Ảnh minh họa nguồn Internet
Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chính sách hỗ trợ đã mang lại một diện mạo đổi khác. Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
Chính sách đồng bộ
- Xin ông chia sẻ những nét nổi bật trong phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua?
- Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp GD-ĐT vùng DTTS, miền núi có những chuyển biến đáng kể: Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, qua đó kết quả phổ cập GDMN 5 tuổi, GD tiểu học, GD THCS được duy trì bền vững.
Hệ thống giáo dục chuyên biệt trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường dự bị đại học (DBĐH) phát huy hiệu quả tích cực vào công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Chế độ cử tuyển góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách với cán bộ quản lý (CBQL), GV và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển KT-XH.
- Trong hệ thống các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi thì việc thực hiện Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, HS, SV dân tộc thiểu số rất ít người đem lại những hiệu quả thế nào, thưa ông?
- Thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh DTTS rất ít người, nhiều trẻ mẫu giáo, HS, SV thuộc diện này được ưu tiên vào học tại cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng. Trẻ mẫu giáo được học tại trường mầm non; trường, lớp mẫu giáo công lập. HS tiểu học được học tại trường PTDTBT, trường tiểu học.
HS hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại trường PTDTNT, PTDTBT, trường trung học cơ sở. HS tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào học tại trường PTDTNT, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp. HS tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển thẳng vào học tại trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Về hỗ trợ chi phí học tập, với trẻ em, HS, SV 16 DTTS rất ít người, từ 2017 -2020 có 15.384 lượt trẻ mầm non, 32.899 lượt HS các cấp học phổ thông, 236 HS, SV đại học, cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ chi phí học tập…
Tạo động lực cho thầy, trò
- Để góp phần vào việc phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS, ngành GD có chế độ ưu tiên thế nào với HS sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên đại học, cao đẳng?
- Xác định nguồn nhân lực DTTS sẽ quyết định đến sự phát triển KT-XH của các địa phương, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với HS, SV người DTTS.
Tuyển thẳng vào đại học: Thí sinh là người DTTS rất ít người và thí sinh thuộc các huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào học đại học, cao đẳng.
Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh: Thí sinh là người DTTS ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng ưu tiên theo đối tượng (nhóm ưu tiên 1) và ưu tiên theo khu vực khi dự thi vào trường đại học, cao đẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khi xét tuyển vào cơ sở đại học đóng trên địa bàn được ưu tiên 1 điểm
Ưu tiên trong tổ chức đào tạo: Tổ chức bồi dưỡng bổ sung văn hóa 1 năm cho SV được xét tuyển thẳng vào đại học theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ và SV cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.
Chính sách cử tuyển: Cử tuyển là một trong nhiều giải pháp quan trọng có hiệu quả góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ là người DTTS cho các tỉnh miền núi, vùng DTTS. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, có hơn 20.000 HS, SV DTTS được cử tuyển vào học các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Cơ bản đáp ứng nhu cầu về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho các địa phương vùng DTTS, miền núi.
Ngoài ra còn có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho SV hộ nghèo, cận nghèo ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn. Chính sách học bổng khuyến khích học tập cho SV khá giỏi, xuất sắc; khen thưởng HS dân tộc thiểu số đoạt giải cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế… góp phần phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi.
- Thời gian qua, ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều chính sách cho CBQL, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
- Nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, ngoài việc được hưởng chính sách chung theo quy định, còn được hưởng thêm các chính sách khác, như: Phụ cấp ưu đãi, thu hút, công tác lâu năm ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng…
Chính sách hỗ trợ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo, CBQL GD đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đóng góp công sức đối với sự nghiệp GD-ĐT.
Các chính sách hỗ trợ đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện cuộc sống với nhà giáo, CBQLGD công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; giúp nhà giáo, CBQLGD yên tâm công tác, gắn bó và tâm huyết với con em đồng bào DTTS, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thầy cô nhận được sự quan tâm của Nhà nước càng xác định rõ hơn trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp GD ở vùng còn nhiều khó khăn.
Trang bị tiếng Việt cho học sinh DTTS
- Tiếng Việt cho học sinh DTTS là khó khăn rất lớn đối với thầy và trò, nhất là khi các em bước vào lớp 1. Ngành GD có những giải pháp nào để khắc phục “rào cản” ngôn ngữ này?
- Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS được Bộ GD&ĐT chú trọng chỉ đạo các địa phương vùng DTTS, miền núi thực hiện thường xuyên thông qua thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, giai đoạn từ 2016 đến nay, Bộ có Kế hoạch số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 5/8/2016 triển khai thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025.
Kế hoạch tập trung vào những nhiệm vụ: Biên soạn tài liệu chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt phù hợp với thực tế địa phương, qua đó chuẩn bị vốn tiếng Việt cho trẻ. Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS: Chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS thông qua hoạt động dạy học của các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm; tổ chức hiệu quả chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh DTTS cấp tiểu học.
Bộ GD&ĐT đang tổng kết Đề án 1008 giai đoạn 2016 - 2020, xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025.
-Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (8 thứ tiếng). Xin ông cho biết một số công việc Bộ đang triển khai để thực hiện Chương trình này?
- Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các DTTS, việc dạy học tiếng DTTS được triển khai trong trường phổ thông ở nhiều địa phương vùng DTTS.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 15/9/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông môn học Tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Jrai, Khmer, Mông, Mnông, Thái.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông môn học tiếng DTTS, Bộ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học và tập huấn GV triển khai thực hiện SGK tiếng DTTS; in ấn và cấp phát SGK tiếng DTTS theo nhu cầu cho các cơ sở giáo dục triển khai dạy học tiếng DTTS.
- Để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc các DTTS, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai những cách thức nào vào trường học, thưa ông?
- Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo khai thác ngữ liệu, văn hóa các DTTS phù hợp với đặc điểm vùng miền, đối tượng HS để đưa vào nội dung bài dạy; đặc biệt trong việc xây dựng Chương trình, SGK GDPT mới, quan điểm chỉ đạo này đã được quán triệt xuyên suốt.
Hướng dẫn các địa phương xây dựng nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT mới, đặc biệt với ở vùng DTTS miền núi, văn hóa dân tộc chiếm hàm lượng lớn.
Chỉ đạo các cơ sở GD tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân tộc, tái hiện lễ hội, ngày tết dân tộc… Các hoạt động này được tổ chức bài bản trong trường PTDTNT và BT kết hợp với sự phối hợp của ngành văn hóa, thể thao.
Tiêu biểu như: Lễ hội Lồng Tồng ở Trường PTDTNT Lào Cai; tái hiện sinh hoạt thường ngày của dân tộc Mường ở Trường PTDTNT Ngọc Lạc - Thanh Hóa; Lễ hội Cồng chiêng ở các trường DTNT Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai; hát Xoan ở một số trường của Phú Thọ...
Mời chuyên gia, trí thức, nghệ nhân DTTS giới thiệu, truyền dạy văn hóa, nghề truyền thống cho HS trong cơ sở giáo dục. Sắp tới, mô hình này sẽ được triển khai mạnh mẽ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!