Đi tìm hàng việt cho người Việt: Kỳ 1 - Những 'đứa con lai'

20/09/2019 03:00

Những tấm khăn lụa thương hiệu Khaisilk nổi tiếng một thời, hay chiếc máy lạnh Asanzo vẫn thấy trên sóng “nhà đài”… hóa ra chỉ là câu chuyện “đầu Ngô mình Sở”. Thực tế này dường như đang từng ngày “bào mòn” niềm tin người tiêu dùng; còn với doanh nghiệp, doanh nhân - những người một đời đau đáu hai chữ hàng “thuần Việt” thì thực sự là một trở lực.

Đi tìm hàng việt cho người Việt: Kỳ 1 - Những “đứa con lai”

Nhiều người ngỡ ngàng, choáng váng khi khăn lụa tơ tằm “Khaisilk made in Vietnam” là hàng Trung Quốc

Hàng Việt gắn dòng “Made in China” giờ xuất hiện ở khắp nơi, đủ chủng loại - từ hàng gia dụng cho tới điện tử, dệt may hay đồ điện lạnh. Bởi chỉ cần đăng ký thương hiệu ở Việt Nam, nó đã được xem như hàng Việt, bất kể “ra lò” ở đâu.

Hàng Việt, xưởng đặt tại… Quảng Châu

Không khó để tìm mua những sản phẩm được gọi là hàng Việt, nhưng gắn mác... Tây, thậm chí mác Italy nhưng sản xuất tại… Trung Quốc. Song song đó, các sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, được sản xuất ở Việt Nam cũng được bày bán công khai khắp các cửa hàng trên phố. 

Bởi thế để sở hữu các món đồ thương hiệu thuần Việt bây giờ không phải dễ. Hàng Việt “xịn” phần lớn là hàng gia công, chất lượng mẫu mã kém; hàng “đội lốt” hàng Việt, chất lượng có khá hơn tí chút nhưng lại… “Made in China”. “Đôi khi biết vậy, nhưng cũng đành gật đầu, rút ví mua chứ biết rõ nền công nghiệp phụ trợ của ta chưa đủ mạnh nên đòi hỏi thuần Việt với tất cả các mặt hàng e hơi khó”, chị Tuyết Hạnh (khu tập thể A2, Thanh Xuân Bắc) kể chuyện.

Nhắc lại một lần đi mua đôi giày hiệu Canavaro, được nhân viên bán hàng khẳng định “là hàng Việt” nhưng “xưởng nhà em đặt ở Quảng Châu, Trung Quốc”. Chính sự mập mờ trong thương hiệu kiểu “đầu Ngô mình Sở” hay nhập nhằng xuất xứ - mác phương Tây, sản xuất ở Trung Quốc lại gọi là hàng Việt khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào hàng hóa Việt Nam”, lời chị Hạnh. 

Đây cũng là chia sẻ của nhiều khách hàng mà chúng tôi gặp ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại Hà Nội. Tuy nhiên, đa phần họ đều khẳng định, chấp nhận những sản phẩm Việt “Made in China” nhưng vấn đề là nhà sản xuất, phân phối phải công khai xuất xứ thật sự của sản phẩm, không thể lập lờ đánh lận hàng Tây, hàng Trung Quốc với hàng Việt, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Bởi dù là hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng nếu được quản lý, kiểm soát chặt thì chất lượng cũng không tồi. Thực tế là hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới đều đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. 

Lai Úc, lai Hàn

Không chỉ các sản phẩm giày, dép, thời trang mà cả các sản phẩm gia dụng cũng thực sự khiến người tiêu dùng nhiều khi rơi vào… mê hồn trận. Chỉ một thương hiệu Kangaroo, bấy lâu vẫn được giới thiệu là hàng Việt, khi nó được “khai sinh” tại Việt Nam, nhưng sản phẩm thì có đủ xuất xứ, từ hàng nhập ở Úc cho tới sản phẩm “Made in China”. Thậm chí, sau khi sự cố Asanzo vỡ lở, mới xuất hiện những dòng giới thiệu “linh kiện nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam”, nhưng thực tế nhập từ đâu thì không thấy nói (!?). 

Thêm nữa, các sản phẩm của Sunhouse - một thương hiệu đồ gia dụng từng xuất hiện trong rất nhiều chương trình từ “Tự hào hàng Việt”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đến “Thương hiệu quốc gia” nhưng gốc tích, lai lịch của nó thì khá phức tạp. Theo lý giải của đại diện thương hiệu này, hãng được nhượng quyền từ Hàn Quốc, thành lập công ty tại Việt Nam và đặt hàng sản xuất ở… Trung Quốc, dưới sự kiểm soát chất lượng của chuyên gia người Hàn. Phần lớn các sản phẩm Sunhouse đều là “Made in China”. 

Nhắc lại câu chuyện Asanzo để thấy nó như một “gáo nước lạnh” dội vào người tiêu dùng trong nước vì bị bóc mẽ “nhập hàng Trung Quốc, gắn mác “Made in Việt Nam”. Thế nhưng, một thời gian dài trước đó vẫn không ngần ngại quảng cáo hàng công nghệ Nhật, chất lượng hàng đầu… Asanzo. Còn nhớ, Khaisilk - một thương hiệu mới nghe đã gợi nên sự thướt tha, nhẹ nhàng rất Việt nhưng đã bị lật tẩy là sản phẩm “đội lốt” hàng Việt.

Những vụ việc kiểu như thế thi thoảng mới được phanh phui nhưng nếu cộng dồn nó lại mới thấy rõ mặt trái của nó đã làm tổn thương rất lớn cho tinh thần Việt. Bởi ngoài kia vẫn còn không ít sản phẩm, thương hiệu mà nếu lục tìm gốc tích xuất xứ thì bản chất, cách làm có khi cũng na ná như Kangaroo, Sunhouse, Asanzo… vừa nhắc. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế đã đăng đàn khẳng định, chính việc sử dụng câu chữ của doanh nghiệp đã khiến người tiêu dùng trong nước lầm tưởng về chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Vị này bức xúc: “Nhiều doanh nghiệp sử dụng mánh khóe, lợi dụng câu chữ, từ ngữ mơ hồ để đánh lừa người tiêu dùng như sử dụng công nghệ Nhật Bản, công nghệ Đức, Mỹ, Âu châu… Điều người tiêu dùng cần được biết là hàng hóa đó chính xác sản xuất ở đâu, làm ra bởi doanh nghiệp nào. Chính sự nhập nhèm này, các doanh nghiệp đã lợi dụng để lừa dối người tiêu dùng, thậm chí gian lận thuế khóa”.

Rõ ràng sự “lắt léo” về mặt câu chữ đã khiến cho một vài mặt hàng Việt trở nên bị “ảo”, một vài ông chủ nhờ đó có thể kiếm được bộn tiền... Nhưng với những doanh nghiệp, nhà sản xuất một đời đau đáu với những sản phẩm được “mài” ra từ bàn tay, khối óc của người Việt thì thấy khó khăn, nản lòng… 

Theo PLVN

Bạn đang đọc bài viết "Đi tìm hàng việt cho người Việt: Kỳ 1 - Những 'đứa con lai'" tại chuyên mục KINH DOANH.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.