Liên hoan nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Liên hoan thu hút sự tham gia của hơn 100 diễn viên, nghệ nhân, nghệ sĩ và nhạc công đến 6 đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các nghệ sỹ đến từ tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định.
Các đơn vị tham gia trình diễn 31 tiết mục tại liên hoan, mỗi chương trình từ 15 đến 20 phút, bao gồm hát đơn ca, song ca, tốp ca, các làn điệu cơ bản của Bài chòi, các làn điệu dân ca khu vực Nam Trung Bộ, diễn xướng nghệ thuật hô hát Bài chòi trên sân khấu. Các tiết mục ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, hát về Đảng, Bác Hồ kính yêu, về đạo lý nhân nghĩa, thuần phong mỹ tục, tình nghĩa làng xóm, đề cao phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người, giới thiệu về thành phố Đà Nẵng…
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức Liên hoan cho hay, Liên hoan là hoạt động văn hóa nghệ thuật ý nghĩa, nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi Trung bộ đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đồng thời, đây là dịp để những người làm công tác văn hóa và nghệ nhân, nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật hát dân ca, Bài chòi được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Liên hoan còn khơi dậy tình yêu hát dân ca, đặc biệt là nghệ thuật hô hát Bài chòi trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bồi đắp các giá trị thẩm mỹ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cũng như ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc di sản văn hóa dân tộc; đưa phong trào hát dân ca, hô hát Bài chòi phát triển rộng khắp trong nhân dân. Sau lễ khai mạc là phần tranh tài của các đơn vị quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê với các chủ đề “Giai điệu Ngũ Hành”; “Đà Nẵng ngày mới”; “Đà Nẵng thành phố tôi yêu”…
Liên hoan diễn ra đến hết ngày 5/12, các tiết mục đặc sắc sẽ được trình diễn phục vụ người dân và du khách tại Công viên phía Tây cầu Rồng (Đà Nẵng).