Thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em

25/10/2019 03:30

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Để đạt được kết quả này, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

Vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao

Chú thích ảnh

Sáng 18/10/2019, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt thân mật các nữ đại biểu là cán bộ quản lý, nhà khoa học của ngành giáo dục. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày càng tham gia và phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thời gian qua có chiều hướng ngày càng tăng. Theo kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV, đã có 133 người là nữ giới trúng cử, chiếm 26,8%, đưa Việt Nam vào nhóm có tỷ lệ nữ đại biểu cao ở khu vực, xếp thứ 2 ASEAN và xếp thứ 43/143 nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đồng thời, triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thẩm định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới ở các bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định với nỗ lực của các cấp, các ngành đã mang lại một số kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới: Hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội.

Việc lồng ghép bình đẳng giới đã được các bộ, ngành quan tâm thực hiện và từng bước có hiệu quả thiết thực. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình.

Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…

Thực thi những chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ

Phân tích về kết quả thực hiện bình đẳng giới, công tác hội và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương đánh giá những năm gần đây, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội đã được nâng lên đáng kể.

Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phụ nữ, có các giải pháp cụ thể, rõ nét, hiệu quả hơn trong công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị; quan tâm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết vào các chính sách, chương trình, kế hoạch.

Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ, ngành, tỉnh, thành được kiện toàn, nâng cao hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới gắn với những vấn đề đặt ra trong thực tiễn được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu về công tác phụ nữ, về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc và toàn diện.

Một số nơi vẫn cho rằng công tác phụ nữ, bình đẳng giới là trách nhiệm của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ. Nội dung, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới và công tác phụ nữ chưa thực hiện thường xuyên, thiếu nguồn lực, chưa thu hút được sự tham gia của nam giới nên hiệu quả chưa cao.

Tài liệu tuyên truyền, bản tin sinh hoạt chi bộ và các tài liệu thông tin của cấp ủy, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri… ít đề cập đến vấn đề phụ nữ và công tác phụ nữ. Việc bổ sung, điều chỉnh nội dung giáo dục giới tính và giới trong nhà trường còn chậm; tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Mặc dù nam giới chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm đối với con cái và các công việc nội trợ nhưng nhìn chung công việc gia đình vẫn được coi là trách nhiệm của phụ nữ.

Những hạn chế trên đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác phụ nữ và sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, các đoàn thể trong đó có vai trò quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bản thân người phụ nữ cần tích cực phấn đấu, vươn lên, khẳng định được vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.

Bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Để mang lại hiệu quả tốt trong công tác bình đẳng giới, nhiều hoạt động phối hợp, ký kết giữa các cơ quan chức năng đã được thực hiện với mục đích đem lại sự an toàn, bình yên cho phụ nữ và trẻ em.

Với vai trò là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, Hội đã và đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, kiến thức cho phụ nữ và cộng đồng, đặc biệt là nam giới về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình.

Đồng thời, vai trò tham mưu, giám sát, phản biện của các cấp Hội được phát huy trong thực hiện luật pháp, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình. Hội quan tâm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; tham mưu đề xuất các chính sách, chương trình khuyến khích nam giới chia sẻ công việc gia đình; tăng cường chế tài và đồng bộ hóa các hoạt động hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình.

Lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động

Có thể thấy, điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật ở trong nước.

Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững phải dựa trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó phải đảm bảo để không có ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cho rằng trong quá trình phát triển đất nước, bên cạnh việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế còn ý thức rất rõ về yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, an sinh, an toàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, nhất là ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng đề nghị từng cấp thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những việc làm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng; huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Các cấp thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ cần tuyên truyền, giáo dục, động viên, hỗ trợ để phụ nữ, trẻ em và từng gia đình hiểu được quyền, trách nhiệm của mình và có kỹ năng để tạo lập môi trường sống, học tập, làm việc an toàn, lành mạnh; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện trong việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em...

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết "Thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em" tại chuyên mục Giới thiệu Doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.