Nhà hàng Hàn Quốc vắng khách vì dịch Covid-19 ảnh: võ hóa
Tăng biện pháp phòng dịch
Tổ hợp tòa nhà văn phòng Charmvit và khách sạn Grand Plaza đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) do doanh nghiệp Hàn Quốc làm chủ đầu tư là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như công dân nước này lưu trú vào diện đông nhất Hà Nội. Những ngày gần đây, tổ hợp này xuất hiện thêm các biển báo có nội dung về cách phòng chống dịch bằng tiếng Anh lẫn tiếng Hàn Quốc. Chị Thanh, lễ tân tòa nhà cho hay, phương án phòng chống dịch đã được thực hiện từ trước. Sau khi có thông tin dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc, công tác phòng dịch càng quyết liệt hơn.
“Tòa nhà có nhiều công ty và người Hàn Quốc làm việc, sinh sống nên chúng tôi mua thêm nước khử trùng, in dán các biển bảng có cả tiếng Anh lẫn tiếng Hàn Quốc ở thang máy, cửa ra vào để mọi người nâng cao ý thức. Đặc thù công việc phải tiếp xúc với nhiều người nước ngoài nên chúng tôi cũng được khuyến cáo sử dụng khẩu trang, nước khử trùng thường xuyên”, chị Thanh nói.
Chị Hương, một nhân viên truyền thông đang làm việc tại tòa nhà HITC, đường Xuân Thủy, nơi có nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản sinh sống cho rằng, người nước ngoài có ý thức phòng chống dịch rất cao. “Mọi người luôn đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện và rất tuân thủ các hướng dẫn. Tôi cho rằng không phải người Hàn Quốc nào cũng mắc bệnh nên cần hiểu biết và thực hiện đúng các chỉ dẫn của cơ quan chức năng”, chị Hương nói.
Tại tòa nhà Keangnam - một khu tập trung đông đúc người Hàn Quốc khác tại Hà Nội trên đường Phạm Hùng, sự lo ngại về lây lan dịch bệnh cũng đã tăng lên. Theo quan sát của phóng viên chiều 24/2, tại các siêu thị bán hàng Hàn Quốc (có biển bảng, hướng dẫn bằng tiếng Hàn) tại đây, lượng khách đông hơn thường lệ. Khách hàng nam, nữ người Hàn Quốc hầu hết đeo khẩu trang đang mua hàng tích trữ để tránh phải đi mua nhiều lần, tránh tụ tập đông người.
Nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản vắng khách
Lúc 11h15 trưa ngày 24/2, dọc con phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), hàng chục nhà hàng, quán ăn Hàn Quốc không còn tấp nập như thường lệ, số lượng khách hàng thưa thớt. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, Quản lý nhà hàng Hàn Quốc - Neul Bom (quận Cầu Giấy) cho biết, ngày trước nhà hàng là địa điểm được nhiều người Hàn Quốc lui tới, bởi chủ và đầu bếp là người bản địa nên thực đơn đa dạng, giá cả phải chăng, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, lượng khách đến nhà hàng đang giảm dần vì dịch bệnh.
“Thời điểm trước khi xuất hiện dịch, mỗi ngày nhà hàng đón từ 60-70 người Hàn Quốc, khách Việt Nam không nhiều. Dù vậy, từ khi có tin số lượng người mắc bệnh ở Hàn Quốc gia tăng thì khách hàng giảm đến 60%. Họ ngại đến nhà hàng vì sợ tiếp xúc với người mới sang. Nhà hàng có nhiều hình thức giảm giá, tặng nước tẩy trùng, khẩu trang nhưng vẫn chưa thể kéo khách hàng trở lại. Ông chủ người Hàn Quốc đang tính toán thu chi, nếu tình hình không cải thiện sẽ phải cắt giảm nhân công”, chị Quỳnh nói thêm.
Bà Đặng Thị Hoa, chủ nhà đang có 10 người Hàn Quốc thuê tại trên đường Nguyễn Thị Định cho biết, do những người thuê đã ở Việt Nam từ lâu nên rất yên tâm. Dù vậy, một vài khách hàng phải hủy các chuyến bay về quê khi biết tin dịch đang bùng phát ở Hàn Quốc, ảnh hưởng lớn đến công việc, cuộc sống. Theo bà Hoa, dù chủ nhà biết tiếng Hàn Quốc nhưng vẫn cho in tài liệu hướng dẫn cách phòng dịch Covid-19 bằng tiếng Hàn Quốc treo ở thang máy, nhà vệ sinh để khách hàng chủ động phòng trách dịch.
“Chúng tôi thường xuyên khai báo số lượng, thời gian khách đến thuê nhà để chính quyền nắm bắt được thông tin. Nếu có khách hàng nước ngoài mới, đặc biệt đến từ Daegu và Bắc Gyeongsang chúng tôi sẽ thông báo ngay cho cơ quan chức năng, lên phương án kiểm tra sức khỏe trước khi cho thuê phòng”, bà Hoa nói thêm.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ có nhà hàng Hàn Quốc bị ảnh hưởng, nhiều cửa hàng thức ăn nhanh, đồ dùng Nhật Bản trên đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Linh Lang… cũng chung tình cảnh vắng khách. Do chi phí thuê mặt bằng, nhân công cao nên nhiều chủ nhà hàng tính đến phương án tạm dừng, đóng cửa.
Tại các khu chung cư, việc kiểm soát lây lan dịch bệnh từ người Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bắt đầu được triển khai. Anh Lê Thanh Hải, bảo vệ khu chung cư H2A trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, hiện chưa có chỉ đạo cụ thể nhưng ban quản trị cho rà soát, lập danh sách những người từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong vòng 14 ngày trở về trước tính từ khi các quốc gia này bùng phát dịch để báo cơ quan chức năng có phương án phòng chống dịch. “Chúng tôi thực hiện tuyên truyền về dịch bệnh bằng cả tiếng Anh, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản”, anh Hải nói thêm.
Tòa nhà Charmvit cho dán biển báo có nội dung về cách phòng chống dịch bằng tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu tính ước lượng, hiện Hà Nội có khoảng 20 – 25 nghìn người Hàn Quốc. Ông Chung yêu cầu các đơn vị quận huyện rà soát toàn bộ số lượng người nước ngoài. Địa bàn tập trung người Hàn Quốc nhiều nhất là quận Nam Từ Liêm, với 9.127 người, quận Bắc Từ Liêm với hơn 3.000 người, quận Cầu Giấy với 3.064 người, quận Thanh Xuân có 1.600 người, trong đó 1.200 ở Royal City, 200 người ở phường Nhân Chính và 200 người ở các khu chung cư tại phường Thanh Xuân Trung.