Các bị cáo tại phiên tòa
Theo cáo trạng, Vũ Tiến Hiệp được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Hà Nội từ ngày 16/12/2009. Ngày 28/1/2015, Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội ký quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng với thời hạn 5 năm.
Ngày 5/8/2010, do thiếu kinh phí hoạt động như trả lương cho nhân viên, thuê văn phòng làm việc, thuê giáo viên thỉnh giảng và các khoản nợ trước đó do ký hợp đồng liên kết đào tạo, Hiệp chỉ đạo Nhạn đưa ra các thông tin trường này được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề mặc dù không được phép tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề. Sau đó, Nhạn liên hệ với các Cty, doanh nghiệp và Hiệp trực tiếp ký các hợp đồng dịch vụ đào tạo, mở lớp học, thi sát hạch.
Tiếp đó, Hiệp thuê 2 giáo viên đến các đơn vị đã ký hợp đồng dạy và kiểm tra sát hạch còn Nhạn phụ trách làm chứng chỉ. Ngoài ra, các cá nhân có nhu cầu làm chứng chỉ chỉ cần nộp hồ sơ mà không cần đào tạo và thi sát hạch. Mỗi chứng chỉ, Hiệp và Nhạn bán từ 300.000 - 500.000 đồng; chứng chỉ nâng bậc thợ giá 50.000 đồng/chiếc.
VDO.AI
Thông tin của khách hàng được Nhạn tiếp nhận và nhập vào máy tính sau đó in lên phôi đặt mua từ bên ngoài, đóng dấu đỏ, dấu nổi của trường nghề, dấu tên và dấu chữ ký của Hiệp lên chứng chỉ.
Các đối tượng Mai Hiển Quế (SN 1988) và Phạm Thị Phương Thanh (SN 1990, cùng ở Phủ Lý, Hà Nam) biết Trường trung cấp nghề Hà Nội làm và bán chứng chỉ đã đăng quảng cáo trên trang cá nhân sau đó lấy thông tin của khách hàng cho Nhạn làm chứng chỉ với giá 500.000 đồng để bán lại với giá 800.000-1.200.000 đồng/bộ kiếm lời.
Quá trình điều tra xác định, các đối tượng đã ký hợp đồng với 27 Cty, doanh nghiệp và hơn 100 cá nhân thu lời bất chính hơn 1 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Hiệp đã nộp lại 510 triệu đồng, Nhạn nộp 510 triệu đồng để khắc phục hậu quả.