Cương quyết xử lý vi phạm khi phát hiện
Thực hiện Quyết định số 49/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thanh tra, kiểm tra thường xuyên trong năm 2019, Quyết định số 1969/QĐ-UBND về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các nội dung có phạm vi quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Sở do UBND tỉnh giao nhiệm vụ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc do phản ánh của báo chí, kiến nghị của người dân.
Một góc TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra với 21 cuộc với tổng số 37 đơn vị trong đó thanh tra hành chính là 4 cuộc/4 đơn vị, xử lý vi phạm 4 đơn vị với nội dung: Lập, điều chỉnh và quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020 còn chậm, chưa sát với thực tế; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có kế hoạch sử dụng đất, có trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu) chậm và có thiếu sót về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục. Lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; Giao đất không đúng đối tượng, không đủ điều kiện giao đất tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá; Lập hồ sơ tách thửa không đúng quy định, không đúng quy hoạch sử dụng đất, không đảm bảo diện tích, kích thước thửa đất để tách thửa theo quy định.
Vụ phá rừng tại tiểu khu 251, xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2019
Với những vi phạm hành chính trên Sở TN&MT đã kiến nghị yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý kỉ luật theo mức độ vi phạm đối với cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra vi phạm, kiến nghị UBND tỉnh giao Thanh tra tiến hành thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đối với 92 trường hợp giao đất không đúng đối tượng, giao đất tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá.
Về thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 12 tổ chức vi phạm về lĩnh vực đất đai với các vi phạm như chưa lập hồ sơ thuê đất, chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, sử dụng đất khi chưa lập các thủ tục thuê đất, không đưa đất vào sử dụng, diện tích đất đang sử dụng đã hết hạn, sử dụng đất ngoài ranh đất xin thuê từ đó kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tổ chức, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án, thu hồi đất đối với 1 tổ chức, yêu cầu lập, bổ sung các thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 10 tổ chức; Về lĩnh vực khoáng sản qua quá trình tranh kiểm tra đã phát hiện 10 tổ chức vi phạm với các nội dung vi phạm như: chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ, tiến hành khai thác, chưa đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, chưa lắp đặt trạm cân,...vv qua đó đã kiến nghị tước giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn đối với 2 tổ chức, xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức, yêu cầu lập, bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định đối với 6 tổ chức; về lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đã phát hiện 5 tổ chức.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Chính sách đất đai chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa rõ ràng còn nhiều bất cập với nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một điều, khoản của văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến gặp khó khăn trong công tác tham mưu cũng như chưa mạnh dạn tham mưu trong việc thực hiện hồ sơ liên quan đến đất đai. Mặt khác sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017 trên cùng đối tượng rừng và đất rừng sản xuất, phòng hộ và đây cũng là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hồ sơ cũng như thu hút đầu tư trên địa bàn mà chỉ số đất đai là một trong những thành phần để đánh giá.
Với lượng công việc lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thế nhưng lực lượng cán bộ công chức còn mỏng ảnh hướng đến tiến độ thực hiện hồ sơ đất đai cũng như trong công tác tham mưu thực hiện các định hướng, chương trình chiếm lượng lớn của ngành; tiến độ xây dựng sơ sở dữ liệu đất đai của tổ chứ, hộ gia đình cá nhân còn chậm gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai; Công tác tác phối hợp các sở, ban ngành, địa phương chưa đi vào thực chất, nhất là công tác xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, công tác tổng hợp báo cáo, đánh giá chương trình, nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Số liệu báo cáo của các huyện, thành phố liên quan đến đất đai qua mỗi lần báo cáo là một số liệu khác nhau, không đầy đủ thông tin; có khi báo cáo sau tỉ lệ cấp Giấy chứng nhận (GCN) cho các hộ dân còn ít hơn báo cáo trước. Mỗi khi UBND tỉnh yêu cầu báo cáo theo một chuyên đề nào đó thì không có số liệu, dẫn đến báo cáo thường không đúng thời gian quy định. Ngoài ra sự gắn kết, đồng bộ giữa các quy hoạch của các ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các ngành trong công tác thẩm định các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả, thường vẫn ngành nào cấp thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì đó là trách nhiệm của ngành đó, cấp đó cho nên việc đảm bảo lôgic giữa bản đồ với số liệu, cũng như giữa các ngành với nhau chưa thực sự được đề cao dẫn đến việc thực hiện quy hoạch của mỗi ngành mỗi khác.
Từ đó công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện, mặc dù Sở TN&MT đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT giám sát, kiểm tra và rà soát chặt chẽ công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn chưa tốt dẫn đến hồ sơ quy hoạch chưa đạt như mong muốn, ngoài ra công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chưa thực sự hiệu quả, tỉ lệ thực hiện rất thấp (khoảng 15-20%) trong khi đề nghị bổ sung kế hoạch trong năm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc chung.
Châu Phụng - Bá Vương