Hầu hết cư dân ở An Toàn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống cơ cực bủa vây, thiếu thốn tứ bề. Chuyện học hành của lũ trẻ ở đây cũng không ngoại lệ.
Ấy vậy mà suốt nhiều năm qua, 18 thầy cô giáo đã hy sinh tuổi trẻ của mình bám trụ ở “cổng trời” để “gieo chữ” trên cánh đồng học vấn còn rất hoang sơ của con em đồng bào người Ba Na.
“Cõng” chữ
Ai đã 1 lần “phi” xe máy lên “cổng trời” An Toàn mới thấu hết 2 chữ “vùng cao”. Con đường cheo leo uốn lượn, đèo dốc quanh co, chiếc xe máy đang bon bon trên đoạn đường bằng phẳng bỗng lao xuống những đoạn dốc sâu thăm thẳm như cái vực. Suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ cùng chiếc xe máy “leo” lên An Toàn trên cung đường chẳng an toàn chút nào khiến chúng tôi rất căng thẳng.
Cơ sở vật chất phục vụ học sinh Trường Tiểu học An Toàn đã được đầu tư khá đầy đủ. |
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được điểm trường chính của Trường Tiểu học An Toàn. Trải nghiệm gian khổ suốt chặng đường lên An Toàn đã cho chúng tôi cảm nhận đến tận cùng sự vất vả của những thầy cô giáo từ miền xuôi lên đến “cổng trời” thực hiện nhiệm vụ “gieo chữ”.
Mới gặp nhau, thầy giáo Võ Mười, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Toàn, khoe ngay với chúng tôi: “15 năm trước, học sinh phải học trong những phòng học tạm bợ. Bây giờ, ngôi trường được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản, điều kiện học của học sinh đã tốt hơn rất nhiều”. Yên lặng 1 lát, giọng thầy Mười bỗng trầm buồn: “Dẫu vậy, khó khăn lớn nhất vẫn là đường sá xa xôi, đèo dốc nguy hiểm là trở ngại với những thầy cô cắm bản, nhất là đối với các cô giáo trẻ từ miền xuôi lên đây dạy học”.
Thầy giáo Mười nhớ lại, thuở thầy mới nhận nhiệm vụ cắm bản dạy học, khi ấy chẳng có xe máy mà đi, đường sá thì lởm chởm đá hòn đá tảng, đi bộ mất cả mấy ngày trời mới đến trường. Cơ cực nhất là vào những mùa mưa lũ. Do vùng đất này có độ dốc cao, đường sá đang khô rào mà có cơn mưa ùa về bất chợt là nước lập tức tràn về như lũ quét, chẳng thể đến trường dạy và cũng chẳng thể về xuôi thăm gia đình. “Bây giờ đường bê tông đã đến tận trường, nhưng đèo dốc vẫn còn nguyên nên nguy hiểm luôn rình rập mỗi khi thầy cô đi dạy”, thầy giáo Mười bộc bạch.
Cô giáo trẻ Phan Thị Nga từ giã miền quê trù phú ở xã An Hòa (huyện An Lão) lên An Toàn cắm bản dạy chữ cho con em đồng bào Ba Na đã 3 năm nay chia sẻ với chúng tôi: “So với miền xuôi, điều kiện dạy học ở An Toàn khó khăn hơn nhiều, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ bề. Ví như tôi dạy tin học, mà máy tính chỉ có vài máy để bàn, nhưng chẳng có cái nào ra cái nào. Những trường ở miền xuôi học sinh có cả 1 phòng đầy máy tính mặc sức thực hành. Nói vậy để anh hình dung sự thiếu thốn của học sinh vùng cao”.
Nhưng điều kiện sống của giáo viên nhà trường vẫn còn tạm bợ. |
Qua câu chuyện thân tình của cô giáo Nga, ngoài thấu được nỗi gian khổ của thầy cô giáo vùng cao, chúng tôi còn thấm đẫm nỗi riêng của cô giáo trẻ khi phải “bức” tuổi trẻ của mình khỏi chốn quê trù phú, lặn lội lên “cổng trời” dạy học, nhưng mức lương cô được nhận chẳng khác giáo viên miền xuôi, bởi cô Nga còn dạy hợp đồng. Đã vậy, mỗi tháng cô Nga phải mất 400 ngàn đồng chi phí xăng xe đi lại.
“Đến mỗi mùa mưa lũ là cơ cực ùa về. Nhất là khi xảy ra sạt lở núi, đường giao thông bị chia cắt, điện cúp, điện thoại mất sóng. Những lúc ấy tôi có cảm giác cô đơn đến lạ, nhiều lúc thầy cô phải vào làng ăn nhờ bà con bữa cơm. Bởi, mỗi tuần thầy cô chỉ chuẩn bị thức ăn dự trữ đủ 7 ngày”, cô giáo Nga bộc bạch.
