KINH TẾ ĐÔNG Á THÁI BÌNH DƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

05/04/2021 15:16

Châu Á-Thái Bình Dương được coi là khu vực năng động nhất toàn cầu. Trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, nền khinh tế khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong báo cáo cập nhật tình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (ĐA-TBD) tháng 4 năm 2021, Ngân hàng Thế giới (W.B) nhận định, các nền kinh tế đang phát triển phục hồi rất không đồng đều, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng trong khu vực. Bài viết đề cập đến những nét nổi bật rút ra từ báo cáo này.

Kinh tế khu vực trong đại dịch Covid-19 đến….

Được ví như con rắn nhiều đầu, COVID-19 cho thấy khó có thể bị dập tắt. Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia cơ bản đẩy lui được dịch bệnh, nhưng vẫn phải chứng kiến những đợt dịch bùng phát ở nhiều địa phương; Ma-lai-xi-a dịch bệnh hồi phát ở quy mô lớn; Cam-pu-chia, Miến Điện, Mông Cổ và Thái Lan phải đối mặt nhiều đợt lây nhiễm mạnh. Tình hình dịch bệnh ở In-đô-nê-xia và Phi-líp-pin được cải thiện, nhưng số ca lây nhiễm vẫn ở mức cao. Gần đây, sự xuất hiện của biến thể mới dễ lây nhiễm đã đặt ra nhiều thách thức cho việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Trước diễn biến của đại dịch, kinh tế khu vực đã phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều nền kinh tế được phục hồi từ nửa cuối năm 2020; trong đó, Trung Quốc và Việt Nam hồi phục theo lộ trình hình chữ V, với sản lượng tăng trưởng vượt mức trước COVID-19. Hầu hết những nước còn lại chưa phục hồi cả về sản lượng lẫn tốc độ tăng trưởng. Cuối năm 2020, sản lượng của bốn nền kinh tế lớn trong khu vực vẫn còn thấp hơn khoảng 5% so với trước đại dịch. In-đô-nê-xi-a giảm nhẹ nhất ở mức -2,2% và giảm nặng nhất là Phi-líp-pin tới -8,4%. Suy giảm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài ở những quốc đảo nhỏ, thấp hơn trên -10%. Do khó khăn kinh tế, tỷ lệ nghèo trong khu vực lần đầu tiên ngừng giảm sau 20 năm với 32 triệu người mất đi cơ hội thoát nghèo.

Đại dịch kèm theo cách ly khiến bất bình đẳng gia tăng. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu công bằng trong cơ hội tiếp cận với dịch vụ xã hội và công nghệ số. Tại một số quốc gia, cơ hội đi học của trẻ em ở các hộ gia đình thuộc nhóm 40% dân số nghèo nhất thấp hơn 20% so với những trẻ ở các hộ gia đình thuộc nhóm 20% thu nhập cao. Nữ giới phải chịu bạo lực nhiều hơn so với trước và bạo lực gia đình trở nên tồi tệ hơn. 

Đánh giá về khu vực trong đại dịch, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa nhận xét “Cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra chặn đứng giảm nghèo và làm gia tăng bất bình đẳng,” bà nhấn mạnh “Khi bước vào giai đoạn phục hồi năm 2021, các quốc gia cần hành động khẩn trương để phòng vệ cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời phải đảm bảo phục hồi bao trùm, xanh và bền vững.”

Phân tích tổng quan về những yếu tố quyết định kết quả tăng trưởng nền kinh tế khu vực, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng: Kết quả kinh tế ở các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào (i) hiệu suất kiểm soát vi-rút; (ii) khả năng tận dụng sự phục hồi của thương mại hàng hóa quốc tế; và (iii) năng lực đưa ra các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ của chính phủ. Các quốc gia có kết quả kém nhất là nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao và tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra lớn nhất. Ngoài ra, những nơi phải áp dụng hạn chế đi lại kéo dài; nơi phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch và nơi mà chính phủ còn dư địa tài khóa hạn chế cũng gánh chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc triển khai tiêm chủng rộng vác-xin đến nay chưa có tác động đáng kể đến tăng trưởng trong khu vực. Kết quả kinh tế còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đặc thù của từng quốc gia, bao gồm thiên tai, bùng phát bệnh dịch khác cũng như bất định về chính trị

…..Triển vọng tăng trưởng khu vực và….

