Kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân: Nhớ nhạc sĩ Văn Ký với ca khúc “Bài ca hy vọng”

02/04/2020 21:11

Một ngày xuân năm 1958, trên miền Bắc thân yêu, qua cửa sổ phòng làm việc, nhạc sĩ Văn Ký nhìn lên bầu trời xanh với những đôi chim én lượn, trong lòng ông bỗng trào dâng cảm xúc…

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, buộc thực dân Pháp phải đầu hàng vô điều kiện và rút quân khỏi Việt Nam. Theo hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia cắt, bên bờ Nam sông bến Hải là chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm.Từ sông bến Hải trở ra là miền Bắc hoà bình xã hội chủ nghĩa tươi đẹp. 

Đồng bào miền Nam và miền Bắc là con lạc cháu Hồng ai ai cũng mong ước đến ngày hiệp định được thực hiện để Nam Bắc sum họp một nhà. Những gia đình, những đôi trai gái đêm Nam ngày Bắc cách trở ước mong được đoàn tụ và hưởng những mùa Xuân thái bình cùng giang sơn gấm vóc, chung tay xây dựng non nước Việt Nam. 

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi chia cắt đất nước ta vào những năm 1954- 1975.(Ảnh từ nguồn Internet)

Nhưng bè lũ tay sai bán nước không thực hiện điều này và từ đó, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là điểm chia cắt Tổ Quốc yêu thương mấy chục năm ròng. Vào thời kỳ năm 1955 - 1959 là những năm mà đồng bào miền Nam phải sống rên xiết dưới gót giày đinh của Mỹ, Ngụy, máy chém đã lê đi khắp miền Nam, sinh mạng của các chiến sĩ cách mạng bị đe doạ, nhiều tổ chức cách mạng của ta ở miền Nam bị phá vỡ với cảnh đầu rơi máu đổ lan tràn khắp miền Nam.

Một ngày xuân năm 1958 trên miền Bắc thân yêu, qua cửa sổ phòng làm việc, nhạc sĩ Văn Ký nhìn lên bầu trời xanh với những đôi chim én lượn, trong lòng ông bỗng trào dâng cảm xúc, cảm xúc đó là tố chất của một người sáng tác, nhưng nổi cảm xúc lớn hơn đó là niềm tin yêu và ước ao về cách mạng cùng với đó là nỗi đau đối với đồng bào miền Nam. 

Tất cả những điều đó đã trào dâng lên những nốt nhạc tinh tuý, trữ tình và dào dạt, được chắt lọc từ một số thể loại nhạc. Trong đó, có yếu tố âm nhạc dân gian Việt Nam với những ca từ đằm thắm, như xuất hiện trong ta những cánh én bay về phương Nam nói hộ với đồng bào miền Nam rằng:  Đồng bào miền Bắc sẽ đến với với miền Nam để chia sẻ đau thương và mang lại những mùa Xuân tươi đẹp:  “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân/ gửi lời chim yêu thương/ tới miền Nam quê hương/ nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…” (Gió mùa Xuân). 

Mùa Xuân ở đây là mùa Xuân thật, cũng là những năm đầu hòa bình ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà nhạc sĩ muốn gửi hơi thở ấm áp  tới miền Nam.

Điểm lại lịch sử của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là thời điểm thật sự khó khăn, nhất là việc chi viện sức người, sức của cho nhân dân miền Nam, Văn Ký là nhạc sĩ cách mạng, ông tham gia cách mạng lúc 15 tuổi, đã nếm trải đau đớn đòn roi của kẻ thù. Vì thế, ông tin vào cách mạng và ông muốn nói với đồng bào miền Nam rằng: Cuộc cách mạng giải phóng miền Nam có thể còn kéo dài, nhưng hình ảnh miền Bắc thân yêu là những mùa Xuân tươi đẹp là bóng dáng của tương lai (Ước mơ những mùa Xuân bóng dáng tương lai…).