Gian khổ
Cơ cực, gian nan, thiếu thốn và buồn chính là cuộc sống của những thầy cô giáo đang “gieo chữ” ở “cổng trời”. Thế nhưng chưa 1 phút họ tắc trách với nhiệm vụ. Không ngoa khi nói rằng, chính lòng say nghề đã níu giữ họ lại với vùng cao An Toàn, với những đứa trẻ người Ba Na có đôi mắt sâu như rừng thẳm.
Một minh chứng là suốt 15 năm qua, ngày ngày nếm trải những bất thuận trong đời sống, nhưng thầy giáo Đinh Văn Hợi vẫn kiên trì cắm bản miệt mài “gieo chữ”. “ Hầu hết thầy cô ở trường này đều từ dưới xuôi lên đây dạy học. Hàng tuần, sau những ngày về thăm nhà vào dịp cuối tuần, khi quay lại trường xe máy ai cũng phải đèo gạo, thịt, cá khô, trứng vịt… lương thực dự trữ của 1 tuần. Trước kia, khi An Toàn chưa có điện thầy cô nấu ăn bằng củi, nhà bếp thì che tạm bợ, mùa mưa củi ướt nhóm mãi lửa chẳng thằm cháy, có hôm cơm sống nhưng phải cố ăn cho qua bữa”, thầy Hợi bộc bạch.
Thầy Hợi gốc người huyện An Lão, lấy vợ huyện Hoài Ân rồi sinh sống ở quê vợ. Sau này, thầy lại trở về An Toàn đi dạy nên thường xuyên phải sống xa vợ con. “Đi dạy xa nhà rất bất tiện nhưng tôi luôn được gia đình động viên, đó là động lực lớn để tôi bám nghề. Hơn nữa, gắn bó lới học trò bao nhiêu năm nay giờ rất khó rời xa các em. Dù các em là người đồng bào, khả năng tiếp thu bài chậm hơn so với học sinh miền xuôi. Nhưng bù lại các em rất ngoan, chân chất, biết nghe lời thầy cô. Phụ huynh ở đây ai cũng quý thầy quý cô, có nắm rau, con cá cũng sai các em mang đến biếu thầy cô để cải thiện bữa ăn”, thầy Hợi kể.
Cô giáo trẻ Võ Thị Phúc Nguyên, giáo viên hợp đồng phụ trách học sinh lớp mầm non, là “lính mới” nên trước khi nhận trường cô Nguyên đã được những đồng nghiệp đi trước “cảnh báo” về những khó khăn trước mắt. Thế nhưng khi lên đến trường, cô vẫn không khỏi bỡ ngỡ trước những khó khăn chồng chất.
Dẫu đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng thầy cô giáo vẫn miệt mài bám bản “gieo chữ” cho con em đồng bào Ba Na. |
“Ở trường chỉ mình tôi là giáo viên mầm non, nhưng may mắn là được ở cùng với các thầy cô trường tiểu học nên cũng đỡ buồn. Hàng ngày, thầy cô lên rừng kiếm củi rồi về góp gạo thổi cơm chung. Học sinh trên này rất ngoan, biết nghe lời nên dù gắn bó với các em chưa lâu nhưng tôi rất yêu quý các em. Nếu được tuyển vào biên chế thì dù khó khăn mấy tôi vẫn sẽ bám trụ với nghề để dạy dỗ các học trò ở đây”, cô giáo Nguyên tâm sự.
Trước đây, trong dịp đi công tác An Toàn, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định, nhìn thấy thầy cô ở Trường Tiểu học An Toàn cắm cúi thổi lửa nấu cơm mà chạnh lòng. Bữa ăn chỉ toàn đồ ăn khô. Bếp ăn che tạm bợ, diện tích chỉ đủ kê 1 bộ bàn ghế cho vài thầy cô lớn tuổi ngồi ăn, các giáo viên trẻ phải ăn cơm đứng.
Về xuôi, bà Bình kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ thầy trò ở vùng cao An Toàn. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ số tiền gần 140 triệu đồng. Nhà trường ưu tiên làm các công trình phục vụ học sinh, còn thầy cô thì vẫn cố gắng khắc phục chờ nguồn tài trợ khác. Đến nay, bếp ăn của thầy cô ở đây vẫn “dậm chân” ở mức độ tạm bợ.
Trường Tiểu học An Toàn có 110 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, với 18 cán bộ giáo viên và bảo vệ. Trong đó, điểm trường ở thôn 2 có 43 học sinh; điểm trường thôn 1 có 36 học sinh và điểm trường thôn 3 có 31 học sinh. Theo thầy giáo hiệu trưởng Võ Mười, hiện nay cơ sở vật chất nhà trường đã được đầu tư cơ bản đầy đủ. Năm 2018, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ thông qua Hội Khuyến học huyện An Lão đã đầu tư được công trình nhà vệ sinh, nước sạch cho trường.
“Giờ đây, các thầy cô giáo của trường chỉ mong mỏi có nguồn tài trợ để nhà trường xây dựng bếp ăn tốt hơn để thầy cô yên tâm bám trường, bám bản dạy chữ cho học sinh đồng bào”, thầy Mười nói trút lòng.
Theo nongnghiep.vn