Chiếc khăn piêu của người Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã rất nổi tiếng và trở thành sản phẩm thổ cẩm đặc sắc nhất của cộng đồng dân tộc đông đảo thứ 3 ở Việt Nam. Khăn piêu cùng với váy, áo và một số phụ kiện khác tạo nên phục trang đặc trưng của phụ nữ Thái. Đối với người Thái vốn có đời sống tâm linh phong phú thì mỗi trang phục, thậm chí là đồ dùng đều gắn liền với những phong tục rất riêng và chiếc khăn piêu cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, với cộng đồng người Thái ở Nghệ An thì có chút khác biệt. Người Thái Nghệ An gọi chiếc khăn piêu là khăn thêu (khăn xéo), có nơi gọi là “khăn tại”. Dù có khác biệt về tên gọi nhưng vị thế và ý nghĩa của trang phục thổ cẩm này vẫn rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của phụ nữ nơi đây.
Khi dệt một tấm vải, người thợ đã phải ước lượng kích cỡ vải theo mục đích sử dụng. Chiếc khăn dài hay ngắn, hoa văn như thế nào... đều được cân nhắc kỹ từ khâu dệt vải. Ảnh: Hồ Phương
Chiếc khăn thêu của phụ nữ Thái ở Nghệ An có hình thức khá đa dạng. Mục đích sử dụng, lứa tuổi, sở thích từng người hay vùng miền quyết định hình thức của những chiếc khăn thêu. Chúng thường được làm với những khổ vải khác nhau, nhưng những hình thêu thì khá thống nhất.
Mỗi chiếc khăn đều có hình “ta leo”, có ý nghĩa xua đuổi tà ma; ngoài ra còn có hoa lá, chim muông, vật nuôi, voi, ngựa, hình mặt trăng, mặt trời… Những chiếc khăn thêu khổ lớn có thể rộng cỡ 2 gang tay, dài khoảng 1,5m, khổ nhỏ hơn thì dài khoảng 1m, rộng 1 gang tay.
Cũng như ở các địa phương miền núi phía Bắc, trước đây phụ nữ Thái từ khi mới là những cô bé lên 9, lên 10 đã được bà và mẹ truyền dạy nghề trồng bông, ươm tơ, dệt vải, thêu váy, thêu khăn… Trước kia, để tạo ra chiếc khăn thêu là cả một sự kỳ công. Bông sau khi được hái trên rẫy về phải đem kéo thành sợi, rồi nhuộm chàm, nhuộm màu. Chỉ tơ trắng, chỉ tơ vàng cũng là nguyên liệu ưa thích làm nên những chiếc khăn thêu.
Trước khi bắt đầu dệt nên một tấm vải, người thợ thường đã phải tính trước mục đích sử dụng để ước lượng khổ vải. Sau khi đã dệt xong một tấm vải, người ta cắt may thành hình chiếc khăn rồi thêu hoa văn lên đó. Cũng có trường hợp những hoa văn được thêu trực tiếp lên khung dệt nhưng thường không tinh xảo bằng thêu tay.
Chiếc khăn thêu có mặt trong nhiều sinh hoạt văn hóa quan trọng của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Sách Nguyễn
Đối với những cô gái chưa chồng thường chỉ đội khăn thêu trong dịp lễ hội, khi diện trang phục đẹp. Ngày thường, họ chỉ mặc váy, áo, đầu cài trâm, nhiều khi để xõa tóc. Phụ nữ đã có chồng thường xuyên phải đội khăn khi đi đến nhà họ hàng, đón tiếp hay khi đi đến nhà của họ hàng bên chồng, khi đi lễ tết, ma chay, cưới hỏi…
Một cô gái chuẩn bị về nhà chồng thường được mẹ đẻ chuẩn bị cho một chiếc khăn thêu. Cô dâu có thể bỏ chiếc khăn thêu khỏi đầu sau khi đã làm xong các nghi lễ cưới hỏi. Cũng đã có hiện tượng cô dâu người Thái mặc váy cưới tân thời mà không diện trang phục truyền thống nữa. Điều này thường xảy ra khi các cô gái Thái lấy chồng là người Kinh.
Chú rể đội khăn trong lễ rước dâu. Ảnh: Hữu Vi
Có một điều khá đặc biệt là ở nhiều làng bản người Thái tại huyện Con Cuông, chú rể cũng khoác một chiếc khăn thêu trong lúc rước dâu. Đó cũng là lần duy nhất người đàn ông phải làm điều như vậy trong suốt cuộc đời mình. Trước khi cùng cô dâu thắp hương lạy tạ tổ tiên nhà gái, chàng rể được khoác một chiếc khăn thêu lên vai, hoặc đội trên đầu. Sau đó cứ để như vậy trong suốt cuộc rước dâu và chiếc khăn chỉ được tháo xuống khi chú rể đã dắt cô dâu về đến nhà mình.
Chúng ta cũng có thể bắt gặp cảnh những người đàn ông đội khăn thêu trong một số lễ hội như Đền Chín gian (Quế Phong), Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn) trong nghi lễ tắm trâu. Nhiều thầy mo người Thái khi làm lễ cũng thường đội khăn thêu trên đầu.