Trong lúc đó, ở miền Nam, bọn Mỹ, Ngụy một mặt đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng, mặt khác bọn chúng tung tin rêu rao nói xấu đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Là một Đảng viên, một người đã từng vào sống ra chết để hoạt động cách mạng, nhạc sĩ Văn Ký hiểu rất rõ con đường cách mạng của Đảng và Bác là con đường soi sáng, đưa hạnh phúc về với nhân dân. Và ông đã lượng hoá sự phát triển của cách mạng miền Nam cùng với sức mạnh chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vì thế, cho dù gian khổ hay hy sinh, bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn hay những chiến sĩ cách mạng bị giam trong ngục tối đều cất vang tiếng hát: “…Đường ta đi lên/ xây đời trong hoa thơm/ có mùa Xuân nào đẹp bằng…”. 

Vĩ tuyến 17 lúc bấy giờ là nỗi chia cắt đau thương cho Đất nước, cho Tổ quốc, cho những cán bộ tập kết ra miền Bắc, chỉ một khúc sông Bến Hải mà người vợ mòn mỏi ngóng trông chờ chồng ngày trở về với quê hương, với Tổ quốc với tổ ấm gia đình yêu dấu.  

Không những nhạc sĩ Văn Ký mà nhà thơ Tố Hữu cũng đã thốt lên: “…Ai vô đó với đồng bào, đồng chí/ Nói với nửa Việt Nam yêu quý/ Rằng Nước ta là của chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà/ Chúng ta con một cha, nhà một nóc/ Thịt với xương tim óc dính liền…”. 

Với tâm hồn cách mạng trong sáng và sự hiểu biết tiền đồ của cách mạng miền Nam. Ông không phải là một nhà quân sự hiểu binh pháp nhưng ông tin vào lẽ phải, tin tưởng vào đường lối của Đảng, tin tưởng vào hậu phương vững chắc của miền Bắc xã hội chủ  nghĩa, tin vào đường lối chiến tranh nhân dân và sự sắp đặt để giải phóng miền Nam của Đảng ta.

 Vì thế, những nốt nhạc trong sáng có pha lẫn niềm kiêu hãnh của chất lãng mạn cách mạng và ông đã chắt lọc bằng những ca từ rất đẹp của văn học mà thật phong phú về thông tin để gửi tới đồng bào miền Nam, nơi thành đồng của Tổ quốc Việt Nam yêu quý và nói với đồng bào miền Nam, tương lai, ấm no, hạnh phúc và sẽ có một xã hội tươi đẹp trở về với miền Nam: “… Về tương lai/ ngày quê hương màu xanh áo mới/ chứa chan niềm tin/ đường ta đi xanh thắm mộng đời…” gần cuối ca khúc ông lại kết hợp nghệ thuật văn học để nói về tương lai và đàn chim báo hiệu một mùa Xuân tươi sáng. 

Nhưng để đến mùa Xuân tươi sáng, bao thế hệ cách mạng phải hy sinh, bao lớp lớp thanh niên phải hiến dâng tuổi xuân của mình cho cách mạng miền Nam. Lớp lớp Thanh niên miền Bắc đã ra đi không hẹn ngày trở lại đó là những cánh én của mùa xuân miền Bắc gửi tới miền Nam, là những thông điệp viết bằng máu của đồng bào miền Bắc gửi tới miền Nam, đã được nhạc sĩ Văn Ký gói trọn trong những ca từ, bằng thủ pháp âm nhạc với cao trào của đoạn cuối ca khúc: “… Về tương lai, đàn chim ơi cùng ta cất cánh/ kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương/ gió mưa buồn thương/ mùa đông và mây mù sẽ tan”. 

Có ai đó nói “Bài ca hy vọng” lãng mạn quá, thì cũng có khía cạnh của nó, bởi ca khúc này là tình yêu thương của người con miền Bắc gửi cho đồng bào miền Nam, nó phải mang chất liệu trữ tình, sử thi của một dân tộc, nhưng chúng ta phải hiểu rộng hơn lãng mạn ở đây là lãng mạn cách mạng, được viết bằng những ngôn từ và sự hiểu biết âm nhạc uyên bác của một nhạc sĩ. 

