Trong những ngày tìm hiểu về ngôi mộ cổ ở xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng), tôi đã kinh ngạc khi phát hiện những quả núi, quả đồi, là những nghĩa địa mổ cổ 2.000 năm tuổi, chứa rất nhiều đổ cổ, báu vật. Nơi đây, có thể là một quần thể nghĩa địa cổ khổng lồ, nơi người xưa cất giữ đồ quý.
Tôi đã bỏ nhiều ngày, lang thang qua khắp các dãy núi, những quả đồi đất, tìm gặp những “chuyên gia đào mồ cuốc mả” săn lùng cổ vật, để tìm hiểu về những câu chuyện bí ẩn này.
Kỳ 1: Kho báu trong “mộ Sở”
Trong giới săn lùng cổ vật ở Hải Phòng, thì Nguyễn Văn N. nổi lên là một tay khét tiếng, khi từng trực tiếp đào bới be bét cả chục quả đồi, phá tan cả trăm ngôi mộ cổ, trục lên không biết bao nhiêu cổ vật. Không khó khăn gì, tôi tìm được nhà N. dưới chân dãy núi Phượng Hoàng, thuộc xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Án ngữ trước nhà anh N. là 3 quả núi có tên Phượng Hoàng, Núi Rùa, Hổ Phục nằm cạnh nhau. Người dân đều đồn đại những quả núi này là nơi người Sở giấu của hàng ngàn năm nay.
Còn có lời đồn quan Pháp vác súng đứng trên núi, bắt dân phu người Việt đào hầm vào trong lòng núi tìm của, mang đi vô số báu vật, chở cả tàu lớn sang Pháp. Rồi các nhà khảo cổ nước nhà cũng đã đào đi mấy xe tải.
Suốt mấy chục năm nay, cả chục đội săn tìm kho báu đã đào tung ba quả núi và thực sự đã trúng rất nhiều hầm chứa đồ cổ.
Chuyện đào bới cổ vật trong mộ không phải đồn thổi, truyền thuyết, mà là sự thực, bởi tôi đã tận mắt các hầm, hố đào nham nhở như hang chuột trong lòng núi và ghi lại hình ảnh hàng ngàn báu vật ngàn tuổi vẫn còn giữ trong nhà những “chuyên gia” khoét núi phá mộ tìm cổ vật.
Trước khi theo chân Nguyễn Văn N. lên những quả núi, tìm đến những đường hầm, những ngôi mộ cổ kỳ bí, tôi đi vòng quanh 3 quả núi, ghi lại những câu chuyện thú vị.
Cổng chùa Linh Sơn dưới chân núi Phượng Hoàng ở làng Mỹ Cụ.
Theo truyền thuyết, từ thời Hùng Vương, làng Mỹ Cụ nơi có 3 quả núi thiêng chỉ là cái trại nhỏ, do một số cư dân đến sinh sống lập ra. Đến thời Thục Phán An Dương Vương, dân cư đông đúc hơn, trại được mở rộng thành trang (trang là đơn vị hành chính lớn hơn trại), được đặt tên là Mỹ Cát Trang, có nghĩa là bãi cát trắng rất đẹp.
Thành hoàng của làng Mỹ Cụ là vợ chồng cụ Lý Huy Chân và Đào Thị Bảo. Tên tuổi, gia cảnh hai cụ vẫn được ghi trong sử sách của làng, trong các câu chuyện truyền miệng và được thờ tự trong đền, đình. Quê gốc hai cụ ở Thanh Hóa, là hào phú anh hùng, biết nghề địa lý, giỏi buôn bán thương nghiệp.
Thời Hùng Vương, cụ Bảo treo ấn từ quan, rồi dắt nhau di cư về vùng đất thuộc huyện Thủy Nguyên bây giờ. Đến vùng đất Mỹ Cụ, thấy đất đẹp, tiền có án thủy đáo đường (thủy triều lên xuống), hậu có đan phượng hàm thư (con chim phượng ngậm sách), tả hữu có song đồng sơn (hai quả núi hai bên), nên dừng chân, lập trại sinh sống, buôn bán.
