Cách TP Đà Nẵng tầm 70 cây số về phía Tây Nam và đô thị cổ Hội An chừng 45 cây số về phía Tây, Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Ảnh minh họa nguồn internet
Vào thế kỷ thứ IV, vua Bhadravaman đã xây dựng ngôi đền đầu tiên làm nơi hành lễ, thờ tự. Kiến trúc đền đầu tiên này được làm bằng gỗ thờ Linga của thần Siva, đây là Liga xưa nhất được biết đến ở khu vực Đông Nam á. Từ thế kỉ thứ VII đến thế kỉ XIII, Mỹ Sơn liên tiếp được các triều đại vua chúa chọn làm nơi xây dựng đền đài và thờ tự, biến nơi đây trở thành Thánh địa của các vương triều Chăm. Nơi đền tháp được dựng lên để tưởng nhớ những chiến thắng và những cuộc chinh phục vĩ đại, đồng thời cũng là nơi các vị vua sau khi chết, linh hồn họ được quy tụ với các bật thánh thần của đạo Hindu, đặc biệt là thần Siva (đấng toàn năng), được coi là người sáng lập ra vương quốc Chămpa.
Với hàng chục thế kỷ dựng xây và thờ tự, Mỹ Sơn trở thành trung tâm tôn giáo cực kỳ quan trọng của vương quốc Chămpa, tập trung nhiều công trình đền tháp tiêu biểu, đại diện các phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm, mang những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, minh chứng sinh động về một nền văn minh phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhiều người ví von, du khách tham quan Thánh địa Mỹ Sơn là được chạm đến lịch sử, chạm đến những thước phim về thời gian của một nền văn minh từng phát triển rực rỡ với những giá trị nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Cho đến nay, việc giải thích sự tồn tại ngàn năm của viên gạch Chăm cổ, chúng kết dính được mà không cần vữa vẫn là điều bí ẩn, thôi thúc du khách khám phá.
Ảnh minh họa nguồn internet
Đến với Mỹ Sơn, du khách như bị thôi miên bởi các mảng tường điêu khắc đậm chất nghệ thuật. Tất cả được chạm trổ hết sức tinh xảo và kỳ công với hệ thống tượng thần, tu sĩ, hoa lá, cỏ cây, muôn thú… Điều gây ngạc nhiên cho du khách thích khám phá nghệ thuật là trên các tường tháp, góc tháp, các nhà khoa học luôn tìm thấy được các tỉ lệ vàng của toán học, vật lý trong xây dựng. Chính vì vậy đã mang lại cho kiến trúc sự đăng đối nhưng không gò bó mà phóng khoáng, thanh thoát.
Trong không gian tĩnh lặng của thung lũng huyền bí, du khách còn bị mê hoặc bởi những điệu múa Chăm mượt mà, uyển chuyển, đặc biệt là điệu múa Apsara huyền thoại.
Mỹ Sơn ngày nay là những gì còn lại về một vùng đất lâu đời, chứa đựng những giá trị to lớn của nền văn minh Chămpa đã tạo dựng. Cùng với đó là cảnh quan địa lý thâm nghiêm với đất, núi, suối được gìn giữ, bảo tồn.
Một Mỹ Sơn uy nghiêm, trầm mặc, tiềm ẩn vô vàn sự kỳ bí chắc chắn làm thỏa mãn những du khách thích tìm về cội nguồn lịch sử.
Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet