Trong thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm quan Tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), lúc đó chàng trai Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam, đến thăm cha và ở lại mảnh đất này. Khi thấy con trai đến, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hỏi con: - “Con đến đây làm gì?” - “Con đến đây tìm cha”. Nghe vậy, cụ Sắc trìu mến nói với con: - “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Câu nói của cha đã thôi thúc Người phải mạnh mẽ, nhanh chóng ra đi tìm đường cứu nước và không còn được gặp lại người cha kính yêu của mình. Ngày nay, Huyện đường Bình Khê là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ đất võ Bình Định.
Khuôn viên Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Dưới cái nắng như đổ lửa những ngày đầu hè ở dải đất nghèo miền Trung, tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, một số bạn trẻ đến thắp hương, vệ sinh bàn thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sống những ngày sum họp trước khi diễn ra cảnh chia tay lịch sử, để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Dù lưu lại chỉ trong thời gian ngắn nhưng mảnh đất và con người nơi đây đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức của Người.
Sau khi thắp nén hương tưởng nhớ Bác Hồ, chị Tài Châu Như Hiền, ở huyện Tây Sơn, Bình Định bày tỏ: "Năm nay kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên chúng em muốn hướng đến, tưởng nhớ công ơn Bác và đến nơi này dâng lên Bác nén hương để tỏ lòng thành của mình. Em cũng cảm thấy rất tự hào khi mình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Sơn, Bình Định và cụ thể hơn đó là mảnh đất tại huyện Đường Bình Khê, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng sống và làm việc."
Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Ngày 1/7/1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê. Thời gian chỉ hơn 6 tháng (từ tháng 7/1909 đến tháng 1/1910) nhưng ông đã để lại trong lòng người dân nơi đây hình ảnh một vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, yêu nước, thương dân.
Ông luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực người nghèo, tìm cách giúp đỡ những người yêu nước nên bị bọn địa chủ căm ghét và triều đình nghi ngờ. Tháng 01/1910 cụ bị vu tội "lạm quyền" dẫn đến cái chết của một điền chủ và bị triều đình Huế triệu về kinh bãi chức. Sau đó, cụ vào Nam sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học rồi qua đời tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Tượng đài "Cha - con" tại Quảng trường trung tâm thành phố Quy Nhơn.
Tỉnh Bình Định đã quyết định đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê. Công trình khánh thành ngày 23/5/2015, trên chính nền di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê xưa- nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng sống và làm việc. Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, đơn vị quản lý di tích cho biết: Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng thành Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 5/3/2018.
Ông Châu Kinh Tú cho biết: "Hàng năm chúng tôi phối hợp với Phòng Giáo dục huyện triển khai cho các trường trên địa bàn tổ chức hoạt động ngoại khóa để giáo dục lịch sử địa phương cho các em học sinh. Ví dụ như Hội thi kể chuyện về Bác Hồ hoặc cho học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử rồi chiếu phim tư liệu và giải đáp cho các em về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, ý nghĩa của di tích lịch sử này."
Người dân thành kính dâng hương lên ban thờ Bác Hồ và cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Hàng năm, vào sáng Mùng 1 Tết Nguyên đán, ngày sinh nhật Bác, lãnh đạo huyện Tây Sơn, xã Tây Giang cùng nhân dân trong khu vực đến viếng hương tại Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn cụ Phó Bảng- thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, vào ngày 27/10 Âm lịch hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với huyện Tây Sơn tổ chức trang trọng lễ giỗ theo nghi thức truyền thống với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, huyện và người dân địa phương.
Ông Huỳnh Hồ Hoài Nam, Phó Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết: "Đây là 1 di tích vừa có ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa là công trình để phục vụ du lịch. Huyện cũng thường xuyên quan tâm đầu tư, nâng cấp rồi quảng bá. Cho đến nay theo tôi việc quảng bá của công trình này cũng chưa đạt được yêu cầu, mong muốn. Vẫn còn rất nhiều đoàn khách khi về đây mới phát hiện ra là cha Bác Hồ đã từng làm quan Tri huyện ở huyện Tây Sơn, trước kia là huyện Bình Khê."
Đến nay, mảnh đất Bình Định là địa phương duy nhất có tượng đài “Cha-Con” là “Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Sinh Cung” đặt trang trọng tại Quảng trường trung tâm thành phố Quy Nhơn. Đây là địa chỉ đỏ để mỗi dịp lễ quan trọng của đất nước, các cấp chính quyền và nhân dân đến dâng hương, dâng hoa, tỏ lòng thành kính và sự tự hào đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc./.
Theo VOV