Người dân bến Tre chắt chiu từng giọt nước ngọt
Người dân Bến Tre đạp xe hơn chục cây số để xin nước ngọt về sinh hoạt
Hiện nay, mặn xâm nhập gần như bao trùm khắp các tỉnh ĐBSCL khiến cho đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Điển hình như tại Bến Tre, mặn (1‰) đã xâm nhập toàn tỉnh, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, cây trái mà nhu cầu về nước sạch phục vụ người dân cũng vô cùng bức bách. Ông Nguyễn Văn Bửu ở xã Phú Hưng (TP Bến Tre) chạy gần chục km để xin nước ngọt về sử dụng trong gia đình. Ông cho biết, dưới sông giờ mặn đắng, còn nước máy cũng rất khó tắm vì ngứa ngáy nên chạy đi xin nước ngọt về nấu ăn và sinh hoạt cho đỡ chi phí.
Người dân chia sẻ từng giọt nước ngọt
Lão nông Nguyễn Văn Trọng ở xã Phong Nẫm (Giồng Trôm) sống gần cuối đời ở xứ này nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh hạn mặn khủng khiếp như năm nay. "Năm 2015 - 2016 mặn khắc nghiệt nhưng vẫn chưa bằng năm nay", lão nông 82 tuổi nói.
Lão nông Nguyễn Văn Trọng
Hằng năm gia đình ông Trọng trang bị gần chục cái hồ chứa nước ngọt để sử dụng quanh năm nhưng giờ vẫn không đủ dùng do mặn đến sớm và kéo dài. Trong khi khu vực ông ở đến nay vẫn chưa có nước sạch kéo đến mà phải mua nước ngọt với gia đắt đỏ sử dụng hằng ngày.
Người dân bơm nước ngọt vào can để trữ sinh hoạt
Anh Hà Quốc Cường, Bí thư Tỉnh đoàn Bến tre cho biết, tranh thủ độ mặn ít, có nước ngọt nên trong sáng nay (1/3) đã huy động hàng chục bạn ĐVTN hỗ trợ người dân đắp đập ngăn mặn, trữ nước ngọt trong mương vườn để sinh hoạt và tưới cây. Đồng thời, vận động xà lan hỗ trợ nước ngọt phục vụ cho người dân. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ máy lọc nước mặn thành ngọt, nước sạch để phục vụ cho dân trong mùa hạn mặn.
Sà lan chở nước ngọt phục vụ người dân
Tại Tiền Giang, hàng nghìn ha cây ăn trái cũng đang trong cảnh thiếu nước do hạn mặn. Chính vì thế nông dân không còn cách nào khác để cứu vườn cây của mình là mua nước ngọt để cứu cây ăn trái.
Kênh cạn khô ở Tiền Giang
Chiếc ghe nằm trên cạn
Tại Sóc Trăng, hạn mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà khiến nhiều người phải rời bỏ làng quê đi làm thuê xa. Điển hình là tại ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng). Bà Châu Thị Sa Ly, năm nay 60 tuổi là Chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ ấp Giồng Chát cho biết, toàn ấp có 848 hộ với 3.573 nhân khẩu; dân tộc Khmer chiếm gần 90%. Hạn mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa và hoa màu khiến người dân phải rời quê đi làm thuê. "Hầu như những người trẻ trong ấp đều rời quê lên Bình Dương làm thuê, chiếm khoảng 70 - 80%, còn lại người già ở nhà nuôi cháu, có khi đi cả gia đình", bà Sa Ly nói.
Hoa màu chết khô
ao nuôi tôm khô cằn
Nhà bà Sa Ly có 0,3 ha trồng ớt, hành lá và dưa hấu, đầu tư gần 30 triệu đồng đến gần thu hoạch thì chết rụi vì không có nước tưới. Giờ còn nợ tiền đại lý vật tư nông nghiệp không biết lấy đâu trả.
Bà Châu Thị Sa Ly
Hoa màu chết queo tại ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng
Ruộng khô cằn ở Sóc Trăng
Gia đình bà có 6 người con nhưng đã 5 người đi lên Bình Dương làm thuê. "Trên đó xa nhà nhưng thu nhập đỡ hơn, còn ở quê có làm gì được ngoài đồng ruộng khô cằn. Ở đây nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng giờ nước mặn xâm nhập, trồng hoa màu không được nên khó sống", bà Chi hội trưởng phụ nữ ấp Giồng Chát chia sẻ.
Người dân vác rơm
Lục bình chết queo
Mương nứt nẻ ỏ Sóc Trăng
Ghe chở lúa
Người dân bên đám hành sắp chết do thiếu nước ở Sóc Trăng
Người dân vác rơm ở Sóc Trăng ẢNH: HÒA HỘI
Ông Trần Trung Tính cho biết, toàn xã Liêu Tú có 3.424 hộ với 15.996 nhân khẩu; hộ nghèo 234 hộ chiếm 6,69%, cận nghèo 261 hộ chiếm 7,76%. Trong đó dân tộc Khmer chiếm 73,8%. Đến thời điểm này toàn xã đã thu hoạch xong gần 2.900 ha lúa Đông xuân với năng suất bình quân trên 6 tấn/ha. Tuy nhiên, ấp Giồng Chát gặp khó khăn nhất về nguồn nước nên bị ảnh hưởng nhiều nhất so với các ấp còn lại.