Giao đất một đằng, sử dụng một nẻo
Vừa qua, tòa soạn nhận được phản ánh của người dân thôn Vôi Đá, xã Trần Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) về tình trạng ô nhiễm môi trường do các trạm trộn bê tông và xưởng sản xuất gây ra.
Theo đó, từ nhiều năm nay khu đất nông nghiệp tại khu Làng Xanh, thuộc thôn Vôi Đá bỗng mọc lên hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trong quá trình hoạt động, những trạm trộn, nhà xưởng này gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sinh sống quanh khu vực.
Hàng loạt nhà xưởng mọc ngay trên diện tích trồng cây lâm nghiệp. |
Một người dân địa phương cho biết, khu vực này vốn là đất trồng cây lâm nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích, hoạt động sản xuất tại đây gây ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí do tình trạng khói bụi, xe chở bê tông, xe tải đi lại thường xuyên.
“Khu đất này trước kia dùng để trồng chè do Xí nghiệp Chè Lương Mỹ quản lý. Mấy năm trở lại đây, không biết lý do gì mà người dân có thể đua nhau san lấp, cải tạo để dựng nhà xưởng, nhà kho và các trạm trộn bê tông khiến toàn bộ khu đất đã bị biến dạng hoàn toàn.
Hàng ngày xe bồn, xe tải chở cát sỏi ra vào liên tục khiến đường xá lúc nào cũng bụi mù mịt, tiếng ồn, khói bụi từ các trạm trộn gây ảnh hưởng nhiều đến người dân chúng tôi rất lớn”, người dân này cho biết.
Các trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn cho người dân xung quanh. |
Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy, một con đường được nối từ đường Hồ Chí Minh vào trong khu đất. Dọc hai bên đường là các nhà xưởng, nhà kho có diện tích lên tới cả nghìn mét vuông, bên trong có nhiều công nhân đang sản xuất. Những ai không biết sẽ lầm tưởng đây là một cụm công nghiệp mới được thành lập với các hoạt động sản xuất rất quy mô và đồ sộ.
Các trạm bê tông này đều hoạt động không có giấy phép. |
Đi sâu vào trong, hàng loạt diện tích đất bị biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng sản xuất gạch không nung, gạch block, bê tông đúc sẵn, xưởng đá và một số nhà điều hành làm việc.
Đặc biệt, tại đây có hàng loạt trạm trộn bê tông sừng sững mọc lên, cát, đá sỏi chất thành đống dưới chân. Thậm chí có trạm trộn còn tận dụng khu đất phía bên ngoài làm nơi đổ phế thải xây dựng khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm.
Trạm bê tông nhựa của Cty Đầu tư xây dụng SHB Việt Nam hoạt động trái phép trên diện tích hàng nghìn mét vuông. |
Hàng ngày, xe tải, xe bồn thi nhau cày xới tuyến đường ra vào khu đất khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khói bụi, tiếng ồn từ khu vực xưởng sản xuất gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân xung quanh.
Theo tìm hiểu của PV, khu đất tại Làng Xanh hiện do Xí nghiệp Chè Lương Mỹ (thuộc Cty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội) quản lý với diện tích khoảng 48ha. Từ năm 2004, khu đất này được Xí nghiệp Chè Lương Mỹ giao khoán cho một số hộ dân để trồng và phát triển cây lâm nghiệp.
Tuy nhiên, cây trồng chẳng thấy đâu, thay vào đó là hàng loạt nhà xưởng khi từ năm 2008 đến nay, người dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hàng chục nghìn m2 đất được giao để xây dựng nhà xưởng sản xuất, trạm trộn bê tông... khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Kéo theo đó là tình trạng sử dụng đất bừa bãi, không có phương án bảo vệ môi trường và các giấy phép cần thiết, dẫn đến môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Đặng Đình Bình, Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, khu đất này hiện đang do Xí nghiệp Chè Lương Mỹ quản lý, xã chỉ quản lý về mặt hành chính nên không có các giấy tờ, hồ sơ của khu vực này.
Ông Bình cho biết, người dân cũng phản ánh tình trạng xe tải gây ô nhiễm môi trường, sau đó xã đã xuống làm việc với các doanh nghiệp. Hiện tại các doanh nghiệp đã đổ đường bê tông nên phần nào giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.
Phế thải xây dựng từ trạm bê tông đổ đầy ra đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Về trách nhiệm của địa phương khi để hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp nhưng không kiểm tra, xử lý, ông Bình lại cho rằng “sau này tôi mới tiếp quản”.
Khi PV chỉ ra các nhà xưởng mới xây dựng trong vòng 1, 2 năm trở lại đây và một số nhà xưởng đang gấp rút hoàn thiện, ông Bình mới thừa nhận đây là thiếu xót của địa phương.
“Công tác quản lý hành chính của địa phương là kiểm tra, việc ấy chắc chắn là mình có thiếu xót rồi. Mình không thể nói là không có trách nhiệm ở chỗ đấy”, ông Bình cho biết.
Thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng khiến toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp tại đây đang bị sử dụng sai mục đích và xây dựng trái phép tràn lan. |
Ông Bình cũng chia sẻ, phía UBND huyện cũng đã cho thành lập đoàn kiểm tra do Phòng TNMT trực tiếp làm việc, phối hợp với xã xuống kiểm tra hiện trạng, lập biên bản và đang tìm cách tháo gỡ.
PV tiếp tục qua Xí nghiệp Chè Lương Mỹ để liên hệ làm việc, tuy nhiên vào thời điểm 15h20 ngày 28/9, đơn vị này không có một bóng người, tất cả cửa phòng đều “cửa đóng, then cài” và không có ai làm việc. Hỏi một người phụ nữ đứng tại cổng thì người này cho biết, ở đây không có ai.
Cổng chính của Xí nghiệp Chè Lương Mỹ cũng đang được một cơ sở VLXD "tận dụng" làm nơi kinh doanh. |
Chủ trương ban đầu chỉ là giao đất để phát triển cây lâm nghiệp, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến hàng loạt vi phạm kéo dài và hiện vẫn đang tiếp diễn. Phải chăng đang có sự làm ngơ, “bảo kê của các đơn vị chức năng cho tình trạng này diễn ra công khai?
Theo MT&ĐT