Thành lập vào năm 2013, thiết bị của công ty eFishery do Farizy sáng lập giúp người nuôi trồng thủy sản có thể lập trình thời gian ăn cho cá, thông qua ứng dụng điện thoại di động kết nối với máy cấp thức ăn đặt ngay sát hồ nuôi. Ví dụ, muốn cho cá ăn 150gram vào lúc 7h, 50gram vào 15h và 100gram lúc 23h, người nuôi sẽ nhập thông tin này vào ứng dụng để điều khiển máy phân bổ đúng lượng thức ăn vào ao theo giờ lập trình. Hệ thống kết nối điện toán đám mây nên người nuôi có thể thao tác trên điện thoại thông minh dù đang ở bất cứ đâu.
Máy cấp thức ăn có hai kích cỡ, có thể sử dụng cho ao nuôi diện tích lên tới 100m2. Loại nhỏ có thùng chứa thức ăn 12kg, còn loại lớn là 65kg, giá vào khoảng 500 USD (hơn 11 triệu đồng). Với những hộ ngư dân khó khăn, công ty cũng có dịch vụ cho thuê hệ thống này với mức 23 USD (500.000 đồng) mỗi tháng.
Công ty đang phát triển một cảm biến lắp đặt trong ao để có thể nhận biết cá đang đói hay không, thông qua theo dõi sự di chuyển của chúng và những gợn sóng trong nước. Theo đại diện eFishery, cá bơi mạnh hơn khi đói, do đó sẽ tạo nhiều sóng hơn. Bộ cảm biến dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018, có công dụng kích hoạt thời gian cho ăn và tự động dừng quá trình nếu nhận thấy cá đã no, giúp tiết kiệm lượng thức ăn hơn.
CEO trẻ tuổi hy vọng công nghệ này có thể giúp các hộ chăn nuôi tối ưu hóa năng suất. “Chúng tôi gọi eFishery là IoT - Internet vạn vật cho người nuôi cá và tôm”, Farizy chia sẻ.
Ý tưởng về hệ thống cho ăn tự động đến với Farizy khi anh gặp trục trặc với mô hình nuôi cá trê của mình, từ lúc còn là sinh viên năm hai. “Khó khăn lớn nhất với tôi là chi phí thức ăn cho cá. Vấn đề nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng giải quyết được”.
Theo nghiên cứu của công ty eFishery, thức ăn chiếm 70-80% tổng chi phí việc nuôi trồng thủy sản. Ở nhiều địa phương, lao động thiếu kỹ năng cũng khiến việc cho cá, tôm ăn không đồng đều, dẫn đến những con cá mạnh hơn lấy nhiều thức ăn, trong khi số còn lại của đàn bị đói, gây sút giảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. “Hệ thống của chúng tôi có thể cắt giảm 21% chi phí thức ăn, cải thiện sự phát triển của đàn cá. Nước sẽ ít ô nhiễm do thức ăn thừa, từ đó cá cũng khỏe mạnh hơn”, Farizy cho biết.
Trong gần 2 năm đầu khi mới thành lập công ty, Farizy và các cộng sự chỉ tập trung vào xây dựng và thử nghiệm liên tục nền tảng công nghệ. Tìm đến các công ty ngư nghiệp lớn để chào hàng, thế nhưng mô hình ban đầu chưa được thị trường đón nhận. Farizy càng quyết tâm hoàn thiện sản phẩm của mình và tìm cách kết nối với các trang trại nhỏ, thuyết phục ngư dân, những người vốn e dè với công nghệ sử dụng sản phẩm của mình. Đến nay, công ty có hơn 500 khách hàng và hệ thống eFishery đã áp dụng với hơn 20.000 hồ nuôi cá tôm trong thị trường nội địa.
Dự án khởi nghiệp này nhận nhiều giải thưởng như giải nhất Spark Fire Pich tại Hội nghị Doanh nghiệp toàn cầu diễn ra tại Kenya năm 2015, giải Tech4Farmers Challenge của Trung tâm phát triển quốc tế Mỹ và cũng là một phần trong chương trình Thúc đẩy khởi nghiệp của Google, tập trung vào những thị trường mới nổi... Dự án được tạp chí Forbes đánh giá là cuộc cách mạng hóa cho ngành nuôi trồng thủy sản tại Indonesia.
CEO Farizy lọt vào top 30 gương mặt nổi bật có sức ảnh hưởng dưới tuổi 30 của châu Á - “30 Under 30” do tạp chí Forbes bình chọn năm 2017.
Ý tưởng này nhận được 1,2 triệu USD vốn đầu tư từ Aqua-Spark, quỹ đầu tư nuôi trồng thủy sản của Hà Lan và công ty đầu tư Ventosourse của Indonesia. Dự kiến eFishery sẽ mở rộng thị trường qua Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 3 năm tới.
Nhưng kỳ vọng của chàng CEO trẻ không chỉ dừng lại ở đấy. “Giá trị thật sự của kinh doanh qua IoT chính là việc thu thập dữ liệu. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra những dự đoán có tính chính xác cao trong ngành ngư nghiệp, kết nối ngư dân với người mua và với nhà sản xuất”. Dự định tương lai của Farizy là biến công ty trở thành một nền tảng cho người nuôi thủy sản qua việc thâu tóm dữ liệu về các đặc tính sinh trưởng, phát triển và sinh sản của cá, tôm.