Xưa kia, nơi nào có đất thiêng, thì thầy địa lý thường khuyên mang mồ mả tổ tiên đến chôn, với niềm tin sẽ phát nghiệp đời sau. Tất nhiên, cụ Chân đã rước mồ tổ tiên ra vùng đất này và chôn đúng huyệt thiêng giữa trại. Tuy nhiên, giờ đây, dân làng không biết huyệt đạo đó ở đâu.
Thời kỳ đó, biển tiến sát chân những quả núi này, với bãi cát trắng mênh mông. Công việc buôn thuyền bán bè khắp biển cả của vợ chồng cụ Chân rất phát, giàu có vô biên, vàng bạc chất thành núi. Vậy nên, có một số truyền thuyết kể rằng, để giữ của cải, vợ chồng cụ Chân đã chôn giấu khắp nơi trong lòng 3 quả núi này. Những kho báu ấy đã nhiều đời khai quật và người ta đã lấy đi không biết bao nhiêu mà kể, nhưng vẫn chưa hết.
Trở lại câu chuyện cuộc đời của vợ chồng cụ Chân. Trong 4 năm ở làng, hai vợ chồng đã liên tiếp đẻ 4 người con, gồm 3 trai, 1 gái. Những người con được ăn học đầy đủ, lớn lên con trai khỏe mạnh, dũng mãnh, con gái xinh đẹp, cổ cao 3 ngấn, mắt phượng mày ngài. Tiếc thay, hai cụ mắc bệnh tiêu chảy, nên chết sớm và chết cùng ngày. 4 anh em đã mai táng hai cụ lên núi Phượng Hoàng, đúng khu vực bây giờ là chùa Linh Sơn.
Chùa Linh Sơn.
Sau khi hai cụ mất, việc buôn bán, làm ăn sa sút. Kho báu chôn trong lòng núi cũng bị thất lạc, không còn ai biết đến nữa. 4 anh em đang giàu có sung túc trở nên nghèo khổ. Không còn chốn dung thân, họ dắt nhau lên núi Phượng Hoàng, chỗ chùa Linh Sơn bây giờ và trú ngụ dưới gốc cây mộc hương (cây gỗ tỏa mùi thơm ngát).
Ngày đó, vùng này là những cánh rừng gỗ lim rậm rịt. Vậy nên, có thời kỳ, người ta gọi núi Rùa là núi Lim. Mười mấy năm trước, một số người hút cát ở sông Si, con sông lượn cạnh núi Rùa, khi hút sâu xuống lòng sông vài mét, còn vớt được những thân gỗ lim khổng lồ, không rõ đã nằm dưới lòng sông bao nhiêu trăm, ngàn năm.
Trong rừng gỗ lim ấy, có một con hổ khổng lồ, người dân gọi là hổ tướng, thường xuyên về làng bắt người, khiến dân làng hết sức kinh sợ. 4 anh em họ Lý võ nghệ cao cường, đã kéo nhau vào rừng săn tìm nhiều ngày và giết được con hổ.
Giết xong hổ tướng, 4 anh em lại trở về gốc mộc hương sinh sống. Tuy nhiên, từ hôm giết con hổ thì phong ba bão táp nổi lên, gió mưa vần vũ suốt 3 ngày liền. Khi bão táp dừng, người dân nhìn lên núi Phượng Hoàng, thấy cây mộc hương rụng lá xác xơ. Dân trại kéo lên xem, thì không thấy 4 anh em họ Lý đâu cả, chỉ thấy 4 đống mối lùm lùm dưới gốc mộc hương. Người dân thương xót 4 anh em nên dựng miếu thờ.
Thời Hùng Vương, Thục Phán An Dương Vương có ý đồ xâm chiếm nước Việt, nên kéo quân xuống vùng Quảng Ninh. Vua Hùng đã sai tướng Vương Văn Chi đem quân đi chống. Trên đường xuống Quảng Ninh, đến gốc mộc hương, ngựa của tướng Vương Văn Chi nhất định không cất bước, cứ hí vang trời. Thấy sự lạ, ông cho dừng quân, ngủ lại ngôi đền này. Tam nam nhất nữ họ Lý đã báo mộng sẽ đi trước dẫn quân đánh trận. Quả đúng như giấc mơ, quân của Vương Văn Chi đánh đâu thắng đó, như chẻ tre. Quân Thục Phán bỏ chạy tán loạn.
