Trên tinh thần xây dựng, tôn vinh những sáng tạo tài hoa của những nghệ nhân tạo hình cây cảnh nghệ thuật Việt Nam, ngợi ca sự kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa giàu bản sắc dân tộc, nhiều người yêu cây đã cùng nhau luận giải những nét đẹp hội tụ ở tác phẩm trên.
Trước hết, muốn hiểu hết những giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể hội tụ ở bất kỳ một tác phẩm nào chúng ta cần định vị rõ hệ giá trị cốt lõi ẩn chứa trong tác phẩm. Đó chính là câu chuyện xuyên suốt gắn với lịch sử hình thành, quá trình tạo tác và những biến đổi về nội dung và hình thức, về mặt mặt chất và lượng, về không gian và thời gian do người nghệ nhân gửi gắm qua thời gian. Những điều đó thường được cô đọng nhất trong tên gọi của tác phẩm. Tác phẩm Mâm Xôi Con Gà chắc hẳn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ như vậy...?!
Tác phẩm Mâm Xôi Con Gà
Theo tổng hợp từ các nguồn tư liệu, ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc và ý kiến của nhiều nghệ nhân cao niên đất Hà Thành thì tác phẩm này có nguồn gốc ở một làng Việt cổ thuộc Phủ Quốc, Xứ Đoài văn hiến. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt gắn với nhiều di chỉ văn hóa, danh nam thắng tích bậc nhất của Việt Nam. Nơi đây, vốn là vùng đất cuối của thành Phong Châu thời Hùng Vương có thủ phủ ở Việt Trì, Phú Thọ ngày nay.
Theo đó, tác phẩm trên thuộc cây Sanh có tên khoa học Ficus benjamina L., là một dòng tứ kỳ mộc (Sanh, Si, Đa, Đề). Nhiều nghệ nhân cao niên truyền tụng rằng: "Cụ" ngự trên nóc cổng làng cổ Ngô Sài (Quốc Oai) tự bao giờ không ai biết. Nhiều người suy đoán, có thể do chim ăn thải hạt trên nóc cổng làng, rồi mọc thành cây và phát triển tự nhiên theo năm tháng.
Từ những năm đầu thế kỷ trước, các cụ bô lão của làng Ngô Sài đã quyết định hạ "cụ" xuống để bảo vệ cổng làng. Một gia đình có truyền thống yêu cây cảnh tại Phủ Quốc đã mang "cụ" về trồng trên hòn non bộ bằng đá ong trước nhà và đặt tên cho tác phẩm mộc mạc là “Mâm Xôi Con Gà” với ước vọng cuộc sống đủ đầy, ấm no, gia đình hạnh phúc sum vầy.
Nói về danh xưng này, nghệ nhân Cường Họa sĩ, một người tạo tác định hình tác phẩm này cho biết: "Một cây sanh già...thân trực có nhiều rễ ôm thành vách, cách gốc chừng 1m có rất nhiều cành đan xen chằng chịt tạo thành tán tròn tượng trưng cho mâm xôi, phía trên ngọn là một con gà trống đứng sừng sững như đang chuẩn bị cất tiếng gáy...Ông cha ta từ ngàn xưa đã luôn mơ ước có đầy đủ ngọc thực, cao hơn nưa là mơ ước ngày lễ tết có mâm cao cỗ đầy “MÂM XÔI CON GÀ”. Trước là để thờ cúng tổ tiên, sau là cả gia đình quần tụ để thụ hưởng những vật phẩm đó".
Siêu cây từng được luận đồn đoán có giá đắt nhất trong giới cây cảnh Việt Nam
Trong văn hóa của người Việt, gà trống là một linh vật hội tụ đủ 5 đức lớn: Văn: thể hiện ở mào giống như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ; Võ: cựa gà là vũ khí chiến đấu; Dũng: gà trống thường đầy dũng khí và sẵn sàng chiến đấu; Nhân: gà trống luôn gọi bầy đến rồi mới ăn cùng; Tín: gà trống luôn gáy đúng giờ bất kể thời tiết…
Nói về hình tượng Con Gà Trống trong văn hóa cũng như đời sống của người Việt, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu trong một lần chia sẻ với báo chí cho rằng: Hình tượng chú gà trống tiêu biểu cho một khí thế anh hùng. Bất cứ con vật nào xâm chiếm lãnh thổ, nó đều chiến đấu bảo vệ đến cùng. Trong một đàn gà thì gà trống bao giờ cũng đứng đầu đàn, nếu nó kiếm ăn được, nó đều kêu gọi đàn gà con, gà mái đến ăn. Sáng sớm gà trống cất tiếng gáy, gọi mọi người thức dậy và làm rung động cả thế giới. Vì thế, trong dân mới có câu:
“Xưa nay gà trống vẫn anh hùng
Cất tiếng chào đời thế giới rung”.
"Theo tôi, nếu chọn một con vật tiêu biểu làm biểu tượng cho đất nước ta thì đó là con gà trống. Nó tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của dân tộc ta...", Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nhấn mạnh.
Còn "MÂM XÔI" là sản vật cao quý mang tính biểu tượng của nền văn minh lúa nước xa xưa. Các cư dân nông nghiệp thường chỉ được dùng trong những dịp linh thiêng, trang trọng như Tế, Lễ, Tết, ma chay, cưới xin, giỗ chạp hay trong những hoạt động quan trọng của cộng đồng làng, xã…Hình tượng "nắm xôi" đã hết sức thân thuộc đối với mỗi người Việt chúng ta qua một sáng tác văn học của dân gian có tên "Thằng Bờm có cái quạt mo".