Cú sốc COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh tế trong tương lai. Ở những quốc gia dịch bệnh được kiểm soát thành công, điều kiện hỗ trợ cho hoạt động kinh tế trong nước khôi phục được mở ra, nhưng lây nhiễm kéo dài ở các quốc gia khác cũng đã cản trở đến tăng trưởng. Do du lịch toàn cầu thấp hơn so với mức trước đại dịch, việc phục hồi ở những nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch đã bị trì hoãn. Mặt khác, nợ công và bội chi ngân sách gia tăng, đã ràng buộc chi tiêu của nhiều Chính phủ.

Trong bối cảnh đại dịch còn tác động, tăng trưởng kinh tế khu vực dự kiến sẽ từ 1,2% của năm 2020 lên 7,5% trong năm 2021, nhưng khả năng phục hồi lại diễn ra với những nhịp độ rất khác nhau. Trung Quốc và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, với tốc độ lần lượt là 8,1% và 6,6% so với 2,3% và 2,9% trong năm 2020. Các quốc gia còn lại dự kiến chỉ tăng trưởng 4,4%. Trong năm 2021, sản lượng của In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a có thể phục hồi về mức trước đại dịch; còn của Thái Lan và Phi-líp-pin hết năm 2022 dự báo vẫn thấp hơn so với trước đại dịch. Ở các quốc gia nhỏ, quá trình phục hồi đặc biệt kéo dài ở những nền kinh tế quốc đảo phụ thuộc vào du lịch, trong đó, khoảng một nửa các quốc đảo có mức tăng trưởng âm.

Báo cáo ước tính gói kích cầu của Mỹ có thể sẽ nâng tốc độ tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực thêm 1 % trong năm 2021, đồng thời đẩy quá trình phục hồi trung bình lên khoảng ba tháng. Triển vọng này vẫn có nhiều rủi ro, nếu triển khai vác-xin chống COVID-19 chậm, có thể dẫn đến tăng trưởng giảm đến 1% ở nhiều quốc gia.

Nhờ tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc, tăng trưởng toàn khu vực dự kiến sẽ từ 1,3% của năm 2020 lên đến 7,6% trong năm 2021và rủi ro sẽ cân bằng hơn. Ở góc độ tích cực, các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thành công và sớm kiểm soát được đại dịch, kết hợp với những cải cách chính sách và sự lan tỏa của công nghệ mới, có thể thúc đẩy tăng trưởng và đảo ngược một số thiệt hại do COVID-19 gây ra.

Gói kích thích kinh tế lớn của Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng, thông qua hiệu ứng số nhân trong nước và quốc tế, ở quy mô lớn hơn so với dự kiến trong những ước tính trước đây, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi bình quân trong khu vực sớm hơn một quý. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tiêu cực, chậm trễ phân phối vắc-xin có thể dẫn đến lây nhiễm và hạn chế đi lại kéo dài, khiến cho tăng trưởng giảm khoảng 1%.

 Chậm đẩy lùi bệnh dịch trên quy mô toàn cầu sẽ làm gia tăng rủi ro; những virus biến thể mới, có khả năng lây nhiễm nhanh với độc tố cao và chống chịu với các loại vác-xin  mạnh hơn sẽ làm chậm việc mở cửa biên giới, thậm chí ở cả những nước đã được tiêm chủng vắc-xin tốt. Tình trạng kinh tế khó khăn bị kéo dài sẽ làm xấu đi bảng cân đối kế toán và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính ở một số quốc gia.

Nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng toàn cầu, đến thời điểm này, nhiều quốc gia đã tránh được bất ổn tài chính. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kết nối giữa thị trường tài chính và các thị trường của nền kinh tế thực có thể kéo dài. Tác động tích cực của gói kích thích kinh tế của Mỹ có thể bị xói mòn bởi tác động tiêu cực của tình trạng thắt chặt tài chính toàn cầu, khiến các quốc gia ít có khả năng tận dụng cơ hội thương mại sẽ trở nên dễ bị tổn thương. Vết thương do COVID-19 gây ra có thể tiếp tục làm chậm tăng trưởng trong thập kỷ tới.

