Ngoài những đường phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, sự kiện lịch sử, địa danh cổ gắn bó lâu đời trong tâm thức mỗi người dân ở các địa phương, nhiều giáo sư, bác sĩ có đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được đặt tên cho các đường phố mới. Đây là hoạt động của Nhà nước và nhân dân ghi nhớ công lao các thầy thuốc đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Phố Hồ Đắc Di
Phố Hồ Đắc Di có vị trí từ phố Tây Sơn qua khu tập thể Nam Đồng và hồ Xã Đàn đến phố Đặng Văn Ngữ thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa.
GS. Hồ Đắc Di (1900-1984) sinh tại Huế. Năm 1918, sang Pháp du học. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là giáo sư duy nhất người Việt, là Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Hà Nội cho tới năm 1982. Ông đã có công lao to lớn trong việc tổ chức lãnh đạo nhà trường đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ cho đất nước. GS. Hồ Đắc Di đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Phố Tôn Thất Tùng
Phố Tôn Thất Tùng có vị trí từ ngã ba Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đến đường Trường Chinh qua trước cổng Trường đại học Y Hà Nội, thuộc phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.
GS. Tôn Thất Tùng (1912-1982), quê Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1939 tại Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, làm Thứ trưởng Bộ Y tế, xây dựng Trường đại học Y Dược. Sau hòa bình, ông là Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức. Giáo sư đã cống hiến nhiều công trình khoa học cho ngành y, đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ giỏi. GS. Tôn Thất Tùng là Anh hùng Lao động, đã được Nhà nước thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Phố Phạm Ngọc Thạch
Vị trí: Từ đê La Thành đến Ngã ba Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng chạy giữa hai khu nhà tập thể Kim Liên - Trung Tự.
BS. Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) là người Phan Thiết. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Pháp năm 1934, về mở bệnh viện tư chữa bệnh lao ở Sài Gòn. Ông đã tham gia cách mạng từ năm 1940. Ông là Trưởng phái đoàn Chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn (1950-1953). Từ 1954-1958: Thứ trưởng Bộ Y tế; từ năm 1958-1968, là Bộ trưởng Bộ Y tế.
BS. Phạm Ngọc Thạch được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Phố Đặng Văn Ngữ
Vị trí: Từ phố Phạm Ngọc Thạch đến hết khu Ngoại giao đoàn, thuộc phường Trung Tự và Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
GS. Đặng Văn Ngữ (1910- 1967) quê ở thành phố Huế, đỗ bác sĩ y khoa tại Hà Nội năm 1936. Ông là giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học xuất sắc đã có nhiều công trình giá trị về chuyên ngành ký sinh trùng. Ông từng là Chủ nhiệm Bộ môn Sinh học, Trường đại học Y khoa Hà Nội, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng. Ông hy sinh tại chiến trường miền Nam trong thời gian đi nghiên cứu chống bệnh sốt rét. Giáo sư được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Phố Hoàng Tích Trí
Phố Hoàng Tích Trí có vị trí từ phố Đào Duy Anh sang phố Lương Định Của trong khu tập thể, Kim Liên, quận Đống Đa.
GS. Hoàng Tích Trí (1903-1958) sinh ở làng Đông Ngạc (Vẽ), huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1945, ông là Viện trưởng Viện Pasteur Hà Nội. Từ tháng 11/1946 tới 1958, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế. Giáo sư là người đặt nền tảng cho ngành vi sinh vật học Việt Nam, nền tảng cho y học dự phòng. Giáo sư được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phố Trần Hữu Tước
Phố Trần Hữu Tước có vị trí từ số nhà 55, Nguyễn Lương Bằng đến phố Hồ Đắc Di thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa.
GS. Trần Hữu Tước (1913-1983) nguyên quán tại Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ và làm việc tại các bệnh viện của Trường đại học Y khoa Paris. Cuối năm 1946, ông theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hội nghị Fontainebleau về nước tham gia kháng chiến. Ông là giáo sư Chủ nhiệm Bộ môn, Viện trưởng Viện Tai mũi họng Việt Nam từ năm 1955 và là Giám đốc BV Bạch Mai từ 1958-1969. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966 và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Phố Nguyễn Xuân Nguyên thuộc phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm.
Phố Vũ Văn Cẩn
Phố Vũ Văn Cẩn có vị trí đoạn từ ngã ba đường Vạn Phúc tại số 134 đến ngã ba giao cắt với phố Lụa thuộc quận Hà Đông.
BS. Vũ Văn Cẩn (1915-1982) quê Hưng Yên, tốt nghiệp bác sĩ năm 1943. Năm 1946, ông nhập ngũ và được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân y. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đề ra nhiều chủ trương giải pháp cứu chữa cho thương bệnh binh tại các chiến trường. Ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y; Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1960 và Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1975 đến tháng 4/1982. BS. Vũ Văn Cẩn đã được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phố Đỗ Xuân Hợp
Phố Đỗ Xuân Hợp có địa chỉ tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.
GS. Đỗ Xuân Hợp (1906 -1985) tốt nghiệp y sĩ Đông Dương năm 1929, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1944. GS. Đỗ Xuân Hợp nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), là người có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc quân y và dân y. Giáo sư có công sáng lập và xây dựng ngành giải phẫu và hình thái học Việt Nam. Ông được Nhà nước phong chức danh giáo sư, phong hàm Thiếu tướng. Giáo sư đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Phố Nguyễn Xuân Nguyên
Phố Nguyễn Xuân Nguyên có vị trí từ phố Cao Xuân Huy đến phố Hoài Thanh thuộc phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm.
GS. Nguyễn Xuân Nguyên (1907-1975) sinh tại Thanh Hóa, tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Hà Nội năm 1935. Trước năm 1945, ông đã được chính quyền cử làm giảng viên Trường đại học Y Dược khoa kiêm Giám đốc nhà thương chữa mắt ở dốc Hàng Gà. Sau Cách mạng, Chính phủ bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng. Trong kháng chiến, ông là Giám đốc Sở Y tế Liên khu 3. Sau năm 1954, ông được Nhà nước phong hàm giáo sư và là Chủ nhiệm Bộ môn Mắt, Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội, kiêm Giám đốc Bệnh viện Mắt, rồi Giám đốc Viện Mắt Trung ương. Giáo sư được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Phố Trần Duy Hưng
Phố Trần Duy Hưng có vị trí là đoạn đầu con đường đôi đi Hòa Lạc từ cầu Trung Kính đến ngã tư Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
BS. Trần Duy Hưng (1912 -1988) quê tại Hà Nội. Là bác sĩ, nhà chính trị thông minh và nhân ái. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Thủ đô Hà Nội. Tháng 10/1954: ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đại quân vào tiếp quản Thủ đô, sau đó ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến năm 1977. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phố Nguyễn Văn Hưởng
Phố Nguyễn Văn Hưởng có vị trí từ dốc đê sông Đuống đi qua khu cư dân phường Giang Biên đến ngã ba giao cắt đường 48 khu đô thị Việt Hưng.
BS. Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998) quê tỉnh An Giang, tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pháp năm 1933. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ. Từ 1956-1968, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Đông y, Chủ nhiệm Bộ môn Y học dân tộc, Trường đại học Y Hà Nội. Năm 1969-1974, làm Bộ trưởng Bộ Y tế. BS. Nguyễn Văn Hưởng đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
Phố Đặng Vũ Hỷ
Phố Đặng Vũ Hỷ có vị trí tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên. GS. Đặng Vũ Hỷ (1910-1972) quê Nam Định, tốt nghiệp bác sĩ năm 1937 tại Pháp. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Giám đốc Viện Y tế xã hội, giảng viên Trường đạị học Y Dược khoa Hà Nội. Năm 1954-1972, giáo sư là Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu, Trường đại học Y Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai. Ông được Nhà nước phong chức danh giáo sư, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật.
Phố Đặng Thùy Trâm
Phố Đặng Thùy Trâm có vị trí từ ngõ 477 đường Hoàng Quốc Việt đến điểm giao cắt với phố Nghĩa Tân và phố Phạm Tuấn Tài thuộc quận Cầu Giấy. BS. Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp bác sĩ Trường đại học Y Hà Nội, xung phong vào công tác ở chiến trường B năm 1966. BS. Đặng Thùy Trâm đã hy sinh ngày 22/6/1970, tại Đức Phổ, Quảng Ngãi khi chưa đầy 28 tuổi, là liệt sĩ trong Chiến tranh chống Mỹ, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006. BS. Đặng Thùy Trâm là tác giả 2 tập nhật ký nổi tiếng viết về chiến tranh.