Tác phẩm hội tụ những tiêu chuẩn của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam
Đó chính là câu chuyện đổi chiếc quạt mo, một thứ rất sẵn ở nông thôn, không đáng giá và có thể xin được. Vậy tại sao Phú ông lại "xin đổi" rất nhiều thứ quý giá, đắt tiền lấy chiếc quạt mo gần như không giá trị của thằng Bờm. Đây là thực chất là một cách để Phú ông khoe khoang sự giàu có của mình một cách rất thô bỉ, thiếu văn hóa. Để thực hiện điều đó Phú ông đã đánh đổi nhiều thứ tài sản có giá trị như bè gỗ lim, ba bò chín trâu, ao sâu cá mè...Tuy nhiên, thật trớ trêu thay thằng Bờm đã không đồng ý. Chỉ khi Phú ông đổi nắm xôi thì Bờm cười.
Phân tích về cái cười khẩy của thằng Bờm trước Phú ông, Doanh nhân Nguyễn Trung Thành, chủ nhân của tác phẩm Mâm Xôi Con Gà cho biết: "Có lẽ hình ảnh đắt giá nhất đối với bài thơ này chính là nụ cười của Bờm. Đó chính là một nụ cười mỉa mai, khinh bỉ của một người thông minh, hiểu biết, trọng văn hóa và có nhân cách thực sự trước sự giàu có mà thiếu sang trọng của trọc phú. Bởi lẽ chính việc lặp lại cum từ “Phú ông xin đổi” tới 5 lần ta cũng thấy được sự cố tình tới đáng ghét của một kẻ trịch thượng thích khoe khoang. Chính hình ảnh ấy cũng đã nâng tầm giá trị của bài thơ và để lại rất nhiều bài học sâu cay cho chúng ta hôm nay...".
Tác phẩm từng xuất hiện trên trang bìa Tạp chí BCI của Mỹ năm 2012
Phải chăng chính vì điều này mà chủ nhân của tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà" hiện nay, không bao giờ đề cập đến giá trị của tác phẩm này dưới góc độ tiền bạc, mà ông khiêm nhường không ngừng trau dồi, học hỏi, giao lưu và luôn mở lòng với tất cả những ai mong muốn khám phá giá trị văn hóa, vẻ đẹp nghệ thuật tiềm ẩn ở tác phẩm mà ông vinh dự đang sở hữu.
Ông cũng luôn dành lời khuyên cho đồng hữu thân tình khi bước vào bộ môn nghệ thuật tạo hình cây cảnh độc đáo này là: "Hãy dành hết tâm huyết theo khả năng hiểu biết và điều kiện cụ thể của mình để theo đuổi đam mê, tận hưởng hạnh phúc và kiến tạo thêm những giá trị mới cho bản thân và cộng đồng. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thực sự phải do cộng đồng cảm nhận và đánh giá từ những cảm xúc của họ về tác phẩm, không phải là tổng chi phí của người tạo tác, nuôi trồng và gửi gắm nghệ thuật. Khi bạn tạo được những giá trị và có sức ảnh hưởng lớn cho cộng đồng thì khi đó tác phẩm là "vô giá" thực sự. Nó không thể dùng để so sánh hay đánh đổi cho những thứ gì khác của người khác được hình thành trong những môi trường rất khác...Chúng ta đừng bắt chước Phú ông đi định giá "nắm xôi" của người khác bằng những thứ mình đang sở hữu, mà phải làm ngược lại mới thực sự công bằng và thuyết phục...".
Tổng thể là một cây dáng làng đẹp tứ diện
Như vậy, tác phẩm Mâm Xôi Con Gà với tên gọi mộc mạc, dễ nhớ, gần gũi với văn hóa tâm linh thờ cúng gia tiên của người Việt thì chủ đề của tác phẩm còn tôn vinh văn hóa làng của người Việt. Yêu làng yêu nước được thể hiện ngay cả ở trong các thú chơi văn hóa. Khát vọng trường tồn như sức sống mãnh liệt của rùa thần Kim Qui...Một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tào hình cây cảnh của người Việt. Cây cảnh trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang những tư tưởng thiên luân thế giáo do con người gửi gắm. Nó vừa là tiểu vũ trụ hòa hợp giữa Thiên - Địa - Nhân hợp nhất vừa chịu ảnh hưởng bởi những triết luận của Nho Gia, Đạo Lão, Phật Giáo, Âm Dương Ngũ Hành... của phương Đông. Phần bệ rễ tượng trưng cho tổ tông nguồn cội; Phần thân trong phạm trù "Tứ thân phụ mẫu", bậc sinh thành; Phần tay cành tượng trưng cho "anh em như thể chân tay"; Phần bông, dăm, lá, hoa, quả tượng trưng cho con, cháu chắt...Vì thế một tác phẩm mang những ước vọng một của gia đình thuần Việt có sự hài hòa giữa các bộ phận để tạo nên vẻ đẹp tổng thể. Tựu chung lại ở các yếu tố:
"Phô thân, khoe lá, lộ căn.
Cổ - Linh - Tinh - Tú, kỹ dăm đẹp tàn".