Xung quanh là phố xá nhộn nhịp, còn khu vực này tập hợp hơn 30 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không nhà cửa đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình... Họ sống trên những chiếc thuyền cũ nát được làm bằng xi măng. |
Con đường từ thuyền lên bờ và ngược lại của xóm chài này được làm bằng tre, gỗ tạm bợ. Trời mưa, con đường tự chế này trở nên trơn trượt. Ngư dân xóm chài cho hay những hôm đó thì chỉ có họ mới tự tin đi lại ở đây, còn người lạ sẽ dễ trượt ngã. |
Cụ Nguyễn Thị Định (76 tuổi, quê Hải Dương) cho biết gia đình bà đã ở đây được khoảng 40 năm. Trước đó, bà cùng chồng con lênh đênh trên sông nước đi đánh bắt cá. "Những người cùng cảnh ngộ cũng hội tụ về đây, sống bám víu vào nhau. Chúng tôi đều không có một tấc đất và chỉ sống trên thuyền. Bão gió thì khổ lắm", cụ bà kể. |
Chồng mất, bà Nguyễn Thị Tưới (63 tuổi) sống cùng con trai và hai cháu nhỏ trên chiếc thuyền cũ kỹ. Bà Tưới cho biết không nhớ thời gian nào gia đình bà bắt đầu sống cuộc đời phiêu bạt với con nước, nhưng có từ thời ông cha. "Trước kia khổ lắm, chúng tôi sống trong cảnh không có điện, thiếu nước sạch, không hộ khẩu, không biết đến con chữ... Nhưng giờ thì đỡ hơn chút vì được chính quyền bố trí kéo cho xóm một đường điện, nước thì mua ở trên bờ nhưng đắt đỏ chút", bà Tưới nói. |
Cũng vì không chịu được cảnh nghèo, mà mẹ của hai đứa trẻ này đã rời đi. Còn bố đứa trẻ phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh để nuôi cả gia đình. Còn hàng ngày, bà Tưới chủ yếu trông cháu. Sợ chúng té ngã xuống sông khi mình bận nấu nướng, người bà buộc phải dùng các thanh gỗ và lưới chắn ngay ở các ô cửa. |
Ông Lê Văn Giang (55 tuổi, quê Hải Dương) cho biết nghề nghiệp chính của bà con nơi đây là thả lưới đánh bắt bắt tôm, cá và ngụp lặn trên sông để tìm sắt vụn để bán. Số tiền có được họ mua gạo và những nhu yếu phẩm cần thiết. "Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ nuôi các miệng ăn trong gia đình mình", ông Giang thở dài. |
Thời gian rảnh trong ngày, nhiều người phải tìm đến những công việc khác để mưu sinh. Ông Bùi Xuân Thành (63 tuổi) cho biết người trẻ, có sức khỏe thì đi khuân vác. Còn ông thì sắm chiếc xe máy cà tàng để chạy xe ôm quanh khu vực thành phố. |
Tối đến các gia đình xóm chài sông Tam Bạc quây quần bên mâm cơm. Gia đình 3 thế hệ với cả chục thành viên của hộ bà Lê Thị Tình (49 tuổi) chen chúc dùng bữa tối trên 2 chiếc thuyền cạnh nhau. Tổ ấm của họ chỉ có vậy. |
Mâm cơm của gia đình ngư dân làng chài nghèo đông con cháu chỉ cá khô rang chấm tương và canh rau. Trẻ nhỏ thì được "ưu ái" mỗi đứa một con tôm. |
Dưới những ánh đèn leo lắt, người dân xóm chài ở Hải Phòng vẫn sống với ước mơ có một ngày sẽ được lên bờ, có đất, có nhà để an cư lạc nghiệp dù điều đó với họ quá xa vời... |