[20 năm LUẬT DOANH NGHIỆP]: “Cuộc cách mạng” thủ tục thành lập doanh nghiệp

22/02/2020 17:34

Các phiên bản Luật Doanh nghiệp thực sự là một đột phá về thủ tục hành chính cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự với DĐDN. 

Sau 20 năm Luật Doanh nghiệp được ban hành, Luật đã tạo sự thay đổi trong tư duy quản lý quyền kinh doanh… từ đó tạo ra một lớp doanh nghiệp ngày một lớn mạnh. Để Luật Doanh nghiệp 2020 ngày một tiệm cận với thông lệ quốc tế, mọi ý kiến đóng góp xin gửi về:

[20 năm Luật DOANH NGHIỆP]: “Hàn thử biểu” của niềm tin

- Là một luật sư có gắn bó nhiều năm với Luật Doanh nghiệp và thường xuyên tư vấn cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thủ tục thành lập, quản trị và vận hành doanh nghiệp. Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với sự phát triển của Luật Doanh nghiệp trong 20 năm qua. Ví dụ thú vị về khả năng diễn giải và áp dụng của Luật Doanh nghiệp 1999 ở các cơ quan nhà nước là rất khác nhau trong giai đoạn Luật Doanh nghiệp 1999 mới được ban hành. Khi tôi và một số người có liên quan đến hoạt động soạn thảo và theo dõi thi hành Luật Doanh nghiệp đi khảo sát ở một địa phương. Chúng tôi phát hiện một địa phương có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhưng lại có tên là “xí nghiệp” – một từ cũ của thời kinh tế bao cấp nhằm ám chỉ tới doanh nghiệp nhà nước. Khi phỏng vấn các chủ “xí nghiệp” thì họ cho biết họ đang là hộ kinh doanh cá thể nhưng được yêu cầu phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nhưng do quy mô kinh doanh của họ nhỏ nên địa phương đã cấp phép cho họ là “xí nghiệp” với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Khi phỏng vấn cán bộ địa phương, họ cho rằng cần thiết phải làm vậy để có thể quản lý được các hộ kinh doanh này. Ngoài ra, họ cũng cho rằng đó là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ này khi cho họ tên gọi “xí nghiệp” để gắn với doanh nghiệp nhà nước, để dễ tiếp cận thị trường hơn và để có cảm giác “oai hơn”...

- Tối giản thủ tục thành lập nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả quản lý của Nhà nước đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ở góc nhìn của ông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần thay đổi nội dung gì để giải bài toán này?

Theo tôi, trước hết phải là trách nhiệm công vụ của từng cán bộ nhà nước trong hoạt động quản lý và tiếp đến là các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ những quy định của Luật Doanh nghiệp. Tất nhiên, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần phải sửa đổi một số quy định để có tính định hướng và giải quyết những vấn đề còn bất cập trên thực tế của chính các quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, để sửa quy định nào của Luật Doanh nghiệp hiện nay thì cần phải đánh giá tác động thấu đáo.

- Nhưng nhiều ý kiến e ngại rằng thủ tục quá đơn giản sẽ lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp trục lợi, thưa ông?

Tôi không nghĩ việc một số cá nhân trục lợi là lỗi của Luật Doanh nghiệp. Đây là vấn đề có một vài cá nhân cố ý làm trái pháp luật. Quy định pháp luật có tốt đến đâu hay nghiêm khắc đến đâu thì vẫn có thể có hành vi vi phạm xảy ra. Hoạt động quản lý nhà nước là cần phải giải pháp hài hoà giữa sự tự do với tính nghiêm túc tuân thủ pháp luật

- Hiện tại, Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn đang được mang ra lấy ý kiến. Là một luật sư tham gia sâu vào quá trình soạn thảo chính sách, ông đóng góp thế nào để Dự thảo luật này được hoàn thiện hơn?

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp thì cần chú ý tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp. Như tôi đã nêu ở trên, tính ổn định của pháp luật sẽ giúp cho pháp luật trở nên có thể dự đoán được, tạo sự thống nhất trong quy định pháp luật và tránh sự lạm quyền. Chúng ta có thể thấy tính ổn định pháp luật thường được quy định trong các hiệp định đầu tư quốc tế hoặc trong những quốc gia theo đuổi các nguyên tắc pháp quyền. Việt Nam đang hướng tới điều này. Ngoài ra, để thu hút đầu tư và bảo đảm các cam kết quốc tế về đầu tư, pháp luật của nhà nước tiếp nhận đầu tư thường phải cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi thay đổi pháp luật thì không gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư.

Thứ hai, các nguyên tắc cốt lõi. Để bảo đảm tính ổn định của Luật Doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp cần phải xây dựng một số các nguyên tắc cốt lõi của luật này. Nếu những nguyên tắc này được xây dựng tốt, ổn định trong một thời gian dài thì sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp sẽ dễ dàng có thể thống nhất, phù hợp với nhau, như Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư…

- Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn enternews.vn

Bạn đang đọc bài viết "[20 năm LUẬT DOANH NGHIỆP]: “Cuộc cách mạng” thủ tục thành lập doanh nghiệp" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.