COVID-19 có thể tác động lâu dài đến tăng trưởng bao trùm trong dài hạn. Nợ nần tăng cao kết hợp cùng bất định nhiều hơn có thể cản trở cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, đồng thời dẫn đến rủi ro đối với ổn định kinh tế. Bệnh tật, mất an ninh lương thực, mất việc làm, trường học bị đóng cửa có thể làm cho vốn nhân lực bị xói mòn và giảm thu nhập trọn đời. Theo W.B, học sinh trong khu vực có thể mất 0,8 năm đi học theo định mức học tập được điều chỉnh từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021. Chậm trễ trong điều chuyển nguồn lực ra khỏi các doanh nghiệp và các ngành có tiềm năng hạn chế trong thời hậu COVID-19, kết hợp với giảm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng năng suất. Thực trạng này khiến tăng trưởng của khu vực trong thập kỷ tới (không bao gồm Trung Quốc)  có thể thấp hơn đến 1,8 % so với dự báo trước COVID-19.

….những việc cần làm

Trước thế lưỡng nan của các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, báo cáo cập nhật kinh tế khu vực mới nhất của Ngân hàng Thế giới kêu gọi, phải hành động để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi, đồng thời đưa ra cảnh báo,với khối lượng và cách phân bổ vác-xin như hiện nay, trên 80% dân số các quốc gia phát triển sẽ được tiêm vắc-xin vào cuối năm 2021, trong khi mức độ bao phủ vắc-xin tại các quốc gia đang phát triển chỉ đạt khoảng 55%.

Tại nhiều quốc gia ĐÁ-TBD, mức độ hỗ trợ vẫn thấp hơn tổn thất về thu nhập, gói kích cầu chưa khắc phục hết được sự sụt giảm về nhu cầu, đầu tư công vẫn chưa đóng vai trò lớn trong các nỗ lực phục hồi, kể cả khi ti lệ nợ công trên GDP tăng thêm bình quân đến 7 %. Các biện pháp "xanh" đang bị các hoạt động "nâu" lấn át trong các gói kích cầu. Nhìn chung, mới chỉ có ¼ biện pháp kích cầu của các quốc gia trong khu vực được cho là thân thiện với khí hậu.

Bầy tỏ quan điểm về vấn đề này, Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho rằng“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác quốc tế, để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi," theo ông “Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách gia tăng xuất khẩu các sản phẩm y tế, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, và tiến hành các biện pháp mạnh hơn về khí hậu. Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi thế giới an toàn hơn và tăng trưởng cân bằng hơn.

Báo cáo của W.B kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng hợp tác trong sản xuất, phê chuẩn và phân phối vác-xin dựa trên nhu cầu để giúp ngăn chặn COVID-19. Phối hợp trong chính sách tài khóa sẽ làm tăng tác động tập thể vì một số chính phủ có xu hướng hỗ trợ chưa đầy đủ. Bên cạnh hợp tác trong giảm phát thải, các quốc gia đang phát triển còn nghèo cũng cần hỗ trợ quốc tế để tiến hành các biện pháp có chiều sâu hơn về khí hậu.

Báo cáo Phục hồi Chưa Đồng đều, tập trung vào chính sách vác-xin, tài khóa và khí hậu, được ra mắt trên nền tảng hai báo cáo cập nhật kinh tế khu vực năm 2020, đã phân tích sáu khía cạnh chính sách để đảm bảo phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19, đó là: chặn dịch thông minh, giáo dục thông minh, tăng cường bảo trợ xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng chính sách cân đối cho khu vực tài chính, và cải cách thương mại. 

Các nước đang phát triển ĐA-TBD đang đối mặt với sự đánh đổi khi họ cố gắng cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ kinh tế với rủi ro bất ổn trong tương lai. Sự đánh đổi đó có thể được làm mềm đi, trước hết Chính phủ các quốc gia trong khu vực có thể làm nhiều điều để nâng cao hiệu suất chi tiêu. Trong quá trình hồi phục, các khoản hỗ trợ cho hộ gia đình và doanh nghiệp nên được thực hiện theo hướng lựa chọn đối tượng tốt hơn. Thời gian tới, chi đầu tư có thể được hợp lý hóa và phân bổ cho những dự án đem lại hiệu quả cao nhất cho xã hội. Theo đó các nước quản lý đầu tư công tốt có thể đem lại hiệu quả cao hơn gấp bốn lần.

Thứ hai, thay vì cắt giảm hỗ trợ hoặc tăng thuế, chính phủ các quốc gia có thể cam kết chắc chắn về cải cách nhằm nâng cao hiệu suất và kỷ cương chi tiêu trong thời gian tới. Các quốc gia cũng có thể cam kết từng bước cắt giảm những nội dung chi lãng phí và có tính chất lũy thoái. Mặc dù tăng thu và giảm chi trong giai đoạn khủng hoảng là điều khó làm, nhưng xây dựng pháp luật cho những cải cách trong tương lai sẽ thuận lợi hơn về mặt chính trị.