Lúc quay về, Vương Văn Chi đã tụ họp dân trại quanh chân núi Phượng Hoàng và núi Rùa, kể lại sự tình và quyết định đốn hạ cây mộc hương, cắt làm 4 đoạn, tạc 4 pho tượng đặt ở ngôi miếu để thờ. Trong các sắc phong, thần phả, truyền thuyết, đều nói rằng, ngôi miếu thờ tam nam nhất nữ họ Lý đặt ở nơi tiền có rồng đất (núi Rồng – giờ không rõ quả núi này đâu, có lẽ là một phần của dãy Phượng Hoàng - PV), hậu có hổ phục (núi Hổ Phục), tả có đan phượng hàm thư (chim phượng ngậm thư – núi Phượng Hoàng) và hữu có quy ẩn xà (con rắn quấn quanh con rùa – núi Rùa). Sử sách, truyền thuyết đều nói rõ như vậy, nhưng đến nay, không ai biết ngôi miếu đó ở chỗ nào. Mấy trăm năm trước, người dân dựng đình làng Mỹ Cụ, thì dựng lại 4 pho tượng anh em họ Lý, đến nay vẫn còn thợ phụng.
Đường lên Núi Rùa.
Lại nói về chuyện tướng Vương Văn Chi chặt cây gỗ thơm để làm tượng 4 anh em họ Lý. Tôi vào chùa Linh Sơn nằm ngay dưới chân núi Phượng Hoàng để chiêm ngưỡng một pho tượng vô cùng đặc biệt. Đó là pho tượng A Di Đà khá lớn, cao 2,5m, chu vi 3,2m, được đắp bằng chất liệu đất sét cùng giấy dó. Theo hướng dẫn của thủ nhang, tôi cứ tự nhiên trèo lên ban thờ Phật và… sờ đầu pho tượng. Sau khi kính cẩn tạ lỗi, tôi trèo lên ban thờ, sờ đầu tượng A Di Đà và thấy rõ đỉnh đầu pho tượng có khúc gỗ thò lên.
Vào thời vua Lê Dụ Tông, người dân Mỹ Cụ cho rằng, pho tượng này giống “tượng Tàu”, nên bàn nhau quyết định phá. Các cụ dùng dao búa phá tượng, thì thấy lộ ra một thân cây trong lòng tượng. Các cụ đào rỗng cả ban thờ, sâu xuống đất, song mãi mà không trốc được gốc cây lên. Bỗng nhiên, từ dưới gốc cây, vọt lên một dòng nước mát lành, phun lên trời cao đến 10m. Rồi trong làng xảy ra đủ các loại biến cố, trâu chết tươi, người chết đứng. Nghĩ rằng “người Tàu” đặt pho tượng này để yểm long mạch, hãi quá, dân làng phải đắp lại tượng. Pho tượng này được đắp lại từ thời Hậu Lê và vẫn còn đến ngày hôm nay.
Cách đây chừng 30 năm, chùa đón Hòa thượng Kim Cương Tử (thành viên Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam... Hòa thượng đã mất năm 2001, thọ 88 tuổi) về thăm chùa Linh Sơn. Thực ra, trước đó, ông đã về ngôi chùa cổ này vài lần.
Một ngôi mộ Hán ở núi Phượng Hoàng, mà người dân nơi đây gọi là mộ Sở.
Sau khi nghiên cứu sắc phong, bia đá, mộ tháp, hòa thượng chỉ nói: “Ngôi chùa này đã có rất lâu đời”. Bản thân hòa thượng cũng không thể khẳng định chùa có từ khi nào. Nhưng trong cổ sử có ghi rằng, cha mẹ Lê Hoàn là người Thanh Hóa, vốn làm nghề đăng đó, đã về ngôi chùa này cầu và sinh vương. Sau này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng về nghiên cứu và cho rằng thời Đinh đã khôi phục lại ngôi chùa này, còn nó có từ khi nào thì không ai biết.
Trong tâm trí người dân Mỹ Cụ, trong các câu chuyện truyền miệng, thì ngôi chùa này có từ trước Công nguyên, khi Phật giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam. Hiện trong ngôi chùa này vẫn còn thờ nhiều pho tượng giống người Ấn Độ.
