Đã đến lúc phải luật hóa hộ kinh doanh

21/05/2020 07:58

TS Vũ Tiến Lộc đã nhiều lần khẳng định, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh.

Hôm nay (21/5), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Sau thảo luận, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong chương trình làm luật của mình thuộc nhiệm kỳ 2016-2020, Quốc hội đã ghi rõ việc phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tiếp tục đổi mới đối với khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế trong thời gian tới.

Mô hình hộ kinh doanh đã hết lý do tồn tại

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng nhiều chuyên gia khẳng định khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa có sự bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.

Hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết như thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp, một đạo luật được cho là có tư tưởng cải cách đầy tiến bộ.

Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại khi cần chuyển đổi lên thành doanh nghiệp. Liên quan đến việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể cũng có nhiều văn bản khác nhau như về thuế, về kế toán, về đất đai hay lao động...

Bất cập là như vậy, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật về thuế và kế toán thời gian tới.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cũng khẳng định, hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Chỉ cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.

Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ nên vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp.

Thêm lựa chọn cho người kinh doanh

Trong số những tranh cãi về việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, một luồng ý kiến cho rằng, điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty hiện nay gần như bằng 0 và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 cho phép thành lập công ty TNHH MTV là cá nhân.

Tuy nhiên, trong số hộ kinh doanh đang hoạt động, luồng ý kiến này cho rằng, chỉ nên chuyển đổi những hộ kinh doanh thuộc phạm vi phải đăng ký. Hiện chỉ có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không đăng ký. Để việc chuyển đổi thuận lợi, cần có lộ trình tăng dần yêu cầu theo mỗi năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong khi đó, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không nên “cưỡng chế”, bắt buộc hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp một cách cứng nhắc, mà cần có chính sách linh hoạt, để tự hộ kinh doanh lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh phù hợp, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thực tế, có không ít hộ kinh doanh đã phá sản, giải thể hoặc quay về hình thức thành lập ban đầu sau khi chuyển thành doanh nghiệp.

Suy cho cùng thì những tranh cãi nảy lửa như trên có chung một xuất phát điểm là những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, theo Chủ tịch VCCI, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh. Cụ thể, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

"Đó là cách để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta và cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay" - TS Vũ Tiến Lộc nói.

Về phần mình, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Người kinh doanh sẽ có thêm lựa chọn được pháp luật bảo hộ. Đối tác, bạn hàng có thêm có sở pháp lý để làm việc với hộ kinh doanh, mà không phải lo về việc có phải chuyển thành doanh nghiệp hay xóa bỏ hộ kinh doanh.

Những vấn đề nêu ra trên đây tuy chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ để minh chứng rằng vì sao phải đưa hộ kinh doanh vào luật. Còn đưa vào luật như thế nào thì có thể thực hiện theo nhiều cách, trong đó nổi lên hai phương án: 1/ Hoàn thiện chương VIIa để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp mà Chính phủ đã và đang chuẩn bị để trình Quốc hội trong kỳ họp giữa năm 2020 tới; 2/Đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2025 việc ban hành luật về hộ kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Đức Sinh, trong hai phương án trên thì chọn phương án 1 là hợp lý hơn bởi: Đó là cách nhanh nhất để đưa hộ kinh doanh vào luật, mặc dù đã bị muộn trên 2 thập kỷ; Nếu có gì còn khiếm khuyết thì chương VIIa còn có dịp để được sửa đổi, bổ sung trong những năm sau, cũng giống như những gì mà Luật Doanh nghiệp đã từng trải qua nhiều lần từ năm 2005 đến nay.

 Theo Enternews

Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đã tích cực đồng hành cùng các cấp...

Hộ kinh doanh xoay xở vượt khó Hộ kinh doanh xoay xở vượt khó

Chỉ mở bán với những khách hàng “take away” (mua mang đi), chuyển từ bán hàng quần áo sang bán đồ ăn trực tuyến (online)…, các hộ kinh doanh nhỏ đã có nhiều cách xoay xở từ khi xảy ra...

Nguồn Link bài gốc https://enternews.vn/da-den-luc-phai-luat-hoa-quan-ly-ho-kinh-doanh-173616.html

Bạn đang đọc bài viết "Đã đến lúc phải luật hóa hộ kinh doanh" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.