Thường thì người đời chỉ biết Nguyễn Bỉnh Khiêm như vậy, với tư cách một nhà văn hóa lớn nhất thế kỷ 16 ở Việt Nam. Tuy nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm từng cầm quân dẹp loạn thì chẳng mấy ai biết đến, hoặc giả cũng rất ít người hay. Ông được nhà Mạc phong tước Trình Quốc Công khi còn sống, chứ không phải là sau đã mất, như trước đây thường nghĩ.
Ảnh minh họa nguồn internet
Phiên âm:
TÒNG CHINH
(Cảnh Lịch Quang Bảo gian tác. Thời niên du lục thập)
Chỉ kỳ thệ phục cựu sơn hà,
Khẳng khái đăng chu phát hạo ca.
Trạo bãi thủy văn đôi bạch tuyết,
Phàm di nguyệt ảnh xíu hàn ba.
Cô trung đối việt càn khôn lão,
Tứ cố vi mang thảo thụ đa.
Ký đắc tặc nô bình định liễu,
Trùng tầm tân quán lữ ngư hà.
Dịch nghĩa:
ĐI CHINH PHẠT
(Làm khoảng năm Cảnh Lịch (1548-1553), Quang Bảo (1554-1561) Triều Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên. Bấy giờ tác giả đã ngoài 60 tuổi).
Bấm đốt ngón tay thề khôi phục non sông cũ,
Khảng khái lên thuyền hát bài ca hùng tráng.
Mái chèo khua vằn sóng như đống tuyết trắng,
Cánh buồm chuyển dưới bóng trăng lăn tăn sóng lạnh.
Tấm lòng già cô trung đối diện đất trời vượt lên tất cả,
Bốn bề xiết bao cỏ cây mơ hồ mênh mông.
Nhớ rằng sau khi dẹp xong bọn giặc cướp,
Lại tìm về ngôi nhà bên bến làm bạn với cá tôm.
Dịch thơ
Khảng khái lên thuyền hát tráng ca,
Nguyện thề, khôi phục núi sông ta.
Mái chèo khua sóng như tuyết trắng,
Buồm lướt dưới trăng, lạnh sóng va.
Mênh mông cây cỏ dường vô tận,
Đối diện càn khôn, tấm lòng già.
Hãy nhớ, dẹp yên quân giặc cướp,
Cá tôm bến cũ, bạn cùng ta.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Đương nhiên, mấy câu đề từ ở phía trên bài thơ, không phải là của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nó là phán đoán của các nhà làm sách. Có thể là của Bùi Huy Bích. Có thể là của TTNCQH.
Căn cứ váo sử liệu, bạn đọc có thể hiểu đại khái rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ Trạng nguyên khi ông đã 45 tuổi, ở thời Thái Tông Mạc Đăng Doanh trị vì, cũng là thời kỳ thịnh trị nhất của triều Mạc. Mạc Thái Tông Đăng Doanh mất, Phúc Hải (Hiến Tông) lên thay. Vua còn nhỏ tổi, bọn quan lại lợi ích nhóm nổi lên tranh đoạt, làm rối loạn triều đình. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ yêu cầu vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải phải xử chém 18 viên lộng thần. Vua không nghe theo. Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về quê mở quán TRUNG TÂN, ẩn dật ở Am Mây (Vân Am), sống cảnh cày nhàn câu vắng.
Tuy ở ẩn, nhưng thực ra Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể buông bỏ việc đời. Ông vẫn theo dõi những diễn biến chính trị của đất nước.
Tháng 3 năm 1551, Trịnh Kiểm đem quân từ Thanh Hóa tiến công thành Thăng Long, uy hiếp triều Mạc. Mạc Tuyên Tông Phúc Nguyên phải giao binh quyền cho các tướng chống giữ, rồi ban đêm xuống thuyền quay về Dương Kinh (Hải Phòng) cũng Mạc Kính Điển bàn kế đánh giặc. Tuyên Tông lại nhớ đến Trạng Trình, mời Trạng Trình ra giúp nước. Có lẽ, đây cũng là thời điểm nhà Mạc phong tước Trình Quốc Công cho Nguyễn Bỉnh Khiêm, chứ không phải là sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mất, như một số tài liệu trước đây đã viết. Trạng Trình còn tham chính, tới khi ông 73 tuổi mới chính thức nghỉ hưu.
Trước tình hình khó khăn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù đã vào tuổi 60, nhưng ông vẫn hăng hái tòng quân đi đánh giặc. Tác giả viết:
Bấm đốt ngón tay thề khôi phục non sông cũ,
Khảng khái lên thuyền hát bài ca hùng tráng.
Xem thế đủ biết, Trạng Trình đã lại ra giúp Tuyên Tông, cùng phụ chính Mạc Kính điển trù liệu kế hoạch tác chiến. Chính Trạng Trình hiểu rõ tâm trạng của Nguyễn Thiến, nên đã viết thư khuyên Nguyễn Thiến quay về với nhà Mạc. Có câu: “Cố ngã tồn cô duy nghĩa tại / Tri quân xử biến khá cam tâm” (Ta giúp con côi vì nghĩa trọng / Ông khi xử biến khá cam lòng). Hoặc như: “Vận chuyển nhất chu ly phục hợp / Tràng giang khởi hữu hạn đông nam” (Vận chyển một vòng tan lại hợp / Tràng giang đâu có hạn đông nam)…
Hai câu thơ mở đầu cho thấy ý chí, quyết tâm cao độ của Trạng Trình, thề quyết khôi phục non sông cũ (hiện đã bị nhà Trịnh mượn danh nghĩa “phù Lê” chiếm đoạt một vài vùng chiến lược). Khí thơ hừng hực hào khí, sẵn sàng chiến đấu như một tráng sĩ vậy.
Mái chèo khua sóng, vằn lên như những đống tuyết trắng,
Cánh buồm chuyển dưới bóng trăng lăn tăn sóng lạnh.
Hình ảnh con thuyền chiến tiến lên phía trước, vừa mạnh mẽ, vừa rất lãng mạn. Quả là một câu thơ đẹp, hiếm thấy. Thi nhân cảm khái:
Tấm lòng già cô trung đối diện đất trời vượt lên tất cả,
Bốn bể xiết bao cỏ cây mơ hồ mông lung.
Nhà thơ kết luận, như thể đang nói với chính mình:
Nhớ rằng sau khi dẹp xong bọn giặc cướp,
Lại tìm về ngôi nhà bên bến làm bạn với cá tôm.
Giặc đến, thì đàn bà cũng phải xông ra đánh giặc, huống nữa là bậc trượng phu sức dài vai rộng! Trạng Trình là bậc sĩ phu đầu bạc, một văn nhân đầu bảng, cũng chẳng quản ngại hy sinh, hăng hái tòng quân dẹp loạn, mang lại thái bình cho muôn dân. Đó mới chính là trách nhiệm công dân cao cả. Nhưng mà khi cuộc đánh dẹp bọn loạn tặc đã xong, đất nước đã thái bình, ông lại chỉ muốn về lại ngôi nhà của mình ở bên dòng Hóa Giang (Tuyết Giang), mà sống cuộc đời bình dị của người “làm bạn với cá tôm” mà thôi. Thật là một tấm lòng cao cả, sáng rong, không màng danh lợi!
Cả bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, mà không hề dùng một điển tích điển cố nào của bên Tàu, thật hiếm thấy trong thơ chữ Hán của nước ta ở thời Trung đại.