Ai chịu trách nhiệm trong quản lý văn bằng chứng chỉ tại Đại học Đông Đô?

21/09/2019 12:31

Đại học Đông Đô dù không được đào tạo văn bằng 2 cử nhân ngôn ngữ Anh nhưng vẫn được cấp phôi với số lượng khá lớn, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mới đây quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can, tạm giam 4 bị can là cán bộ trường Đại học Đông Đô, trong đó có nguyên hiệu trưởng Dương Văn Hòa về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự năm 2015.

Mặc dù Đại học Đông Đô chưa được Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép đào tạo văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh (hệ chính quy), nhưng những bị can bất chấp thông đồng, móc ngoặc với các trung tâm đào tạo ngắn hạn ở bên ngoài, thu thập hồ sơ của những người có nhu cầu tuyển sinh đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, hệ chính quy vô tội vạ, thu lợi hàng tỉ đồng.

Nhiều trường khó khăn vẫn mua phôi bằng từ Bộ GD&ĐT

Hiện cơ quan công an đang điều tra làm rõ vụ án,  nhưng câu hỏi đặt ra là vấn đề phôi bằng đang được quản lý theo quy trình nào mà một trường đại học dù không được cho phép nhưng vẫn ngang nhiên tổ chức chiêu sinh văn bằng 2, thi tuyển đầu vào. Thậm chí các trường còn tổ chức thi hết 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho học viên chỉ trong 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng, kể từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.

Ai chiu trach nhiem trong quan ly van bang chung chi tai Dai hoc Dong Do? hinh anh 1

 Đại học Đông Đô, nơi xảy ra sai phạm trong đào tạo, cấp phát văn bằng 2 cử nhân tiếng Anh.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định tại Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, THPT, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 19 ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng GD&ĐT, thì các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ quy định.

Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng, nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ. Trong cả hai trường hợp, trách nhiệm quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ đều thuộc về cơ sở giáo dục đại học.

Đại học Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng đại học từ Bộ GD&ĐT. Nhưng Bộ GD&ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng.

Trên cơ sở báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị, Bộ GD&ĐT kiểm tra và nếu phát hiện phôi văn bằng, chứng chỉ của đơn vị không đúng quy định thì có văn bản yêu cầu cơ sở giáo dục điều chỉnh hoặc xử lý theo quy định.

Bộ GD&ĐT thanh tra, kiểm tra việc quản lý văn bằng chứng chỉ nói chung, in phôi văn bằng, chứng chỉ nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo kế hoạch hằng năm. Các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Đối với sự việc trường Đại học Đông Đô, ông Trinh cho biết, khi có dấu hiệu về việc nhà trường cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.

Kẽ hở đến từ đâu?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy định của Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT cho thấy hằng năm, các cơ sở giáo dục đại học phải báo cáo Bộ GD&ĐT những nội dung sau: Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.

Quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ cấp cho người học.

Ai chiu trach nhiem trong quan ly van bang chung chi tai Dai hoc Dong Do? hinh anh 2

Các bị can là cán bộ Đại học Đông Đô vừa bị khởi tố. 

Ngay cả với các cơ sở giáo dục đại học tự in phôi văn bằng, chứng chỉ thì vẫn phải có trách nhiệm báo cáo Bộ GD& T và cơ quan trực tiếp quản lý quá trình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, in phôi, sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ, đồng thời công bố công khai trên trang thông tin điện tử báo cáo của cơ sở giáo dục.

Như vậy, quy trình cấp và quản lý phôi bằng đã rõ. Nhưng nhìn vào vụ việc tại trường Đại học Đông Đô, câu hỏi đặt ra là, cơ sở này dù không được đào tạo văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh nhưng vẫn được cấp phôi với số lượng khá lớn, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Trong khi số người được trường Đại học Đông Đô chiêu sinh, đào tạo “chui” lên đến hàng trăm người, vậy chức năng kiểm tra, giám sát quản lý của Bộ GD&ĐT đến đâu? Việc cấp phôi cho cơ sở này dựa trên cơ sở, tiêu chí nào?

Hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đều do các cơ sở giáo dục đại học tự xác định, dựa trên năng lực đào tạo của nhà trường, và các cơ sở phải tự chịu trách nhiệm về chỉ tiêu của mình. Vậy giữa chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng phôi bằng được cấp cho Đại học Đông Đô có mối liên quan hay không?

Một lãnh đạo cấp Vụ của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ sẽ “giám sát” chỉ tiêu của các trường; khâu quản lý văn bằng chứng chỉ lại do Cục Quản lý chất lượng thực hiện; quản lý về tuyển sinh và đào tạo lại do Vụ giáo dục Đại học, còn nơi cấp phôi cho các cơ sở (trong đó có Đại học Đông Đô) lại do Văn phòng Bộ đảm nhiệm (theo quy định mới, từ 1/7/2019, Văn phòng Bộ không còn thực hiện chức năng này).

Phải chăng kẽ hở xuất hiện từ chính quy trình này. Một văn bằng chứng chỉ, phân tán về nhiều đơn vị quản lý? Đương nhiên, quyền tự chủ thuộc về các trường, nhưng việc họ sử dụng phôi bằng như thế nào, in gì trên tấm phôi bằng đó, phải chăng Bộ hoàn toàn không biết?

Ngày 3/8, trao đổi với phóng viên, một quan chức trong ngành giáo dục cho biết, việc đào tạo văn bằng 2 về bản chất là tốt, tạo điều kiện cho những người học văn bằng 1 rồi không phải học lại tất cả các kiến thức, giúp tiết kiệm thời gian, nhưng quản lý làm sao phải bảo đảm chặt chẽ, có chất lượng.

Tuy nhiên, theo vị quan chức này thì văn bản quản lý văn bằng 2 có từ năm 2001 (Quyết định số 22/2001/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai), từ khi chưa có Luật giáo dục đại học, đến nay quyết định này quá lạc hậu trong khi thực tiễn thay đổi rất nhiều.

Do đó một số Vụ, Cục trong Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận không thống nhất với nhau trong quản lý đào tạo văn bằng 2. Một số cơ sở đào tạo khó khăn trong tuyển sinh lợi dụng điều này để sai phạm, thậm chí có dấu hiệu tội phạm.

Bộ GD&ĐT cần sớm tổng kết thực tiễn văn bằng 2, để sửa văn bản quản lý trong bối cảnh thực hiện Luật giáo dục đại học mới; đồng thời, Bộ GD&ĐT phải rà soát các văn bản liên quan đến phôi bằng, văn bằng 2 để không xảy ra sai phạm đáng tiếc như tại Đại học Đông Đô.

Theo VTC News

 

Nguồn VTC News

Bạn đang đọc bài viết "Ai chịu trách nhiệm trong quản lý văn bằng chứng chỉ tại Đại học Đông Đô?" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.