Doanh nhân Việt Nam: Gan góc, linh hoạt vượt thử thách

16/10/2020 16:25

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thêm một lần nhấn mạnh tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”. Lời nhắn nhủ ấy của người đứng đầu Chính phủ càng thêm có ý nghĩa khi mà đội ngũ doanh nhân nước nhà năm 2020 đang chiến đấu sống còn với dịch Covid-19.

Thăm dò mới đây tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy một kết quả khá thú vị. Theo đó, trong 10 đầu sách được các doanh nhân tìm đọc nhiều nhất lại không phải tất cả về tiền bạc, quản lý, quản trị hay khởi nghiệp mà có đến 4 đầu sách về sức khỏe. Sức khỏe ở đây là sức khỏe được hiểu theo nghĩa rộng như của Tổ chức Y tế thế giới: “Một tâm hồn khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh”. Điều đó cho thấy, doanh nhân Việt giờ đây không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần.

Có một dạo, hình ảnh của những doanh nhân được mô tả phiến diện theo “môtip” hình dong chải chuốt, xì-gà khói mù mịt, rượu ngoại chảy như suối trước khi “kết hậu” cùng với mỹ nhân. Rõ ràng đó không phải là một hình ảnh đúng về những ai đứng trong đội ngũ doanh nhân đang ngày đêm vất vả vì sự sống còn của công ty, vì doanh nghiệp và vì cả hàng trăm, hàng nghìn lao động và xa hơn là vì sự tồn tại của nền kinh tế đất nước.

Năm 2020, đội ngũ doanh nhân cả nước như nhiều người nói, thực sự đã vào cuộc và thử lửa với đại dịch Covid-19. Dịch bệnh này không còn nghi ngờ gì nữa, vượt ra khỏi một dịch bệnh y tế, dịch tễ thông thường mà mang một dáng dấp của khủng hoảng đa diện, cả về tài chính, thị trường và an sinh xã hội. Doanh nhân cho dẫu chỉ là chủ một doanh nghiệp vài chục lao động hay đến cả trăm nghìn lao động với cơ xưởng hiện đại đều đứng trước sự lựa chọn sống còn giống nhau là tồn tại hay không tồn tại? Muốn tồn tại phải làm gì?

Tồn tại ngắn hay lâu dài là câu hỏi xoáy sâu vào tâm can mọi doanh nhân bởi mỗi đồng vốn hay mỗi người lao động giờ đây không chỉ là mồ hôi, công sức của doanh nhân mà cũng chính là tương lai quyết định sự tồn tại của họ.

Điều đáng mừng là tuy lượng doanh nghiệp đóng cửa thời gian qua không phải là ít, song lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, quay lại hay gia nhập thị trường cũng thuộc vào loại nhiều nhất từ trước đến nay. Qua thử lửa, đội ngũ doanh nhân Việt vẫn chứng tỏ sức sống, vẫn gắn kết với sự tăng trưởng của nền kinh tế và xa hơn là sự phồn vinh của đất nước.

Điều đáng mừng nữa là trong gian khó, đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng không chỉ thuần túy nằm ở con số tăng trưởng về thị phần mà còn tự khẳng định vai trò điểm tựa, bệ đỡ để nền kinh tế không khủng hoảng, cho dẫu phải chấp nhận con số tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Chính trong bối cảnh như thế càng thấy thấm thía hơn lời kêu gọi tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong vai trò người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng cho thấy ông vẫn luôn đặt trọn niềm tin vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của đất nước trong việc hưởng ứng và đồng hành các chủ trương của Chính phủ để đem lại sự ổn định và sức sống của nền kinh tế. Đổi lại, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn luôn tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ với tinh thần “chính sách quý hơn tiền bạc”. Đó là một mối quan hệ đầy tính tương hỗ, qua thử thách, biến cố ngày càng bện để cùng hướng tới mục tiêu chung của đất nước.

Trong nhiều lần tiếp xúc với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, câu hỏi lớn mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nêu lên là làm sao giữ được, không để đổ gãy nền kinh tế, làm sao hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phát triển được. Biện pháp nào, sáng kiến nào, đóng góp nào của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế Việt Nam trong việc phát triển ấy.

Rõ ràng người trả lời câu hỏi lớn ấy của Thủ tướng chính là các doanh nhân Việt. Bởi họ chính là động lực tăng trưởng, là người thủ vai chính trên sân khấu kinh tế. Nền kinh tế cho dẫu hội nhập sâu, rộng thế nào đi nữa thì hình ảnh doanh nhân Việt vẫn và cần phải rõ nét và điều đó cũng có nghĩa là có cả dấu ấn của sự tự lực, tự cường.

Nhớ lại cách nay đúng 75 năm, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vai trò của giới Công Thương trong việc nước nhà thịnh hay suy. Tinh thần tự lực tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chính là sự tiếp nối mạch lạc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là sự gửi gắm, niềm tin và cũng là “đặt hàng trách nhiệm” của Thủ tướng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Mới hay, “quốc gia hưng vong, doanh nhân hữu trách”!

Thanh Lam

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nhân Việt Nam: Gan góc, linh hoạt vượt thử thách" tại chuyên mục Doanh nhân.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.