Minh Mạng là Hoàng đế của Vương triều Nguyễn có công đầu mở mang bờ cõi nước Việt. Bản đồ Việt Nam ngày hôm nay gần giống như thời Minh Mạng, các tỉnh, thành nước ta trong vòng vài thập kỷ qua cứ sát sát, nhập nhập để rồi lại gần như trở về với cách phân chia của vị Hoàng đế này, cách đây gần hai thế kỷ.
Lăng Hoàng đế Minh Mạng ở Huế. Ảnh: Trịnh Sinh
Ông có công khai phá miền đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng cương giới trên đất liền. Nhưng một điều ít ai biết được: Ông là người có tầm nhìn hướng biển đi trước thời đại. Chỉ tiếc là những vị Hoàng đế sau ông lại chủ trương ngược lại: “bế quan tỏa cảng”, không thích nghi được với thời cuộc, để đất nước nhanh chóng bị rơi vào thế cô lập trước làn sóng phương Tây mà rồi kết cục rơi vào tay thực dân Pháp.
Minh Mạng đã sở hữu một đội chiến thuyền mạnh mẽ, đông đảo. Những chiến thuyền này ngày đêm bảo vệ biển đảo. Đôi khi những chiếc thuyền lớn lại còn là thuyền có lầu cao, thỉnh thoảng rước Hoàng đế và Hoàng tộc đi thăm thú vùng biển của đất nước. Hình ảnh của những chiếc chiến thuyền này được tuyển chọn thành 7 loại và được khắc trên 7 trong số 9 cái đỉnh (Cửu đỉnh) vẫn còn được bày ở sân Thế Miếu, trong Đại Nội (Huế) ngày hôm nay.
Có thể kể được các loại chiến thuyền này như sau:
Thuyền lớn nhất thời này là Đa Sách Thuyền, vì thuyền có nhiều cánh buồm và cột buồm. Có thể gọi Đa Sách Thuyền là tàu biển cũng được. Thuyền loại này dùng đi biển, sông lớn và vượt cả đại dương, đi được xa lâu ngày.
Lâu Thuyền là thuyền khá to, có lầu lớn, đẹp trên thuyền. Lâu thuyền dùng cho Hoàng đế và Hoàng tộc đi trên sông Hương hay đi ven biển để thăm thú và duyệt binh.
Ô Thuyền là loại thuyền chuyên đi biển, sơn màu đen cả thân và cánh buồm, thuyền có 12 tay chèo. Với khả năng di chuyển nhanh, thuyền được trang bị cho hải quân tuần tiễu vùng ven biển.
Mông Đồng Thuyền là thuyền có nhiều tay chèo, đây là phương tiện thủy chiến lợi hại trang bị cho hải quân để đi sông lớn và ven biển.
Hải Đạo Thuyền là loại thuyền chuyên chiến đấu trên biển, được sản xuất khá nhiều do kích thước gọn, nhẹ khả năng cơ động, linh hoạt cao trong các trận hải chiến.
Ngoài 5 loại thuyền trên có có Đỉnh Thuyền chuyên dành cho các lễ hội và Lê Thuyền là thuyền dành cho việc hộ giá Hoàng đế mỗi khi đi trên sông biển.
Với đội chiến thuyền mạnh mẽ, hải quân đầu thời Nguyễn đã là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trong khu vực. Không những chỉ chiến đấu ở vùng sông lớn, ven biển, chủ yếu là tiêu diệt bọn cướp biển, mà chiến thuyền nhà Nguyễn còn vượt biển đi đến các đại dương xa xôi. Những chuyến đi xa trên biển như vậy, thuyền lớn đã chở các vị quan chức đi giao lưu, học hỏi, giao thương với các nước khác.