Một điều mà chúng ta cần trân trọng Văn Ký, khi ông viết “Bài ca hy vọng” ông mới 30 tuổi, cái tuổi chỉ trừ các vĩ nhân và một số cán bộ lãnh đạo nhất là các nhà quân sự đã từng thao lược binh pháp qua thực tiễn và sách vở… Và khi ông viết ca khúc này cũng là lúc cách mạng miền Nam đang còn trứng nước. Việt Nam một nước nghèo và lạc hậu về kinh tế, phải đương đầu với một cường quốc đầu sõ nhất thế giới đó là Đế quốc Mỹ chỗ dựa vững chắc cho bè lũ tay sai ở miền Nam lúc bấy giờ. 

Điều gì đã thối thúc ông khẳng định: “…Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan” đó là niềm tin yêu tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu của một người chiến sĩ cách mạng cầm bút và niềm tin yêu đó đã trở thành hiện thực. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã quyét sạch chế độ tàn bạo của Mỹ, Ngụy ở miền Nam, đưa giang sơn gấm vóc về một mối, Tổ quốc Việt Nam mãi mãi những mùa Xuân.

Theo các tài liệu và thực tiễn thì Bài ca hy vọng đã vượt qua giới tuyến vào khắp miền Nam, trong những trận đánh và được phổ biến rộng rãi trong phong trào sinh viên miền Nam yêu Nước. Chính bà Trương Mỹ Hoa đã dạy “Bài ca hy vọng” cho chị Phan Thị Quyên vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong lao tù và ca sĩ Khánh Vân là người đầu tiên hát ca khúc “Bài ca hy vọng” đạt đến trình độ chuẩn mực ở thời điểm đó, đã từng hát và biểu diễn phục vụ cho Bác Hồ trong những ngày trái tim của Bác luôn hướng về miền Nam ruột thịt. 

Sau này, nghệ sĩ nhân dân Lê Dung đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho đông đảo giới yêu âm nhạc rồi sau này nữa là ca sĩ Lan Anh, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người đã hát thành công ca khúc này, để lại cho đông đảo bạn yêu âm nhạc niềm tin yêu cuộc đời và tâm hồn càng thêm thư thái.

Ca khúc “Bài ca hy vọng” đã được nhạc sĩ Tạ Tấn và một số nhạc sĩ khác soạn độc tấu cho đàn guitar. Ai đã từng nghe Tạ Tấn, Đức Minh, Văn Vượng độc tấu ca khúc “Bài ca hy vọng” bằng đàn guitar thì những nỗi buồn của cuộc đời bỗng dưng bị xua tan và chỉ để lại niềm tin yêu hy vọng và cũng cố tình yêu, yêu những gì mà tạo hoá ban phát và cho ta quyền được yêu từ thuở tóc đang còn xanh cho đến lúc mái đầu đã bạc. 

62 năm đã trôi qua kể từ khi ca khúc “Bài ca hy vọng” ra đời cho đến nay, “Bài ca hy vọng” là đứa con tinh thần của nhạc sĩ Văn Ký đối với dân tộc. 

Trong cuộc đời sáng tác của ông có rất nhiều ca khúc được công chúng mến mộ nhưng “Bài ca hy vọng” là một đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Nước nhà. Nhân ngày 30/04/2020, tôi muốn gửi tới nhạc sĩ Văn Ký lời cảm ơn sâu sắc về đứa con tinh thần của ông đã giúp tôi đi và đi tiếp trên con đường tôi đã chọn, cám ơn nghệ sĩ Khánh Vân, Lê Dung, Lan Anh… và những nghệ sĩ khác đã từng gửi gắm ấn tượng đẹp đẽ sâu lắng trong tâm hồn tôi./.
                                      

Tháng 4 năm 2020
                                                                            
                                                                             Dương Chí Sỹ

-

Ký ức về buổi chiều ngày 30/4/1975 lịch sử trong Dinh Độc Lập Ký ức về buổi chiều ngày 30/4/1975 lịch sử trong Dinh Độc Lập

Ít người biết rằng sau khi quân giải phóng chiếm được Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, chiều hôm đó, ở địa điểm này vẫn còn có súng nổ, có chiến sĩ bị thương.

Nguồn DN&TT

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân: Nhớ nhạc sĩ Văn Ký với ca khúc “Bài ca hy vọng”" tại chuyên mục Giới thiệu Doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.