánh đặc sản lưu truyền từ lâu trong dân gian
Thật hiếm nơi nào sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng như Việt Nam chúng ta. Bên cạnh những "món ăn quốc dân" đã quá nổi tiếng như phở, bún, bánh mì… thì mỗi vùng miền, mỗi tỉnh thành lại xuất hiện nhiều loại đặc sản trứ danh khác nhau khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi. Trong đó nổi bật hơn cả có lẽ là những món bánh.
Nước ta có vô vàn loại bánh đặc sản khác nhau, để kể tên thì chắc… tới mai cũng chưa xong. Trong số đó, có nhiều loại gây tò mò ngay từ tên gọi kỳ lạ và không phải ai cũng biết đến.
1. Bánh gio
Bánh gio (hay bánh tro, bánh ú tro, bánh nẳng) được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro (tức tro than lá cây, nhất là lá tre) và gói lá đem luộc chín trong nồi.
Hiện nay, bánh tro được làm và bán quanh năm trên khắp các vùng miền trong cả nước, và đây cũng được xem là đặc sản số 1 của tỉnh Bắc Kạn.
2. Bánh cóng
Bánh cóng (hay bánh cống) là một đặc sản của người Khmer Nam Bộ thuộc tỉnh Sóc Trăng, trong đó xã Đại Tâm là nơi nức tiếng nhất. Bánh ban đầu có tên là bánh Sển hoặc Sài Cá Nại (tiếng Khmer).
Tuy nhiên vì tên khó nhớ nên sau được gọi là bánh Cóng, ý để chỉ hình thức bánh được đổ vào chiếc Cóng – một dụng cụ có dáng tựa như phin cà phê với tay cầm dài như vá múc canh để người chiên bánh cầm đỡ nóng.
Bánh cóng sau khi chiên giòn lên có màu khá sậm, thường được dùng kèm với rau xanh và nước mắm chua ngọt.
3. Bánh cáy
Bánh cáy là đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thường được làm từ một số nguyên liệu như nếp cái hoa vàng, gấc, mạch nha, mứt dừa, mè, đậu phộng rang thơm lừng.
Sở dĩ gọi "bánh cáy" là vì trông màu sắc nhìn giống trứng con cáy (một loại cua càng đỏ). Có thuyết lại nói rằng vì bánh thơm ngon nên được quan chức địa phương chọn làm vật phẩm dâng vua, vua ăn thấy vị bùi, ngọt lại hơi cay của gừng nên mới hỏi tên, viên quan dâng bánh nói rằng đó là bánh cay, sau đọc chệch thành bánh cáy cho tới ngày nay.
4. Bánh Pía
Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu, là những chiếc bánh nguyên thủy chỉ có nhân thịt heo và đậu xanh, loại bột bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn mỡ.
Từ pía bắt nguồn từ tiếng Triều Châu là "pi-é", âm Hán Việt có nghĩa là bánh. Ngày nay, đây được xem là đặc sản nức tiếng của tỉnh Sóc Trăng.
5. Bánh uôi
Bánh uôi là đặc sản và niềm tự hào của người Mường ở tỉnh Hòa Bình, thường được người địa phương nơi đây gọi là "peẻng uôi" (trong tiếng Mường thì từ này không có ý nghĩa rõ ràng). Ngoài ra, bánh còn có nhiều tên gọi hay ho khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết,…
Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, gồm hai loại: nhân mặn làm từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, còn nhân ngọt làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở địa phương) hoặc từ đậu xanh.
6. Bánh khọt
Bánh khọt là món đặc sản nổi tiếng của thành phố biển Vũng Tàu. Có hai cách lý giải tên gọi của món ăn này. Một là xuất phát từ âm thanh khọt khọt vang lên khi người ta cho bột vào chảo. Hai là ngày xưa người dân nghèo chỉ có tiền làm món bánh toàn bột, gọi lâu chệch thành "khọt".
Bánh được làm từ bột gạo hoặc bột sắn, có nhân tôm hoặc các loại hải sản, trứng cút, khi ăn thường dùng kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt.
7. Bánh tai
Bánh tai là một đặc sản của vùng làng quê Phú Thọ. Trước kia, bánh được gọi là "bánh trai" vì được nặn theo hình con trai. Nhưng về sau, dân gian gọi tắt là bánh tai. Nguyên liệu để làm món bánh khá đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và các loại gia vị cần thiết.
8. Bánh gật gù
Là đặc sản của huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), bánh gật gù được làm từ bột gạo có bề ngoài khá giống với bánh phở, bánh cuốn.
Người dân vùng này truyền tai nhau rằng ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Bởi thế mà từ ấy, cái tên bánh gật gù xuất hiện và được phổ biến cho đến hiện nay.
9. Bánh ngải
Thoạt nghe tên chắc hẳn nhiều người sẽ hiểu lầm, nhưng bánh ngải thực chất được làm từ lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo, là một đặc sản nức tiếng của người Tày ở Lạng Sơn.
Bánh có hình tròn dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm với lớp vỏ dẻo, nhân vừng đen bùi ngọt kết hợp với đường phèn thơm lừng bên trong.
10. Bánh răng bừa
Bánh răng bừa có nơi còn gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá, nhưng người Thanh Hóa gọi tên như vậy vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa.
Đây là loại bánh truyền thống thường được làm vào các ngày rằm, ngày giỗ, Tết Nguyên đán. Nguyên liệu chính của nó là gạo tẻ, còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị.