Từ Trung tâm thành phố Pleiku đi về hướng Kon Tum, tơi ngã ba Quốc lộ 14 đi thêm khoản 1,5Km, vượt rừng thông qua con đường dốc là tới Biển Hồ T’nưng. Trong hành trình du lịch Tây Nguyên du khách khó có thể không dừng lại để chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây.
Con đường vào hồ quanh co, được điểm suốt bởi hai hàng thông ba lá, thơm mùi nhựa; tỏa bóng mát cả ngày, mát mẻ kể cả những khi nắng lên. Thắng cảnh lộng lẫy này càng quyến rũ hơn mỗi khi bình minh đến, trong cái lạnh của cao nguyên, hồ thoáng gợn màu ánh bạc của nắng sớm phản chiếu trên mặt nước hồ.
Một phần mặt hồ T’Nưng phẳng lặng
T’Nưng mang nghĩa "biển trên núi", người dân bản địa còn gọi là hồ Ia Nueng. Hồ nằm ở độ cao 500m phía Bắc tỉnh Gia Lai, thuộc xã Biển Hồ, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km. Biển Hồ T’Nưng có diện tích rộng tới 230 ha bao quanh hồ là rừng thông và vách núi. Vào mùa mưa, mặt nước hồ có thể lan rộng ra trên 400 ha với độ sâu lên tới 30 mét, Với diện tích rộng lớn, muốn quan sát kỹ lòng hồ phải mất nhiều ngày.
Biển Hồ T’Nưng được cho là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng triệu năm trước, Hồ được ví như “đôi mẳt Pleiku” làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp thơ mộng,mặt nước mênh mông, mây trời lồng lộng; thoảng trong gió tiếng thông reo vi vu trong tiết trời dịu mát quanh năm. Nhìn bao quát toàn vùng có thể nhận thấy; những cánh rừng thông ven hồ là nơi ẩn náu của các loài chim như: bói cá, cuốc đen... Chim kơ túc, kơ vông thường thấp thoáng trong các cụm hoa sen, hoa súng trên mặt hồ; le le, ngỗng trời thường lặn ngụp trong những bãi lau sậy và trên trời chim chơ rao, chim trắc la bay lượn… Hằng năm, đây được coi là nơi thu hút nhiều loài chim quý tìm về!. Ngoài chim thú, Biển Hồ T'Nưng còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên. Tại đây, thủy sản lòng hồ rất đa dạng bao gồm các loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày. Ngoài ra còn có rùa, ba ba, lươn,... là những loài thuỷ sản sống lâu năm trong các lòng hồ.
|
Khung cảnh thơ mộng tại Biển Hồ T’Nưng. Ảnh: Doãn Vinh |
Không chỉ có giá trị cao về nguồn thủy sản nước ngọt tự nhiên, với vị trí cách trung tâm thành phố Pleiku 7Km, nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng, T’Nưng còn là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước sinh hoạt cho trên 50 vạn dân toàn thành phố Pleiku và nhiều địa bàn nông nghiệp trù phú trong vùng
Biển Hồ T’Nưng hay hồ Ea Nueng là một hồ nước ngọt, được giới khoa học cho là 3 miệng núi lửa cổ thông với nhau; bờ hồ là miệng núi lửa nhô cao nên đứng từ xa vẫn nhìn thấy rõ. Mỗi miệng núi đều tạo ra một vực sâu khó dò đến đáy, nên người ta còn gọi T’Nưng là “hồ không đáy”. Dùng máy hồi âm định vị, các nhà nghiên cứu đã xác định được 3 phễu trũng vốn là 3 miệng núi lửa cổ, hai phễu lớn thông nhau qua một eo khá rộng. Ngày nay, đáy hồ được bồi lấp trở nên khá bằng phẳng và độ sâu cũng đang giảm dần, từ mức trung bình khoảng 20m đến nay chỉ còn trên 16m. Hồ nằm trên địa hình cao, không có sông suối chảy qua nhưng nước chẳng cạn mà còn liên tục thoát ra ngoài qua một con suối. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn cấp nước cho hồ liên quan đến họng núi lửa còn nằm ở dưới đáy sâu.
Mặc dù Biển Hồ T’Nưng đã được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng, từ tháng 11 năm 1988, nhưng đến nay, đây vẫn còn là một thắng cảnh đậm nét hoang sơ. Xung quanh hồ, rừng nối rừng với một màu xanh miên man bất tận, mặt hồ long lanh trong ánh nắng khiến cho lòng người dấy lên những cảm giác khó tả khi được nghe những truyền thuyết rất hấp dẫn về miền đất lạ.
Chuyện cũ có kể lại rằng: ngày xưa tại đây có một ngôi làng tên là T’ Nưng, gái trai của làng đều xinh đẹp, sống chung hòa thuận cùng nhau. Một ngày nọ, trời đất chuyển mình, mây mưa ùn ùn kéo đến …; bỗng từ dưới lòng đất nhiều ngọn lửa phun trào, trong phút chốc đã xóa tan hết cả ngôi làng. Khi lửa tắt, làng chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm, những người sống sót đứng trên miệng hố mà khóc, họ khóc nhiều đến nỗi nước mắt họ đổ đầy hố sâu thành hồ.
Đối với Biển hồ T'Nưng, người Gia Rai còn có nhiều kỷ niệm đau buồn qua một truyền thuyết khác kể lại: Tưa lắm rồi, ngày ấy nơi đây còn là buôn làng sầm uất với những dòng suối nước trong xanh; hàng ngày, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn hòa quyện thành những khúc nhạc rộn rã, âm vang khắp cả núi rừng.Có một năm, trâu bò trong làng đều lăn ra chết, cho là Giàng (Yang) ghét bỏ, dân làng cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai về làm lễ cúng Giàng. Lễ xong, mọi người tin rằng Giàng sẽ phò trợ !. Nào ngờ, mặt đất lại rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống đáy vực sâu, nước tràn về ngập mênh mông, dân làng không còn ai sống sót. Chỉ riêng vợ chồng Mạc Mây đi thăm người thân ở xa nên đã tránh được tai nạn. Về làng, chỉ thấy toàn nước mênh mông, quá bàng hoàng, khiếp sợ Mạc Mây đi báo cho những làng lân cận về tai nạn khủng khiếp này. Người Gia Rai nhớ thương da diết những người đã khuất và luôn xem Biển Hồ là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên.
Người dân tộc Jơ Rai cũng có nhiều chuyện kể về sự tích Biển Hồ mà họ gọi là hồ Ia Nueng. Câu chuyện được nhắc đến nhiều, nói về bến nước uống chung Ia Nueng với nước xanh trong, soi rõ mặt người. Một ngày đến bến Ia Nueng lấy nước, Yă Pôm và Yă Chao phát hiện một con lợn trắng rất đẹp. Yă Chao bắt con lợn về nuôi, hằng ngày cho lợn trắng đủ thức ăn ngon nhưng lợn không ăn gì cả. Một lần, thấy những chiếc bầu đi lấy nước ở Ia Nueng về còn dính những hạt cát trắng và chú lợn con đã liếm hết một cách ngon lành. Sửng sốt trước hiện tượng lạ, hàng ngày Yă Chao đi lấy cát trắng về cho lợn con ăn và lợn lớn nhanh như thổi. Sau 3 lần trăng tròn, chú lợn trắng đã lớn bằng con trâu to khiến cả dân làng đều rất ngạc nhiên. Ngày ấy, dân làng làm nhà rông mới và cắt cử người đi tìm một con lợn to để cúng Yàng và làm lễ ăn mừng. Những người đi tìm kiếm khắp nơi không lấy đâu ra con lợn to như già làng mong muốn, họ liền trở về nhà Yă Chao xin bắt con lợn trắng để làm thịt. Dù có đổi bao nhiêu tài sản của làng, Yă Chao cũng đều kiên quyết từ chối, không chịu nhận. Cuối cùng họ cử 2 người to khỏe nhất đến bắt cho bằng được con lợn trắng về làm thịt cúng Yàng và chia đều cho các gia đình trong làng để cùng ăn mừng. Riêng Yă Chao không nhận thịt và thề rằng: "Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp lở". Oái ăm thay, đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon đòi ăn và khóc lóc suốt cả ngày đêm, bà vợ Yă Chao không cầm được lòng, phải cho đứa cháu nhỏ ăn thịt lợn trắng. Thế rồi, bỗng chốc trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, tất cả dân làng đều bị vùi lấp. Hai bà cháu Yă Chao chạy không kịp, bị nước nhấn chìm biến thành tượng đá ở dưới đáy hồ…
Ngày nay lời ca “Em đẹp thế Pleiku ơi, Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi. Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy…..” chỉ là một câu hát trong bài Đôi Mắt Pleiku, và với một câu hát này người nghe có thể mường tượng ra vẻ đẹp của người con gái núi rừng. Đôi mắt của nàng được ví như Biển Hồ đầy, trong vắt, xanh thẳm, vừa tràn đầy sức sống ban sơ hoang dã, lại nừa dịu dàng đằm thắm hết mực. Khí hậu Tây Nguyên dường như chẳng chiều lòng người, khi chỉ mang đến cho nơi đây sự oi ả, nóng bức! Thế nhưng Biển Hồ T’Nưng lại vô cùng ưu ái cho “đôi mắt Pleiku”, bởi thời tiết ở đây luôn mát mẻ, dễ chịu; tạo ra một không khí trong lành, thơm mùi cây cỏ để thu hút du khách từ nhiều phương đến.
Đến Gia Lai, ghé thăm Biển Hồ bên phố núi Pleiku,khách vãng lai ai nấy đều bị quyến rũ bởi thắng cảnh có một không hai này. Xung quanh thắng cảnh hữu tình ngày nay còn ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị. Có lẽ vì điều này mà nhiều người còn ví Biển Hồ như một viên ngọc xanh giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên hoặc là “đôi mắt” trong veo của phố núi thơ mộng Pleiku…
Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ Hà Nội
Mob 0829848231; Email Lethanhy 05@gmail.com
File Biển hồ T’Nưng 3.2021