Thống kê cho thấy, trong thời gian từ năm 1778 đến năm 1847, có nhiều chuyến xuất ngoại đi xa của thuyền nước ta: 11 chuyến đi Batavia, 2 chuyến đi Semarang, 6 chuyến đi Singapore, 2 chuyến đi Penang, 1 chuyến đi Malacca, 1 chuyến đi Johor, 2 chuyến đi Luzon. Đặc biệt, có 2 chuyến đi Tiểu Tây Dương (tức vùng biển Ấn Độ Dương). Đó là chuyến đi đến trấn Minh Ca thuộc nước Hồng Mao, khi đó là thuộc địa của nước Anh (tức thành phố Calcutta, thủ phủ của bang Tây Begal của Ấn Độ).
Vậy là, với những chiến thuyền lớn, các quan chức và thủy quân nhà Nguyễn đã vượt biển khơi đến được các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines và Ấn Độ. Như vậy đủ biết hải quân nước ta thời Nguyễn đã tung hoành khắp nơi ở Đông Nam Á lúc bấy giờ. Thời Minh Mạng cũng là thời thịnh trị, nhiều cải cách lớn và đặc biệt Hoàng đế Minh Mạng đã rất chú ý đến mở mang bờ cõi và kiểm soát Biển Đông. Ngay Biển Đông cũng đã được khắc trên Cửu đỉnh với tên gọi là Đông Hải.
Hoàng đế Minh Mạng là một ông vua có tài “nhìn xa thấy rộng”. Ông đã nhận thấy vai trò của Biển Đông quan trọng với nước ta cũng như đã xây dựng được lực lượng Hải quân mạnh trong 21 năm trị vì của ông. Ông đã ban bố các quy chế cho các đội tàu thuyền như: Tuần dương chương trình, tuần thuyền quy thức, tuần dương xử phận lệ... Ngoài một số tàu thuyền được đóng bằng gỗ tốt, ông còn cho đóng các tàu bọc đồng để đi biển dài ngày và chắc chắn như các tàu: Phấn Bằng, Thụy Long, Định Dương, Bình Ba...
Minh Mạng cũng đã củng cố các tuyến phòng thủ ven bờ biển, cho đắp Trường Thành ở Quảng Bình, Hùng quan ở Hải Vân, các pháo đài ven bờ biển xung yếu như Thuận An, Tư Dung... Bên cạnh đó, ông cũng cho sắm sửa hỏa pháo của phương Tây để kịp “hiện đại hóa” vũ khí, cảnh giác với hiểm họa của chính làn sóng thực dân phương Tây đang rình rập.
Hình Đa Sách Thuyền được khắc trên Cửu đỉnh. Ảnh: Trịnh Sinh
Trong các điểm ven bờ, Minh Mạng đánh giá “nơi xung yếu thì không nơi nào sánh được bằng vịnh Sơn Trà, tàu nước ngoài đến nước ta chỉ có nơi này có thể đậu được, nhưng nơi này nặng chướng khí, có hơn 10 giếng nguy hiểm” và ông lệnh cho phải chú ý phòng bị nơi xung yếu này kỹ càng. Ông cũng đánh giá “phần lớn đất đai ven biển, thủy quân là quan trọng nhất”.
Vì vậy, Minh Mạng đã cho Đại thần Trương Đăng Quế học tập đội hình thủy chiến của phương Tây để rút kinh nghiệm xây dựng đội chiến thuyền nhà Nguyễn. Ông cũng cử thợ Việt Nam phỏng theo phương Tây để chế tạo xe ca chạy hơi nước, để rồi tạo ra tàu thuyền chạy bằng hơi nước, ở giai đoạn mò mẫm ban đầu. Ông cũng sai Bộ Công biên tập sách Hải Trình Tập Nghiệm, lệnh cho các nơi ven biển phải vẽ bản đồ trong vùng mình kiểm soát.
Nhờ có tầm nhìn về biển sâu sắc và có đội chiến thuyền giỏi, Minh Mạng đã có được lực lượng Hải quân rất mạnh, đóng góp vào việc xây dựng đất nước hùng cường, yên bình. Ông trị vì từ năm 1820 đến 1840. Vào thời ông, nhiều toan tính của các nước phương Tây đều phải co lại vì nước ta có một lực lượng quân sự, nhất là Hải quân đáng gờm trong khu vực.
Theo Biên phòng