Nhưng chuyện về ngôi chùa với những bí ẩn không được nhiều người quan tâm bằng những đường hầm bằng đất, bằng gạch lộ ra từ 3 quả núi, và đã có vô số người trong rất nhiều thời kỳ, cả ngày xưa và nay tìm được cổ vật. Trong lần Hòa thượng Kim Cương Tử về thăm chùa Linh Sơn, một số cán bộ xã đã dẫn hòa thượng đi xem một số miệng hầm do dân đào lộ ra ở núi Linh Sơn, Hổ Phục và đặc biệt là rất nhiều miệng hầm ở núi Rùa, ngọn núi quy ẩn xà cực kỳ linh thiêng.
Sau khi xem xét thực địa, hòa thượng Kim Cương Tử bảo rằng: “Những ngọn núi ở làng Mỹ Cụ này là nơi người Sở chôn giấu kho báu cho người âm”.
Một phần nhỏ cổ vật trong nhà một "chuyên gia đào mồ cuốc mả" ở làng Mỹ Cụ.
Theo đó, vào thời Chiến Quốc (thế kỷ 5 trước Công nguyên), khi bị nước Tần từ phương Bắc đánh xuống, nước Sở yếu thế đã phải tiến sâu về phía Nam. Cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam kéo dài vài trăm năm, nên có thời kỳ nước Sở tràn xuống cả nước Việt, tận đến vùng Quảng Ninh, Hải Phòng. Người Sở có phong tục chia của cho người âm, chia của cho thổ thần, nên họ thường chôn rất nhiều vàng bạc, châu báu xuống nơi bí mật nào đó trong lòng đất. Những ngọn núi quanh làng Mỹ Cụ rất linh thiêng, nên là nơi cất giấu rất nhiều báu vật của người Sở.
Sau này, nghiên cứu lại các tài liệu cổ, Hòa thượng Kim Cương Tử cung cấp thêm thông tin như sau: Hồi Mã Viện sang chiếm nước Việt, đã kéo quân về Hải Phòng cưỡng ép bà Lê Chân làm vợ, nhưng bị cự tuyệt. Khi đó, Mã Viện mang theo bản đồ cất giấu kho báu của người Sở, lại đi qua vùng Mỹ Cát Trang nên đã vô tình phát hiện ra nơi chôn kho báu xưa kia. Mã Viện đã sai quân lính đào khắp các ngọn núi và đem đi một đoàn dài dằng dặc xe vàng, xe bạc.
Sự lý giải của Hòa thượng Kim Cương Tử khiến người dân không chỉ làng Mỹ Cụ rất tin và nhiều năm qua, người dân không chỉ Mỹ Cụ mà khắp vùng Thủy Nguyên gọi những ngọn núi có mộ cổ chứa cổ vật là nơi cất giữ kho báu Sở, hoặc mộ Sở.
Cổ vật 2.000 năm tuổi đào được trong "mộ Sở".
Không phải ai cũng biết những truyền thuyết, huyền thoại về những khu mộ cổ chứa cổ vật, trên mấy quả núi này, nhưng ai cũng biết và tin chắc chắn rằng, những quả núi ở phía tây huyện Thủy Nguyên có rất nhiều mộ Sở chứa cổ vật.
Suốt hàng trăm năm nay, cứ thi thoảng có người đào trúng mộ chứa cả kho báu thực sự. Khoảng 20 năm trở lại đây, liên tục các ngôi mộ cổ bị đào bới, khai quật, dân làng liên tục tận mắt, bán lấy bộn tiền, nên không ai nghi ngờ gì về tính hư thực của những kho báu này.
Tôi đã có nhiều ngày lang thang trên những quả núi, vạch từng bụi cỏ, ngó từng đường hầm, gặp gỡ các nhân chứng và đặc biệt là có cơ duyên được những “chuyên gia đào mộ” cho xem những bộ sưu tập cổ vật. Tôi đã thực sự ngỡ ngàng và phải thốt lên rằng: Đúng là vùng đất chứa đựng những kho báu khổng lồ!
Còn tiếp…
Phạm Dương Ngọc/VTC News