Trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực vào ngày 1/7/2014, ngày 30/6/2014, UBND thị xã Ninh Hòa đã ký hàng trăm quyết định thu hồi đất của người dân, giúp doanh nghiệp “chạy luật”. Đây là những dấu hiệu “bất thường” cần phải làm rõ tại dự án Dốc Lết Phương Mai.
Bất thường một dự án
Sau 16 năm bỏ bê, bất ngờ trong những tháng hè 2019, chủ đầu tư Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai cấp tập dựng văn phòng và cho máy ủi san lấp mặt bất chấp nhà cửa, ruộng vườn và mồ mả của người dân chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng…
Dự án khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai để treo gần 20 năm khiến người dân có đất nằm trong khu dự án khốn đốn
Tháng 8/2003, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định (QĐ) phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai với tổng diện tích gần 174 ha đất thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa (nay là phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa). Việc phê duyệt này được cho là theo đề nghị của Công ty Cổ phần Phương Mai (viết tắt Cty Phương Mai) có địa chỉ tại số 2 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP Nha Trang. Ngày 12/8/2003, Cty Phương Mai có tờ trình xin phê duyệt quy hoạch Khu Dốc Lết Phương Mai.
Ngay lập tức, ngày 13/8/2003 Sở Xây dựng tỉnh đã có tờ trình 1243/XD-QH đề nghị tỉnh phê duyệt. 13 ngày sau thì UBND tỉnh ra QĐ số 2688/QĐ-UB phê duyệt dự án. Có thể nói tốc độ của giấy tờ hành chính của dự án này là quá nhanh chóng, lúc đó ai cũng thấy “bình thường” vì Cty Phương Mai có cổ đông “khủng”.
Thế nhưng trái với “tốc độ hành chính”, tốc độ triển khai của chủ đầu tư lại là bất động. Năm 2004, khi trả lời báo chí về cấp chồng dự án lên diện tích đất đã cấp cho Dự án Dốc Lết Phương Mai, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (lúc đó là ông Phạm Văn Chi) cho biết: “Dự án thông qua rồi nhưng sau đó một số thành viên trong Cty Phương Mai lục tục rút vốn, cả năm không thấy đả động gì nên chúng tôi chỉ để cho Công ty Phương Mai 10ha, còn để lại cho hai công ty khác đầu tư”.
Có thể nói dấu hiệu không có năng lực đầu tư, xin dự án để “xí đất”, bán lại kiếm lời của chủ đầu tư thông qua việc mua bán cổ phần của các cổ đông Phương Mai đã bộc lộ ngay từ những năm đầu dự án. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Dự án Dốc Lết Phương Mai đã được mua đi bán lại đến lần thứ 3. Xác nhận điều này với phóng viên, ông Trần Hải - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa xác nhận: "Như thông tin chúng tôi nắm được thì đến nay, dự án này đã được bán lại cho chủ đầu tư thứ 3. Tuy nhiên, việc thay đổi như thế nào địa phương không được báo cáo, chỉ khi họ đến làm việc thì chúng tôi mới biết".
Theo như người dân phường Ninh Hải thì sau một thời gian dài chủ đầu tư bỏ hoang dự án thì chủ đầu tư đã tìm được mối nên cấp tập san lấp để làm đẹp mặt bằng và tiếp tục sang tay… Có mặt tại khu đất của dự án, phóng viên đã chứng kiến những bức tường tôn được dựng vội vã, khu văn phòng của một Dự án đã tồn tại 16 năm cũng vừa được xây dựng, máy xúc thì hối hả san gạt mặt bằng bất chấp nhà dân, ruộng vườn, mồ mả… chưa được giải phóng mặt bằng.
Người dân nằm trong phần diện tích bị quy hoạch sống leo lắt trong những căn nhà tạm bợ
Thu hồi đất “chạy” Luật Đất đai 2013
Điều phóng viên cũng chứng kiến là trái ngược lại với tiếng máy san ủi rộn ràng thi công của chủ đầu tư là những gương mặt uất ức, buồn bã vô vọng của những người dân bị mất đất. Điều người dân Ninh Hải mong muốn là UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư sớm đền bù theo giá đất hiện hành của tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Trung (thôn Đông Hải, phường Ninh Hải) cho biết: “Từ khi có quyết định thu hồi đất đến nay, giá đất đã thay đổi gấp 100 lần, vậy mà họ vẫn đền bù cho chúng tôi 18.000 đồng/m2. Dự án kéo dài 16 năm đã đẩy người dân chúng tôi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, sống trên đất đai của cha ông mà như đi ở nhờ, cơ cực”.
Trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Đông Cát, Ninh Hải) là chủ sử dụng 28.643 m2 đất trong diện bị thu hồi của Dự án Dốc Lết Phương Mai cũng kiên quyết không nhận tiền đền bù, bà Hạnh cho biết: “Ngày 28/8/2017, tôi nhận được một lúc 2 QĐ của UBND thị xã Ninh Hòa, một QĐ thu hồi đất đề ngày 30/6/2014, một QĐ phê duyệt kinh phí bồi thường đề ngày 20/1/2015. Việc làm này của UBND thị xã đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi. Tại sao gần 3 năm sau khi ký các QĐ, chính quyền mới thông báo cho gia đình tôi?”.
Điều đặc biệt là trường hợp bị thu hồi đất đúng 1 ngày trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) như gia đình bà Hạnh không phải là ngoại lệ.
Theo thừa nhận của ông Bùi Minh Tâm – Giám đốc điều hành của Cty Phương Mai: “Dự án Khu du lịch Dốc Lết – Phương Mai được thực hiện theo Luật Đất đai 2003, UBND thị xã Ninh Hòa phê duyệt 10 đợt phương án ngày 30/6/2014”.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì 10 đợt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư “chạy luật” của UBND thị xã Ninh Hòa có tổng diện tích đất thu hồi là 106,6 ha; trong đó có 237 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất với tổng diện tích 70 ha…
Trước câu hỏi của phóng viên, có hay không việc giúp doanh nghiệp “chạy luật” khi UBND thị xã ký hàng trăm QĐ thu hồi đất vào ngày cuối cùng của Luật Đất đai 2003, bởi Luật Đất đai 2013 không cho phép chính quyền đứng ra thu hồi đất cho dự án kinh doanh của doanh nghiệp? Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã trả lời: “UBND thị xã làm theo chỉ đạo của tỉnh”.(?!)
Ông Trần Hải, Chủ tịch UBND phường Ninh Hải trao đổi với phóng viên
Chúng tôi xin được chuyển những câu hỏi băn khoăn nêu trên của đông đảo dư luận và bạn đọc tới các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa xem xét giải quyết để đảm bảo sự công bằng và thượng tôn pháp luật.
Nhóm PV