Thay vì chỉ dựa vào chính sách tài khóa, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương có thể tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ để chia sẻ gánh nặng hỗ trợ kinh tế.

sau cùng, phối hợp quốc tế có thể khuếch đại tác động của chính sách tài khóa do Chính  phủ nhiều nước có xu hướng thực hiện gói kích thích thấp hơn so với mức tối ưu toàn cầu.

Theo W.B, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực ĐA-TBD, lại có nhiều dư địa tài khóa và thặng dư tài khoản vãng lãi nên có thể làm nhiều hơn để đẩy mạnh tiêu dùng. Cơ cấu và chất lượng gói hỗ trợ tài khóa của Trung Quốc có thể được định hình bằng mục tiêu riêng. Nếu để cho các chính quyền địa phương đầu tư vào kết cấu hạ tầng truyền thống sẽ gây rủi ro và làm trầm trọng hơn các vấn đề tài khóa hiện hành, nhưng tăng chi tiêu xã hội và đầu tư xanh sẽ góp phần tái cân đối theo hướng tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn.

Trong phát triển theo hướng xanh mà không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng hay làm tổn thương người nghèo, các nước đang phát triển ở khu vực ĐA-TBD ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Khu vực này đóng góp lớn trong việc tăng phát thải khí hiệu ứng nhà kính gây BĐKH, đang phải đối mặt với những hệ lụy từ các trận bão đến bệnh nhiệt đới, băng tan chảy và mực nước biển dâng cao. Chính vì vậy, hành động sớm về khí hậu trong khu vực vừa vì lợi ích của khu vực vừa vì lợi ích của toàn cầu.

Quá trình đẩy mạnh phát triển theo hướng xả thải các-bon thấp và nâng cao khả năng chống chịu, các nhà hoạch định chính sách có thể dựa vào nhiều công cụ kết hợp có khả năng giúp giảm phát thải hiệu quả trong toàn bộ nền kinh tế thông qua các phương án chính sách, bao gồm: (i) từng bước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và trợ cấp năng lượng, (ii) điều chỉnh giá các-bon (iii) hỗ trợ đầu tư công xanh cho đổi mới sáng tạo và hạ tầng xả thải các-bon thấp và có khả năng chống chịu khí hậu, (iv) thực hiện cải cách chính sách thải các-bon thấp ở các lĩnh vực quan trọng, như năng lượng, vận tải, nông nghiệp, sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Nhữngng chính sách nhằm chuyển đổi sang xả thải các-bon thấp cần song hành với các bước đi nhằm đảm bảo sao cho chi phí và lợi ích được phân phối hợp lý cả ở trong nước và trên toàn cầu. Hợp tác khu vực và toàn cầu có vai trò quan trọng nhằm khuyến khích những hành động cần thiết về môi trường. Theo W.B, những nước đang phát triển có quy mô nhỏ cần có sự hỗ trợ quốc tế để tiến hành những hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn so với mức tối ưu ở cấp quốc gia, đặc biệt vì sự bất bình đẳng dai dẳng trên toàn cầu về mức độ xả thải theo đầu người.

Thay lời kết luận

Hơn một năm sau đại dịch COVID-19, khu vực ĐA-TBD (EAP) đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách kiên định của Chính phủ Việt Nam đã giúp đất nước vượt qua được những khó khăn để ngăn chặn đại dịch Covid-19, đồng thời sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng.

Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng trong đại dịch với nền kinh tế tăng trưởng dương đứng trong top hàng đầu thế giới. Từ những đánh giá khách quan của các tổ chức kinh tế toàn cầu, chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, đất nước sẽ phát triển đi lên để sớm đứng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển,/.

Tài liệu tham khảo

1.Ngân hàng Thế giới (2021)      Phục hồi chưa đồng đều

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương         tháng 04 năm 2021

2. Ngân hàng Thế giới (2021)       Thông cáo báo chí số 2021/128/EAP

WASHINGTON, ngày 25 tháng 03 năm 2021

Địa chỉ liên lạc                Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân,  Quận Tây Hồ Hà Nội

                                                Mob 0829848231; Email lethanhy 05@gmail.com

Bạn đang đọc bài viết "KINH TẾ ĐÔNG Á THÁI BÌNH DƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TOÀN CẦU" tại chuyên mục Kinh Tế - Thị Trường.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.